Trắng đêm canh dây tiêu

30/07/2015 08:00 GMT+7

Ở các vùng có diện tích hồ tiêu lớn như các huyện: Chư Sê, Chư Pưh, Chư Prông, Đắk Đoa (tỉnh Gia Lai), người dân đang nơm nớp với nạn trộm tiêu giống, nhất là lúc nhu cầu cây giống tăng cao.

Ở các vùng có diện tích hồ tiêu lớn như các huyện: Chư Sê, Chư Pưh, Chư Prông, Đắk Đoa (tỉnh Gia Lai), người dân đang nơm nớp với nạn trộm tiêu giống, nhất là lúc nhu cầu cây giống tăng cao.

Những vườn tiêu luôn là 'miếng mồi ngon' của bọn trộm
Những vườn tiêu luôn là "miếng mồi ngon" của bọn trộm - Ảnh: Trần Hiếu
Giá tiêu tăng cao chóng mặt, lúc cao điểm lên đến 220.000 đồng/kg khiến nhiều người dân Tây nguyên đổ xô trồng tiêu, bất chấp khuyến cáo của cơ quan chức năng. Tại Gia Lai, hiện đã có trên 12.000 ha hồ tiêu. Với mức đầu tư khoảng 500 - 700 triệu đồng/ha đối với trụ bê tông, trụ gỗ và 200 triệu đồng/ha đối với cây sống thì đây là mức đầu tư rất lớn.
Chính quyền, cơ quan chức năng phải khẩn trương có biện pháp
Trao đổi với PV Thanh Niên ngày 29.7, ông Hoàng Phước Bính - Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê, cho biết: “Việc khát giống tiêu, đặc biệt là giống tốt tại Gia Lai cũng như các tỉnh lân cận là thực tế đang diễn ra. Do vậy, các vườn tiêu đều phải có người trông coi đề phòng trộm cắp. Kẻ trộm vừa phá hoại vườn tiêu vừa khiến người trồng tiêu mất tiền bán giống. Theo tôi, để bảo vệ người trồng tiêu, chính quyền, cơ quan chức năng phải khẩn trương có các biện pháp ngăn chặn tình trạng trộm cắp”.
Ngoài vùng chuyên canh hồ tiêu lớn mang thương hiệu Hồ tiêu Chư Sê với hai huyện trọng điểm là Chư Sê, Chư Pưh, hai huyện còn lại Đắk Đoa, Chư Prông cũng có diện tích hồ tiêu phát triển chóng mặt. Diện tích mở rộng cùng với nhu cầu về giống tiêu tăng cao. Với dây tiêu lươn loại tốt (tiêu ươm trong bầu vài tháng rồi mới trồng - NV), hiện có giá xấp xỉ 10.000 đồng/bầu hai dây. Còn dây ác (loại cắt từ dây tiêu đã trồng một năm rồi đem trồng trực tiếp - NV) giá từ 25.000 đồng năm 2014 tăng lên 40.000 đồng/dây hiện nay.
Mất ăn mất ngủ
Lợi thế khi trồng tiêu ác sẽ cho quả sớm hơn một năm so với tiêu lươn nên tình trạng khát giống tiêu ác là thực tế. Hơn thế nữa, tình trạng trộm tiêu vốn khiến người dân ở nhiều nơi tại Tây nguyên luôn “mất ăn mất ngủ” trong những năm gần đây. Vì vậy, các chủ vườn tiêu nơm nớp lo sợ kẻ trộm "ra tay" với vườn tiêu nhà mình.
Chỉ mới đầu tuần này, vườn tiêu mới trồng một năm của chị Hòa đã bị cắt trộm 40 trụ, tương đương khoảng 400 dây giống, trị giá 16 triệu đồng. “Vườn tiêu nhà tôi ở xã Đắk Roong, H.Đắk Đoa xa trung tâm nên bọn trộm chú ý. Dù cắt cử người canh nhưng chỉ buổi tối lơ đễnh chút là kẻ trộm đã ra tay. 40 trụ tiêu đã bị chúng cắt sát tận gốc thay vì chừa lên 30 - 40 cm để tiêu phát triển. Vừa mất của vừa hại cho những trụ tiêu bị trộm”, chị Hòa than thở. Hay gia đình anh Hoàng ở xã Nam Yang thuộc huyện này cũng vừa bị mất hơn 200 dây tiêu ác vừa trồng.
Thực trạng ăn trộm dây tiêu khiến nhiều nông dân khốn khổ, phải cắt cử người canh vườn 24/24. Anh Trần Duy Thanh, một nông dân ở H.Chư Prông, cho biết: “Nhà tôi trồng gần 1 ha tiêu được một năm, có nhiều người hỏi mua giống và tôi đã nhận đặt cọc của hai người. Suốt cả tháng nay tôi phải cắt cử người canh giữ vườn tiêu vì sợ trộm. Nhiều gia đình khác cũng cử người canh đề phòng trộm. Một dây tiêu bán rẻ cũng được 30.000 đồng nên bọn trộm dễ làm liều nếu mình sơ hở”.
Tại các huyện khác như Mang Yang, Chư Sê, Chư Pưh, nhiều nông dân phải tìm mọi biện pháp bảo vệ vườn tiêu của gia đình như đặt các chướng ngại vật, cử người trông...
Trộm đem về nhà trồng
Thời điểm này đang độ giữa mùa mưa cũng là thời điểm xuống giống tiêu ở Tây nguyên. Nông dân không chỉ phải bảo vệ vườn tiêu giống mà còn phải bảo vệ vườn tiêu mới trồng. Theo nhiều nông dân, vườn tiêu trồng dây ác sau khoảng 2 tháng mới thoát khỏi tay bọn trộm vì lúc đó tiêu đã bén rễ, trộm về trồng sẽ khó sống. Nông dân nếu không có điều kiện về nhân lực để coi giữ vườn tiêu phải bấm bụng thuê người canh giữ. Anh Nguyễn Thành ở TP.Pleiku nói: “Nhà tôi có 500 trụ tiêu mới trồng được một năm, dự định chừng nửa tháng nữa sẽ cắt giống bán. Gia đình tôi phải thuê người trông trộm (chỉ ban đêm) với chi phí 2 triệu đồng/tháng”.
Nghi can Nguyễn Văn Tưởng và tang vật
Nghi can Nguyễn Văn Tưởng và tang vật - Ảnh: Trần Hiếu
Ngày 22.7.2015, Công an H.Đắk Đoa đã xác minh nghi can Nguyễn Tiến Bình (24 tuổi, trú xã Kon Gang) đã cắt trộm 162 trụ tiêu giống với số lượng gần 1.300 dây tiêu trị giá khoảng 60 triệu đồng của gia đình ông Nguyễn Tấn, cùng xã. Sau khi trộm số tiêu trên, Bình đem về trồng tại rẫy tiêu của gia đình mình. Trước đó, ngày 12.7, vườn tiêu mới trồng của ông Võ Văn Hiệu trú xã Nam Yang bị trộm 108 cây tiêu giống. Qua điều tra, Công an H.Đắk Đoa xác định Hồ Sỹ Vinh (65 tuổi, người cùng xã) là thủ phạm. Vinh thừa nhận việc cắt trộm dây tiêu và đã giao nộp số tiêu đã trộm. Phó công an H.Đắk Đoa, thiếu tá Nguyễn Đức Hoàng, cho biết đang điều tra thêm 4 vụ cắt trộm tiêu giống khác tại địa bàn huyện này.
Một vụ khác là Nguyễn Văn Tưởng (36 tuổi, trú xã Đắk Djirăng, H.Mang Yang) đã trộm 290 dây tiêu giống trị giá hơn 7 triệu đồng của gia đình anh Đinh Văn Sỹ trú cùng xã. Ngoài ra, nhiều vụ cắt trộm dây tiêu khác mà người dân không báo cơ quan chức năng.
Ông Nguyễn Hồng Linh, Chủ tịch UBND H.Chư Sê, nói: "Chúng tôi đã có chỉ đạo từ huyện xuống tận thôn, làng tăng cường lực lượng để đảm bảo an ninh trật tự nông thôn, ngăn chặn nạn trộm cắp nông sản, trong đó có nạn cắt trộm dây tiêu. Về phía người dân, khi bị trộm thì báo ngay với cơ quan chức năng để có biện pháp điều tra, xử lý kịp thời".
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.