Hỗ trợ DN nhỏ và vừa cần chính sách cụ thể

Ngày 5.4, các đại biểu Quốc hội chuyên trách đã có các phiên thảo luận về dự án luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, cùng dự án luật Quy hoạch.

Báo cáo một số vấn đề lớn của dự án luật này, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho hay tiếp thu ý kiến các đại biểu Quốc hội (ĐBQH), dự thảo luật đã hạn chế sử dụng ngân sách nhà nước và quy định thu hẹp các đối tượng được hỗ trợ.
Dự luật tập trung hỗ trợ cụ thể cho doanh nghiệp (DN) khởi nghiệp sáng tạo, DN tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị, DN chuyển đổi từ hộ kinh doanh. Trên cơ sở đó, cơ quan soạn thảo đã điều chỉnh lại nội dung hỗ trợ có liên quan đến sử dụng ngân sách nhà nước như nguồn tín dụng hỗ trợ từ nhà nước và nguồn vốn của Quỹ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), Quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo.

Các DNNVV chờ đợi luật này khi ban hành sẽ tạo động lực cho cộng đồng DNNVV phát triển. Do vậy cần những chính sách cụ thể để doanh nghiệp nhìn vào đó biết họ được hỗ trợ những gì

Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu

Nhà nước chỉ là “bà đỡ”
Cho ý kiến về dự luật, đại biểu Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ), Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách cho rằng các nội dung hỗ trợ DNNVV trong dự luật nhiều điều khoản chưa thể thực hiện được. Đơn cử về quy định nhà nước khuyến khích các tổ chức tín dụng cho vay, nhưng cụ thể như thế nào thì chưa rõ.
Theo đại biểu Bùi Sỹ Lợi (Thanh Hóa), Phó chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội, dự luật đưa ra quá nhiều chính sách ưu tiên, hỗ trợ thúc đẩy DNNVV nên không đảm bảo khả thi. Nên xem xét tập trung vào các chính sách có tính chất tác động, thúc đẩy các DNNVV để hiệu quả hơn như hỗ trợ tín dụng, thuế, mặt bằng sản xuất.
Phó chủ tịch QH Uông Chu Lưu lưu ý : “Các DNNVV chờ đợi luật này khi ban hành sẽ tạo động lực cho cộng đồng DNNVV phát triển. Do vậy cần những chính sách cụ thể để DN nhìn vào đó biết họ được hỗ trợ những gì”.
Chốt lại phiên thảo luận, Phó chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển cho biết điều nhiều ĐBQH lo lắng là tính khả thi, tác động của luật này do vậy cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra phải cung cấp thêm thông tin về những vấn đề trên để các ĐBQH có cơ sở quyết định. Cũng theo ông Phùng Quốc Hiển, các quy định về hỗ trợ tiếp cận tín dụng phải trên nguyên tắc thị trường, có cơ chế bão lãnh, bù lãi suất... song phải phù hợp khả năng ngân sách. Dẫn ra bài học nhiều chính sách thời gian qua do không tính toán, cân đối nguồn lực dẫn đến không đi vào cuộc sống, ông Hiển nhấn mạnh: “Nhà nước chỉ là bà đỡ, là người tạo điều kiện”. “Nếu xây dựng luật theo tư duy bao cấp thì không có nguồn lực nào đảm bảo được”, ông Hiển nói.
Vẫn băn khoăn tích hợp các “quy hoạch con”
Cùng ngày, trình bày báo cáo tiếp thu chỉnh sửa dự thảo luật Quy hoạch, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết dự thảo mới nhất đã tiếp thu, rà soát, chỉnh lý danh mục quy hoạch ngành quốc gia để đảm bảo tính liên kết, đồng bộ và khả thi trong việc lập, thực hiện quy hoạch và phát triển của các ngành; đồng thời đã chỉnh lý dự thảo luật theo hướng tích hợp những nội dung quy hoạch ngành vào quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch không gian biển quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh và các bộ quản lý chuyên ngành có trách nhiệm triển khai thực hiện.
Theo đại biểu Nguyễn Trường Giang (Ủy ban Pháp luật), việc tích hợp các quy hoạch ngành cho thấy sự phức tạp của dự thảo luật Quy hoạch, nhưng cơ quan soạn thảo chưa báo cáo rõ việc thực hiện thế nào mà chỉ nói chung chung là giao Chính phủ. “Tôi đồng ý tích hợp để đảm bảo tính liên kết, đồng bộ với các quy hoạch khác, nhưng có một số quy hoạch quan trọng, có tính đặc thù cao cần đánh giá kỹ như quy hoạch vùng, quy hoạch nông thôn... theo quy định của luật Xây dựng. Đây là những quy hoạch không gian vật thể, có tính đặc thù cao và là công cụ rất quan trọng để kiểm soát xây dựng đô thị nên cần thận trọng”, ông Giang nói.
Vấn đề mà đại biểu Hoàng Thanh Tùng (TP.Hải Phòng) lo ngại là tính khả thi trong triển khai thực hiện. Ông dẫn chứng 15 quy hoạch vùng kinh tế xã hội, vùng kinh tế trọng điểm, vùng đô thị lớn và vùng đặc thù đã được Thủ tướng phê duyệt, 100% các tỉnh, thành đã hoàn thành quy hoạch xây dựng vùng tỉnh; 19/19 khu kinh tế ven biển cũng đã xong quy hoạch... “Số lượng các quy hoạch đã hoàn thành để triển khai quy hoạch tích hợp sẽ là một khối lượng công việc khổng lồ khó có thể hoàn thành”, đại biểu Tùng cảnh báo.
Đại biểu Bùi Huyền Mai (Hà Nội) nhìn nhận chưa dự án luật nào có nhiều quy định chuyển tiếp với các khoảng thời gian khác nhau như dự thảo luật Quy hoạch. "Hầu hết các quy hoạch vùng, tỉnh nếu thực hiện hết thời kỳ quy hoạch thì phải tới năm 2030, tầm nhìn tới 2050. Như vậy, liệu việc triển khai thực hiện luật mới có khả thi hay không?”, bà Mai nêu ý kiến.
Giải trình thêm với tư cách cơ quan chủ trì soạn thảo, Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Đặng Huy Đông cho rằng điểm nổi bật nhất của dự thảo luật là chi phối các hoạt động quy hoạch về một thể thống nhất theo hướng tích hợp để tránh chồng chéo, mâu thuẫn, gây cản trở phát triển giữa các quy hoạch ngành. "Cách làm lần này là không có cơ quan nào độc lập để có quyền lực tuyệt đối. Trong phát triển thì có xung đột lợi ích, nên cần phải ngồi cùng nhau để phân tích, từ đó thấy cái lợi nhất mà chọn ra", ông Đông nói.
Gần 15.000 hộ kinh doanh ở TP.HCM sẽ lên DN
25 điểm hỗ trợ miễn phí thủ tục thuế cho DN khởi nghiệp
Ngày 5.4, UBND TP.HCM đã tổ chức hội nghị triển khai kế hoạch phát triển 60.000 DN trong năm 2017 và kế hoạch phát triển 500.000 DN đến năm 2020. Đại diện Cục Thuế TP cho biết sẽ vận động để chuyển đổi các hộ kinh doanh cá thể lên DN.
Có 3 tiêu chí để cơ quan thuế lập thống kê và tổ chức vận động, đó là những hộ sản xuất kinh doanh có sử dụng thường xuyên từ 10 lao động trở lên, có nhu cầu sử dụng hóa đơn lớn và các hộ có doanh thu lớn (trên 1,2 tỉ đồng/năm đối với các hộ tại các Q.1, Q.3, Q.5, Q.7, Bình Thạnh và Tân Bình; trên 600 triệu đồng/năm ở các quận, huyện còn lại).
Theo thống kê của Cục Thuế TP.HCM, có 14.821 hộ (trong tổng số 36.462 hộ kinh doanh cá thể của toàn TP) đáp ứng các tiêu chí trên sẽ được vận động lên DN. Để chuẩn bị cho việc hàng chục ngàn hộ kinh doanh lên DN, ngoài việc hỗ trợ ưu đãi vốn vay, thủ tục thuế, đăng ký nhãn hiệu, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm... UBND TP.HCM cần kết nối các Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên - Môi trường cùng đồng hành để các thủ tục mở rộng nhà xưởng, chuyển đổi mục đích sử dụng đất... của DN được thuận tiện.
* Cùng ngày, Cục Thuế TP.HCM tổ chức lễ ra mắt chương trình hỗ trợ DN khởi nghiệp cho DN mới thành lập và DN được thành lập từ hộ kinh doanh. Cục Thuế TP sẽ cung cấp, hỗ trợ kịp thời các thông tin pháp lý, giải đáp các vướng mắc liên quan chính sách, thủ tục về thuế ban đầu, các dịch vụ hỗ trợ liên quan cho các DN khởi nghiệp, giúp DN tiết kiệm thời gian, công sức, chi phí. TP sẽ có 25 điểm hỗ trợ DN khởi nghiệp đặt tại các cơ quan thuế trên địa bàn. Trước mắt là tại văn phòng Cục Thuế và 5 chi cục thuế quận, huyện gồm Q.1, Q.3. Q.Tân Bình, Q.Tân Phú, H.Bình Chánh; các chi cục còn lại sẽ triển khai đồng loạt trong tháng 4 này.
H.Nga - Hồng Sương
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.