Du lịch khốn khổ vì khách hủy tour

11/08/2020 06:28 GMT+7

Hàng chục nghìn khách du lịch hoãn, hủy tour gây thiệt hại hàng trăm tỉ đối với các đơn vị cung ứng và sử dụng dịch vụ du lịch.

Quay cuồng giải quyết khách dời, hủy tour

Dịch Covid-19 quay trở lại đúng vào mùa cao điểm khiến ngành du lịch Việt Nam chưa kịp hồi phục lại hứng thêm “cú đánh bồi” nặng nề.
Quan trọng nhất, cần hành động giúp ngành du lịch tiếp cận dễ dàng hơn với các gói tài trợ. Đơn cử, gói bảo hiểm xã hội cho người lao động có thể đưa ngay về đầu mối các DN chủ động, tránh việc đưa về các địa phương khó quản lý do có sự chuyển dịch lao động trên toàn quốc.
Bà Nguyễn Nguyệt Vân Khanh
Báo cáo của Vụ Lữ hành (Tổng cục Du lịch) cho thấy đến nay, đã có hàng chục nghìn khách du lịch hoãn, hủy tour. Không chỉ Đà Nẵng hay các tỉnh, thành lân cận chịu tác động, hầu hết điểm du lịch trên cả nước đều rơi vào tình trạng hủy tour đồng loạt. Đơn cử, tại Hà Nội từ ngày 28.7 - 2.8, đã có 31.891 khách hủy tour nội địa. Một số công ty lữ hành lớn như Vietrantour có khoảng 3.500 khách hủy tour, nên thiệt hại cho doanh nghiệp (DN) khoảng 21 tỉ đồng; Công ty Flamingo Redtours có 9.000 khách hủy tour, thiệt hại khoảng 40 tỉ đồng. Với khoảng 5.000 khách hủy tour, Hanoitourist phải gánh chịu mức tổn thất khoảng 30 tỉ đồng.
Sở Du lịch TP.HCM thống kê có trên 35.000 chương trình du lịch bao gồm tour trọn gói, tour tự chọn, dịch vụ (khách sạn, vé máy bay, điểm tham quan…) của các DN du lịch lớn tại TP đã bị hủy. Riêng Công ty Vietravel đã nhận yêu cầu hủy của hơn 20.000 lượt khách, thiệt hại ước tính lên tới 90 tỉ đồng. Dự kiến trong tháng 8, tỷ lệ hủy phòng ở các địa phương sẽ lên hơn 90%. Đối với các trung tâm du lịch nghỉ dưỡng có công suất cao như: Đà Lạt (Lâm Đồng), Sầm Sơn (Thanh Hóa), Sa Pa (Lào Cai), Hạ Long (Quảng Ninh), Phú Quốc (Kiên Giang), Ninh Bình... tỷ lệ hủy phòng của khách du lịch đã đặt là hơn 80% và dự kiến sẽ tiếp tục tăng trước diễn biến khó lường của dịch bệnh.
Đại diện nhiều DN du lịch tại TP.HCM cho biết bên cạnh một số khách đồng ý hoãn, điều chỉnh thời gian du lịch, nhiều khách hàng khi hủy tour yêu cầu hoàn lại tiền 100% khiến họ rơi vào thế khó. Vì khoản kinh phí này cũng đã được đặt vé máy bay, khách sạn, dịch vụ tại điểm đến...
“Nhiều điểm đến chưa có thông báo tạm dừng các hoạt động du lịch nên các dịch vụ như hàng không, khách sạn không có chính sách hủy hoặc dời tour. Do đó, trong giai đoạn này, khối lượng công việc tại hầu hết DN rất nhiều, các bộ phận đều tập trung đưa ra hướng xử lý phù hợp với từng nhóm đối tượng khách hàng để có thể giữ chân khách”, giám đốc truyền thông của một DN du lịch tại TP.HCM cho hay.

Lo “sập nguồn” toàn hệ thống

Khách đòi hoàn tiền trong khi tiền đã đặt cọc hàng không, lưu trú, dịch vụ, điểm đến khiến các DN lữ hành rơi vào thế kẹt vì muốn đối tác hoàn tiền không đơn giản.
Ông Nguyễn Minh Mẫn, Trưởng phòng Truyền thông - Marketing Công ty TST Tourist, thừa nhận hàng không cũng như các DN dịch vụ du lịch cũng là ngành hứng chịu thiệt hại nặng nề khi dịch Covid-19 tái bùng phát. Các hãng hàng không hiện nay cũng lỗ nặng nên nếu yêu cầu hoàn, trả lại tiền vé thì rất khó cho họ. Do đó, để cùng chung tay hỗ trợ nhau vượt qua giai đoạn khó khăn nhưng vẫn đảm bảo tối đa quyền lợi của các bên, TST Tourist đề xuất các hãng hàng không mở rộng thời gian để các DN lữ hành được sử dụng dịch vụ hàng không đến 30.6.2021. Đồng thời, hỗ trợ và không áp dụng các chính sách phạt khi DN điều chỉnh kế hoạch đặt và xuất vé do tình hình dịch bệnh. Tương tự, hiệp hội du lịch các tỉnh thành hỗ trợ kêu gọi các DN kinh doanh dịch vụ nhà hàng, khách sạn tại địa phương đã nhận phí cọc từ công ty lữ hành, thì không áp dụng chính sách phạt và hoàn lại số chi phí trên để công ty lữ hành hoàn lại du khách.
“Quan trọng nhất là sự thông cảm của khách hàng. Khách dời tour, các DN cùng hỗ trợ nhau thì khi hết dịch, khách lại đi, lại bay và sử dụng dịch vụ nhà hàng, khách sạn. Nhưng nếu khách hàng từ lẻ đến đoàn ai cũng đòi rút tiền thì ngành lữ hành sập nguồn là chắc chắn, không còn là nguy cơ nữa”, ông Mẫn lo ngại.
Bà Nguyễn Nguyệt Vân Khanh, Phó giám đốc Ban Tiếp thị Công ty Vietravel, kiến nghị Chính phủ hỗ trợ về chính sách tiếp cận vốn vay cho các DN hàng đầu về vận chuyển, lưu trú, lữ hành, khu vui chơi giải trí để tạo đầu kéo ngành du lịch hồi phục. Trong đó, nới lỏng các điều kiện, quy định về tài sản thế chấp, cơ cấu vay vốn, tái cấp vốn... Về công nợ giữa các DN dịch vụ với nhau, đặc biệt là giữa hàng không với các hãng du lịch, đề nghị Ngân hàng Nhà nước và hệ thống ngân hàng địa phương đứng ra làm trung gian, kết chuyển những khoản nợ này, giúp công ty lữ hành được nhận lại nguồn tiền đã chuyển trước cho hãng hàng không, thu lại về phục vụ các hoạt động phục hồi kinh doanh sau dịch.

Giải tỏa hơn 700 du khách kẹt tại Đà Nẵng

Vietnam Airlines dự kiến sẽ thực hiện 3 chuyến bay trong hai ngày 12 - 13.8, chở hơn 700 du khách bị mắc kẹt tại Đà Nẵng trở về Hà Nội và TP.HCM. Trong đó, 2 chuyến bay sẽ thực hiện trong ngày 12.8, chở hơn
400 người về Hà Nội, 1 chuyến bay ngày 13.8 chở hơn 300 người trở về TP.HCM. Hành khách chủ yếu là người đi du lịch bị kẹt tại Đà Nẵng do TP này hiện giãn cách xã hội, trong đó có nhiều trẻ em. Phi hành đoàn, hành khách đều được trang bị bảo hộ y tế toàn thân và đo thân nhiệt trước khi lên máy bay, sau khi hạ cánh phải thực hiện các biện pháp giám sát, cách ly y tế tại địa phương theo quy định, máy bay cũng sẽ được khử trùng. Hành khách có vé của VNA, có chỗ được xác nhận trên các chuyến bay đi từ Đà Nẵng từ ngày 26.7 - 31.8, được VNA hỗ trợ đổi vé miễn phí để đi trên các chuyến bay này.
Mai Hà
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.