Chưa thống nhất về việc sử dụng con dấu của doanh nghiệp

14/05/2015 06:12 GMT+7

Tại hội thảo lấy ý kiến góp ý các dự thảo nghị định hướng dẫn luật Doanh nghiệp (DN) sửa đổi, do Phòng Thương mại - Công nghiệp VN (VCCI) tổ chức hôm qua (13.5) ở Hà Nội, nhiều ý kiến DN, luật sư có quan điểm khác nhau về DN cần hay không cần con dấu.

Tại hội thảo lấy ý kiến góp ý các dự thảo nghị định hướng dẫn luật Doanh nghiệp (DN) sửa đổi, do Phòng Thương mại - Công nghiệp VN (VCCI) tổ chức hôm qua (13.5) ở Hà Nội, nhiều ý kiến DN, luật sư có quan điểm khác nhau về DN cần hay không cần con dấu.
Theo ông Phan Đức Hiếu, Phó trưởng ban Môi trường kinh doanh, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư (CIEM), luật DN (sửa đổi) có hiệu lực từ 1.7 tới đã thay đổi phương thức quản lý con dấu. “Quy định của luật là thay vì cơ quan nhà nước quản lý con dấu thì sắp tới việc này sẽ để DN tự làm hoặc có DN khắc dấu. Các DN sẽ tự quyết định hình thức, nội dung, số lượng và cách thức sử dụng con dấu của mình”, ông cho biết.
Bà Nguyễn Bích Ngọc, Công ty luật Allens, đặt vấn đề: “DN có quyền không có con dấu không?”. Về điều này, theo luật sư Nguyễn Tiến Lập, hiện quan điểm về vấn đề này vẫn là 50 - 50. “Khi DN mang một văn bản đến cơ quan quản lý nhà nước mà không có dấu, nảy sinh e ngại là cơ quan nhà nước đó sẽ yêu cầu đến công chứng để công chứng đây là chữ ký hợp lệ, rồi phải mang Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh đến…”, ông Lập nói và cho rằng “nếu DN không có con dấu thì công chứng, công an sẽ có nhiều việc làm nên vẫn để con dấu thì hơn”. Luật sư Trần Hữu Huỳnh, Chủ tịch Trung tâm hội đồng trọng tài quốc tế VN, thừa nhận: “Có những văn bản ghi là cần ký tên và đóng dấu. Cho nên, nếu văn bản, công văn của DN mà không đóng dấu thì cơ quan nhà nước lại không xử lý, nói chờ hướng dẫn cũng mệt”.
Nhưng cũng có ý kiến ủng hộ việc bãi bỏ con dấu. Luật sư Trần Vũ Hải, Giám đốc Công ty TNHH luật Hà Nội, nói: “Nhiều công ty hiện nay làm ăn qua mạng có cần giấy và con dấu đâu”.
Ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư - đại diện cho Ban soạn thảo nghị định hướng dẫn, cho biết: “Luật mới quy định việc sử dụng con dấu là quyền của DN. Nhưng vì trong các văn bản luật, nghị định hiện hành, nhiều nơi vẫn yêu cầu dấu nên chưa hoàn toàn bãi bỏ con dấu được. Chúng tôi đang tính toán hướng dẫn những loại văn bản nào mà DN có thể không cần con dấu”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.