Đào vàng vẫn lỗ

Mai Phương
Mai Phương
25/04/2019 06:57 GMT+7

Công ty khai thác vàng trong nước lẫn nước ngoài tại VN đều rơi vào tình trạng thua lỗ nặng nề, trong khi các công ty kinh doanh vàng vẫn lãi lớn.

Nợ hàng ngàn tỉ đồng

Các công ty khai thác vàng đã hút hết tài nguyên của VN mà nhà nước lại không thu được lợi ích nào. Đó là chưa kể những hệ lụy đi kèm rất lớn như ô nhiễm môi trường, tai nạn lao động. Lợi đâu không thấy chỉ thấy thiệt cho đất nước
TS Nguyễn Anh Phong
Công ty cổ phần vàng Lào Cai (GLC) vừa công bố báo cáo tài chính quý 1/2019 với doanh thu thuần đạt 11,2 tỉ đồng, giảm đến 90% so với cùng kỳ năm trước. Sau thuế, vàng Lào Cai lỗ đến hơn 2 tỉ đồng. Theo Báo cáo tài chính, cuối năm 2017 số lỗ lũy kế của công ty này lên hơn 60 tỉ đồng. Năm 2018, công ty có lợi nhuận hơn 17 tỉ đồng. Như vậy số lỗ lũy kế đến hết quý 1/2019 vẫn hơn 43 tỉ đồng. Công ty cổ phần vàng Lào Cai được thành lập vào cuối năm 2007 với vốn điều lệ ban đầu là 45 tỉ đồng do 5 cổ đông trong nước sáng lập. Hiện tại, vốn điều lệ của doanh nghiệp đào vàng này đã tăng lên thành 105 tỉ đồng. Trong đó, Tập đoàn công nghiệp than - khoáng sản VN (TKV) là cổ đông lớn nhất tại công ty này nhưng đã thoái toàn bộ vốn vào đầu năm nay.
Đây không phải là công ty khai thác vàng bị thua lỗ đầu tiên. Trong tháng 3 vừa qua, tỉnh Quảng Nam đã đề nghị Bộ Tài nguyên - Môi trường báo cáo Chính phủ về việc một số vướng mắc xoay quanh việc đóng cửa mỏ vàng Bồng Miêu. Công ty TNHH khai thác vàng Bồng Miêu (Quảng Nam) tuyên bố phá sản cuối năm 2018 nhưng tiền ký quỹ chỉ có 6,4 tỉ đồng nên tỉnh này xin sử dụng nguồn kinh phí sự nghiệp bổ sung 13 tỉ đồng nhằm đảm bảo đủ kinh phí để đóng cửa. Đáng chú ý, tổng nợ của công ty này phải trả khoảng 1.265 tỉ đồng, trong khi đó tổng tài sản của công ty khoảng 302 tỉ đồng, lỗ lũy kế hơn 1.000 tỉ đồng, vượt vốn chủ sở hữu hơn 966 tỉ đồng. Trong đó công ty nợ thuế hơn 108 tỉ đồng và cơ quan thuế Quảng Nam đã bày tỏ “coi như mất trắng”. Bên cạnh đó, công ty này cũng nợ hơn 900 tỉ đồng với hơn 100 chủ nợ...
Tương tự, Công ty vàng Phước Sơn - đơn vị khai thác mỏ vàng Đắk Sa từ giữa năm 2014 đã tuyên bố vỡ nợ. Ngay sau khi tái cơ cấu và cam kết trả nợ tiền thuế hàng trăm tỉ đồng với tỉnh Quảng Nam, đến tháng 8.2016, Công ty vàng Phước Sơn hoạt động trở lại. Tuy nhiên, chỉ sau hơn 4 tháng, đến tháng 12.2016, công ty này đã có văn bản thông báo tạm ngừng hoạt động do “khó khăn về nguồn vốn” cho đến nay. Tuy nhiên, lãnh đạo tỉnh Quảng Nam khẳng định, trước đó Công ty vàng Phước Sơn xin Bộ Tài nguyên - Môi trường được mở rộng thăm dò trữ lượng vàng trong diện tích 28 km2 nằm trong lâm phận Khu bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh nhưng bộ chưa chấp thuận…
Cả hai công ty vàng Bồng Miêu và Phước Sơn đều thuộc Tập đoàn Besra (Canada), doanh nghiệp nước ngoài duy nhất được phép khai thác và xuất khẩu vàng tại VN, có quyền kiểm soát cả 2 mỏ vàng lớn nhất VN đều ở Quảng Nam là Bồng Miêu và mỏ vàng Đắk Sa. Sau gần 12 năm khai thác, đào bán hơn 6,9 tấn vàng với giá trị hơn 5.000 tỉ đồng, đóng được khoảng 700 tỉ đồng tiền thuế thì Công ty Besra đã rời đi và chỉ còn lại các khoản nợ.

Lỗ thật hay giả chỉ doanh nghiệp biết

“Chưa nói hàm lượng, trữ lượng của từng mỏ vàng được khảo sát và dự báo có chính xác hay không thì việc khai thác như thế nào cũng sẽ khó có con số chính xác. Vì vậy giá thành sản xuất vàng từ trước đến nay hoàn toàn là ẩn số. Để tránh thất thoát tài nguyên khoáng sản của đất nước, cần thận trọng khi cấp phép cho các đơn vị khai thác”, ông Trần Thanh Hải nói.
TS Nguyễn Anh Phong, Trưởng khoa Tài chính - Ngân hàng (Trường ĐH Kinh tế - Luật TP.HCM), nhận định việc khai thác khoáng sản là ngành kinh doanh khá đặc thù. Quan trọng nhất là vấn đề giám sát trong quá trình khai thác được thực hiện như thế nào. Nếu không thì doanh nghiệp kê khai thế nào cơ quan thuế biết thế đó.
Ví dụ nếu doanh nghiệp khai thác được 1.000 tấn vàng nhưng chỉ báo cáo có 500 tấn thì ai biết đúng hay sai? Thực tế, việc khai thác vàng luôn được đánh giá có lợi nhuận rất cao nên đã thu hút hàng trăm phu vàng bất chấp nguy hiểm để vào tận rừng sâu hiểm độc tham gia đào bới.
“Các công ty khai thác vàng đã hút hết tài nguyên của VN mà nhà nước lại không thu được lợi ích nào. Đó là chưa kể những hệ lụy đi kèm rất lớn như ô nhiễm môi trường, tai nạn lao động. Lợi đâu không thấy chỉ thấy thiệt cho đất nước”, TS Phong nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, ông Trần Thanh Hải, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần đầu tư và kinh doanh vàng, nói thẳng: “Lỗ hay lãi chỉ có doanh nghiệp biết”. Đặc biệt, giá thành sản xuất vàng từ trước đến nay trên thế giới đều là một ẩn số.
Ông Hải ví dụ, các tập đoàn sản xuất vàng lớn tại Nam Phi, Nga hay Úc đều nhiều lần tuyên bố giá thành sản xuất kim loại quý này sát với giá bán ra. Chẳng hạn khi giá vàng ở mức trên 1.200 USD/ounce thì các công ty này cũng báo giá vàng ở mức đó. Tuy nhiên có thời gian giá vàng về dưới mức 300 USD/ounce thì chính các công ty này vẫn khai thác.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.