Đòi nợ kiểu giang hồ, công ty đòi nợ phải chịu trách nhiệm

Thanh Xuân
Thanh Xuân
17/09/2018 07:00 GMT+7

Đó là một trong những nội dung mà Bộ Tài chính đưa vào dự thảo sửa đổi, bổ sung Nghị định 104/2007 của Chính phủ về việc kinh doanh dịch vụ đòi nợ .

Hăm dọa, sử dụng “hàng nóng” để đòi nợ
[VIDEO] Trả nợ hơn 30 tỉ cho con, cụ ông 95 tuổi vẫn bị khủng bố
Quy định chủ nợ chịu trách nhiệm đối với hành vi của DN đòi nợ là điều vô lý vì chủ nợ không thể kiểm soát được hành vi của DN đòi nợ
Luật sư Nguyễn Duy Hùng, Giám đốc Công ty luật IPIC
Nghị định 104/2007 quy định trách nhiệm quyền hạn của chủ nợ và khách nợ như sau: “Không chịu trách nhiệm liên đới đối với những hành vi mà doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ vi phạm pháp luật”. Tuy nhiên, tại dự thảo sửa đổi, bổ sung Nghị định 104, Bộ Tài chính đề nghị bỏ quy định này. Lý do là trên thực tế, một số chủ nợ có yêu cầu các doanh nghiệp (DN) kinh doanh dịch vụ đòi nợ thực hiện đòi nợ bằng các hành vi bị pháp luật cấm như đe dọa, sử dụng vũ lực... gây mất an ninh, trật tự xã hội. Vì thế, trong một số trường hợp, chủ nợ phải chịu trách nhiệm liên đới đối với những hành vi mà DN kinh doanh dịch vụ đòi nợ vi phạm pháp luật.
Thực tế, do không muốn kiện và muốn nhanh chóng đòi được nợ nên chủ nợ thường chấp nhận chi mạnh cho công ty đòi nợ thuê. Do đó, nhiều DN đòi nợ không chừa một thủ đoạn nào để thu nợ. Đơn cử cuối năm 2017, 2 người của Công ty cổ phần đòi nợ A.K (trụ sở TP.HCM) xuống Cần Thơ thực hiện đòi nợ một DN hơn 5,5 tỉ đồng theo hợp đồng ủy quyền của chủ nợ. Nếu đòi thành công, đơn vị này nhận được khoản phí 1 tỉ đồng. Hai người này trước khi đòi nợ có ra trình báo công an và ăn mặc lịch sự. Nhưng khi đến nơi thì bỏ mũ, cởi trần khoe xăm trổ đầy mình để dọa con nợ. Cơ quan công an sau đó đã ra quyết định xử phạt hành chính 1,5 triệu đồng.
Tham khảo bảng phí đòi nợ của Công ty H.T (TP.HCM) nhận thực hiện đòi nợ ở 63 tỉnh thành, mức phí từ 15 - 46% tùy theo số tiền từ 30 triệu đồng đến trên 5 tỉ đồng, chưa tính phí công tác từ 1 - 80 triệu đồng tùy theo từng tỉnh thành khác nhau. Với khoản phí hậu hĩnh, nhân viên đòi nợ thực hiện các biện pháp như gửi thông báo đến khách hàng với những lời hăm dọa, điện thoại, nhắn tin liên tục “khủng bố” con nợ... Nhiều trường hợp đòi nợ thuê còn sử dụng cả “hàng nóng” như dao, súng...
Doanh nghiệp đòi nợ phải chịu trách nhiệm
Luật sư Nguyễn Duy Hùng, Giám đốc Công ty luật IPIC, cho rằng: Quy định chủ nợ chịu trách nhiệm đối với hành vi của DN đòi nợ là điều vô lý vì chủ nợ không thể kiểm soát được hành vi của DN đòi nợ có mang tính chất hăm dọa, xã hội đen hay không. Chủ nợ và DN đòi nợ là mối quan hệ hợp đồng cung cấp dịch vụ đơn thuần nên chủ nợ không thể chịu trách nhiệm về hành vi của DN đòi nợ. Khách nợ thường là những trường hợp khó, chây ì và đôi khi không chấp nhận lý lẽ... để trả nợ. Trong khi thủ tục kiện con nợ ra tòa sẽ mất thời gian nhiều nên chủ nợ thường tìm đến DN đòi nợ để họ sử dụng những biện pháp đòi nợ nhằm thu hồi nợ nhanh. Quy định chủ nợ chịu trách nhiệm liên đới thì chẳng ai đi thuê DN đòi nợ.
[VIDEO] Giữ người, đánh đập, cắt tóc... để đòi nợ - Video thực hiện tháng 6.2018
“Ban soạn thảo nghị định muốn không xảy ra các trường hợp đòi nợ kiểu xã hội đen nên quy định như vậy. Nhưng đây là điều không hợp lý. Cần đưa ra những quy định điều kiện thành lập, hoạt động và kiểm soát hoạt động kinh doanh đòi nợ như thế nào để không xảy ra sự mất an ninh trật tự, đòi nợ theo kiểu xã hội đen. Những hành vi nào cấm trong hoạt động kinh doanh đòi nợ, trường hợp vi phạm sẽ xử phạt nặng, ngoài phạt hành chính còn có thể truy cứu trách nhiệm hình sự, rút giấy phép kinh doanh...”, luật sư Nguyễn Duy Hùng đề xuất.
Góp ý với dự thảo sửa đổi, bổ sung Nghị định 104, Phòng Thương mại - Công nghiệp VN (VCCI) cho rằng lý do mà Bộ Tài chính đưa ra chưa hợp lý. DN đòi nợ bằng nghiệp vụ của mình để đòi các khoản nợ và phía chủ nợ sẽ trả phí cho họ. Đây được xem là hoạt động cung cấp dịch vụ và DN đòi nợ sẽ phải chịu hoàn toàn trách nhiệm trước pháp luật đối với hoạt động cung cấp dịch vụ của mình. Chủ nợ có quyền nhận về khoản nợ của mình và thực hiện trả phí cho DN đòi nợ. Do đó trong quan hệ này, chủ nợ không phải chịu trách nhiệm gì đối với cách thức thực hiện dịch vụ mà DN đòi nợ thực hiện. Dù có xảy ra tình huống chủ nợ yêu cầu, hướng dẫn, khuyến khích DN đòi nợ thực hiện các hành vi đe dọa, sử dụng vũ lực để đòi nợ, VCCI cho rằng DN đòi nợ không được và cũng không thể chấp nhận các yêu cầu này, họ có nghĩa vụ thực hiện việc đòi nợ theo quy định pháp luật.
[VIDEO] Băng nhóm tín dụng đen đòi nợ bằng tuýp sắt - Video tư liệu
Trường hợp DN đòi nợ thực hiện theo những hình thức đòi nợ mà pháp luật cấm thì họ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. VCCI cho rằng nếu gắn trách nhiệm của khách hàng với bên cung cấp dịch vụ, thì sẽ không có khách hàng nào muốn sử dụng dịch vụ đòi nợ, vì nhiều trường hợp sẽ phải chịu thiệt hại đối với những hoạt động của bên đòi nợ. Do đó, VCCI kiến nghị Bộ Tài chính cần giữ nguyên quy định khách nợ và chủ nợ không chịu trách nhiệm liên đới đối với những hành vi mà DN kinh doanh dịch vụ đòi nợ vi phạm pháp luật.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.