Cổ tức đốt nóng mùa đại hội cổ đông

Mai Phương
Mai Phương
15/06/2020 06:07 GMT+7

Mùa đại hội cổ đông năm nay lại được đốt nóng bởi bức xúc của các cổ đông khi nhiều doanh nghiệp có lợi nhuận mà không chia cổ tức nhiều năm liên tục.

Có lời cũng không chia

Tại đại hội cổ đông của Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank - STB) diễn ra vào đầu tháng 6, nhiều cổ đông đã chất vấn tại sao ngân hàng này tiếp tục không chia cổ tức năm 2019. Chuyện này đã diễn ra ở đại hội mùa trước. Như vậy trong 3 năm liên tục từ 2016 đến hết 2019, dù Sacombank luôn có lãi rất cao nhưng cổ đông không được chia đồng nào.
Ông Dương Công Minh, Chủ tịch HĐQT Sacombank, cho hay lợi nhuận tích lũy của Sacombank đến hết năm 2019 đạt hơn 4.000 tỉ đồng nhưng ngân hàng là đơn vị kinh doanh có điều kiện nên phải được Ngân hàng Nhà nước đồng ý mới được chia.
Trong năm qua, HĐQT Sacombank cũng đã kiến nghị Ngân hàng Nhà nước chấp thuận phương án chi trả cổ tức cho cổ đông, trả cổ tức bằng cổ phiếu từ lợi nhuận giữ lại phù hợp với kết quả tài chính hằng năm nhằm nâng cao vị thế của Sacombank trên thị trường và đảm bảo hài hòa lợi ích của cổ đông; tuy nhiên đến nay vẫn chưa nhận được ý kiến phản hồi.
Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank - TCB) cũng có lịch sử nhiều năm liền không chia cổ tức từ năm 2013 - 2017 dù lợi nhuận thu về rất lớn. Đến khi niêm yết cổ phiếu vào tháng 6.2018, TCB đã tiến hành chia thưởng cho cổ đông bằng cổ phiếu theo tỷ lệ 1:2. Thế nhưng sang năm 2018 và năm 2019, Techcombank lại tiếp tục không chia cổ tức dù lợi nhuận còn để lại đến hết năm 2019 là 17.634 tỉ đồng. Nhà băng này lý giải lợi nhuận được giữ lại để phục vụ cho nhu cầu hoạt động.
Tương tự, cổ đông của CTCP bất động sản và đầu tư VRC (VRC) từ năm 2012 đến kết thúc năm 2018, chẵn 6 năm liên tiếp không được chia đồng nào dù lợi nhuận lũy kế hết 2018 là 319,8 tỉ đồng. Cùng chung số phận là cổ đông của CTCP đầu tư và phát triển công nghiệp Bảo Thư (BII), nhiều năm “tay trắng” mặc dù lợi nhuận lũy kế đến hết năm 2019 là 28,2 tỉ đồng…

Có chia nhưng không trả

Lại có nhiều doanh nghiệp dù đã thông qua việc chi tiền cổ tức cho cổ đông nhưng nhiều năm liền vẫn khất nợ. Chẳng hạn CTCP giao thông Đồng Nai (DGT) lần thứ 6 lùi thời hạn trả cổ tức năm 2015 từ cuối năm 2019 đến ngày 30.6.2020 vì chưa chủ động được nguồn tiền theo kế hoạch. Hay CTCP đầu tư sản xuất và thương mại HCD (HCD) đã thông báo việc điều chỉnh thời gian trả cổ tức đợt 2 năm 2017 lần thứ 4 đến tận cuối năm 2020 thay cho ngày 15.4 như thông báo trước. HCD phân bua, do tình hình dịch Covid-19 kéo dài đã gây ảnh hưởng lớn tới nền kinh tế nói chung và công ty nói riêng. Khả năng thu hồi công nợ chậm trong khi công ty vẫn cần một lượng vốn để duy trì sản xuất kinh doanh.
Nhưng có lẽ lập kỷ lục về số lần hoãn và thời gian chi trả cổ tức kéo dài là Công ty cổ phần Sông Đà 9.06 (S96). Công ty này thông báo hoãn thời gian trả cổ tức bằng tiền năm 2010 đến hết năm 2021 thay cho ngày chi trả thông báo gần nhất trước đó là cuối năm 2018. Lý do là chưa thu xếp được nguồn tiền. Đây là lần thay đổi thứ 9 về thời hạn trả cổ tức trên. Trong khi đó, danh sách cổ đông nhận cổ tức đã được chốt vào ngày 1.7.2011 với tỷ lệ thanh toán 20% bằng tiền mặt. Như vậy cổ đông của S96 chờ ròng rã hơn 10 năm mà chưa biết có nhận được cổ tức hay không.
Cũng có kỷ lục kéo dài thời gian chi trả cổ tức là Công ty cổ phần Simco Sông Đà (SDA) mới đây thông báo phải đến 3 năm nữa mới trả cổ tức năm 2011 và năm 2013. Cụ thể theo thông báo trước đó, SDA sẽ trả cổ tức bằng tiền của năm 2011 và 2013 với tỷ lệ 13% vào cuối năm 2021 thay vì cuối năm 2018 như thông báo trước đó. Đây là lần hoãn trả cổ tức thứ 4 của công ty này và cổ đông sẽ chờ đến tận 7 năm với lý do công ty đã sử dụng nguồn tiền thanh toán cổ tức năm 2011 và 2013 để đầu tư vào dự án khai thác chế biến đá marble tại Myanmar. Dự án đã đầu tư giai đoạn 1 nhưng gặp khó khăn về tiêu thụ hàng nên chưa thu hồi được vốn.
Ông Nguyễn Hoàng Hải, Phó chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI), nhận định đòi hỏi được chia cổ tức của cổ đông là chính đáng bởi khi bỏ tiền ra đầu tư thì ai cũng mong muốn nhận được tiền lời, nhất là khi công ty vẫn làm ăn có lợi nhuận. Việc các công ty đưa ra nhiều lý do để không chia hoặc khất nợ cổ tức là chưa công bằng với cổ đông.
Nhà đầu tư nên cẩn thận khi xem xét chọn cổ phiếu để đầu tư. Bên cạnh đó, cũng nên cẩn thận với những doanh nghiệp nhiều năm liền chỉ chia cổ tức bằng cổ phiếu vì mặt trái của điều này là pha loãng, làm giá trị cổ phiếu chỉ đi xuống.
Ông Nguyễn Hoàng Hải, Phó chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.