Mỏi mòn đợi hoàn thuế, doanh nghiệp thiệt đơn thiệt kép

Anh Vũ
Anh Vũ
26/11/2020 06:13 GMT+7

Gần 5.000 tỉ đồng là tiền thuế lẽ ra doanh nghiệp được hoàn lại để phục vụ sản xuất kinh doanh trong giai đoạn khó khăn do dịch bệnh Covid-19.

Tuy nhiên thủ tục phức tạp, chậm trễ; không hoàn tiền trực tiếp mà lại để khấu trừ dần vào các năm sau khiến họ thiệt đủ bề.

Không có tiền tươi, cho khấu trừ dần

Năm 2017, Chính phủ ban hành Nghị định 20/2017, trong đó có quy định về quản lý thuế đối với các doanh nghiệp (DN) có giao dịch liên kết. Theo đó, các DN được xác định có giao dịch liên kết sẽ phải chịu sự áp đặt về mức trần chi phí lãi vay trong tổng chi phí kinh doanh. Cụ thể, mức trần chi phí lãi vay sẽ được tính trên cơ sở là 20% của tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh cộng với chi phí lãi vay, chi phí khấu hao trong kỳ.
Nên tính toán sao cho có lợi nhất đối với doanh nghiệp, chứ không thể nhà nước lúc nào cũng muốn cầm đằng chuôi có lợi cho mình, có lợi cho ngân sách, đẩy phần khó, thiệt thòi cho doanh nghiệp, thì không thể gọi là nuôi dưỡng nguồn thu được
Chuyên gia tài chính - TS Nguyễn Trí Hiếu
Giả sử công ty B vay công ty A 500 tỉ đồng với lãi suất 10%/năm. Hết thời hạn 1 năm, B phải trả chi phí lãi vay cho A 50 tỉ đồng. Đối với trường hợp thông thường, 50 tỉ đồng này sẽ được hạch toán vào chi phí của B. Thế nhưng, nếu giao dịch giữa A và B được xác định là giao dịch liên kết thì chi phí của công ty B chỉ được tính dựa trên công thức là 20% của tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh của B cùng với chi phí lãi vay (50 tỉ đồng) và chi phí khấu hao.
Đây chính là nguyên nhân khiến cộng đồng DN phản đối dữ dội, bởi áp trần khiến chi phí lãi vay DN phải gánh quá lớn, lại không được trừ vào chi phí chung để tính thuế... làm tăng giá thành, giảm sút năng lực cạnh tranh.
Chính phủ sau đó đã tiếp thu, ban hành Nghị định 68 vào ngày 20.6.2020 để sửa đổi tạm thời. Tiếp đó, ngày 5.11 Chính phủ ban hành Nghị định 132 (quản lý thuế đối với các DN có giao dịch liên kết) để sửa đổi toàn diện.
Tựu trung, theo Nghị định 132 thì kể từ ngày 20.12, mức trần chi phí lãi vay này được nâng lên 30%. Bên cạnh đó, các khoản thuế mà DN đã nộp vào các năm 2017 - 2018 sẽ được “hồi tố” lại.
Ông Đặng Ngọc Minh, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, cho biết quy định hồi tố năm 2017 -2018 đối với nội dung nâng ngưỡng khống chế chi phí lãi vay từ 20% lên 30%, đồng thời cho bù trừ với lãi tiền gửi, tiền cho vay dự kiến, số thuế phải hoàn hoặc khấu trừ khoảng 4.785 tỉ đồng. Tuy nhiên, thực tế khoản 4.785 tỉ đồng này các DN không được hoàn lại bằng tiền mặt, bởi theo quy định tại Nghị định 132, trường hợp người nộp thuế có số tiền thuế thu nhập DN (TNDN), tiền chậm nộp đã nộp ngân sách nhà nước của năm 2017 - 2018 lớn hơn số tiền thuế TNDN, tiền chậm nộp đã xác định lại thì phần chênh lệch chỉ được bù trừ vào số thuế TNDN từ năm 2020 đến hết năm 2024. Kết thúc thời hạn trên, không xử lý số thuế còn lại chưa bù trừ hết.

Lỗ không nộp thuế, lại ngồi chờ

Tổng giám đốc một DN bất động sản lớn tại Hà Nội cho biết, Nghị định 132 đã “dễ thở” hơn với các DN khi nâng mức trần từ 20% lên 30%, đồng nghĩa với việc tổng chi phí lãi vay được tính khi khấu trừ thuế tăng lên, DN giảm áp lực chi phí vốn vay. Song, điều mà các DN mong muốn là khoản tiền hoàn thuế trên được hoàn trực tiếp, vì năm 2020, công ty ông cũng không có lãi, thậm chí thua lỗ. Vị này dẫn chứng, DN kinh doanh không có lợi nhuận, chi phí khấu hao giả sử cũng bằng 0. Điều này có nghĩa, tổng chi phí lãi vay của DN được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN chỉ được tính bằng 30% số tiền lãi thực trả. Chưa kể, nếu đến năm 2024 vẫn tiếp tục không có lãi, không nộp thuế thì số tiền thuế được hoàn cũng coi như mất.
“Covid-19 khiến nhiều DN khó khăn, làm ăn không có lãi thì khấu trừ thuế cũng không có tác dụng gì. Nếu có thêm được khoản tiền hoàn thuế bằng tiền mặt để trả lương cho công nhân, bổ sung vốn cho sản xuất kinh doanh thì sẽ bớt khó khăn hơn rất nhiều”, vị này nói.
Theo thống kê trên sàn chứng khoán, lũy kế 9 tháng 2020, có hàng trăm DN thua lỗ. Đáng chú ý là DN du lịch, hàng không và 20 DN bất động sản có kết quả kinh doanh lỗ với tổng giá trị 2.871 tỉ đồng. Mức lỗ này cao hơn 31,5% so với giá trị lỗ trong 3 tháng đầu năm. Đặc biệt, mức lỗ 9 tháng đang cao gấp 7 lần mức thua lỗ của các DN bất động sản cùng kỳ năm ngoái. Không có lãi để nộp thuế, tiền hồi tố từ trần chi phí lãi vay không được khấu trừ, các DN sẽ tiếp tục chờ đợi năm sau, khiến việc sản xuất, kinh doanh càng thêm khó.
Chuyên gia tài chính - TS Nguyễn Trí Hiếu đánh giá, Nghị định 132 đã cởi mở, tháo gỡ khó khăn nhưng chưa triệt để, nhiều nội dung còn làm khó DN, trong đó có khoản “hồi tố” hoàn thuế.
“Tiền thuế mà DN đã nộp vào lên tới gần 5.000 tỉ đồng. Đã cho hoàn thì nên hoàn lại trực tiếp tiền cho họ, việc khấu trừ vào các năm tiếp theo thì chỉ DN nào có lãi thì còn được, nếu lỗ thì coi như không được lợi gì. Nên tính toán sao cho có lợi nhất đối với DN, chứ không thể nhà nước lúc nào cũng muốn cầm đằng chuôi có lợi cho mình, có lợi cho ngân sách, đẩy phần khó, thiệt thòi cho DN, thì không thể gọi là nuôi dưỡng nguồn thu được”, TS Hiếu đề nghị.

Tiếp tục được kê khai khoản “hồi tố” đến 1.1.2021

Theo quy định chuyển tiếp tại Nghị định 132, người nộp thuế thuộc trường hợp khai bổ sung hồ sơ khai quyết toán thuế TNDN năm 2017 - 2018 (quy định tại khoản 2 điều 2 Nghị định số 68/2020 của Chính phủ), nhưng chưa thực hiện kê khai bổ sung hồ sơ quyết toán thuế thu nhập DN được tiếp tục thực hiện đến trước ngày 1.1.2021.
Người nộp thuế đã được cơ quan thuế hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện thanh tra, kiểm tra và đã có kết luận xử lý đối với kỳ tính thuế năm 2017 - 2018 nhưng thuộc trường hợp được xác định lại số thuế phải nộp theo Nghị định số 68/2020, tuy nhiên đến thời điểm Nghị định 132 có hiệu lực thi hành (22.12.2020) vẫn chưa gửi đề nghị cho cơ quan thuế, thì người nộp thuế có quyền đề nghị cơ quan thuế quản lý trực tiếp xác định lại số thuế phải nộp. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.