Việt Nam - 'mô hình thành công ngoại lệ' chống dịch Covid-19

15/10/2020 11:34 GMT+7

Nhanh chóng, quyết liệt, hiệu quả… mô hình chống dịch của Việt Nam đã trở thành một hình mẫu trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19, được thế giới đánh giá cao.

Quyết liệt từ lúc chưa biết tên “giặc”

Giữa tháng 12.2019, những tin tức đầu tiên về một loại bệnh viêm phổi cấp đang lây lan tại TP.Vũ Hán, Trung Quốc bắt đầu được thông tin trên các trang truyền thông. Khi đó, loại vi rút này còn chưa được “chỉ mặt, đặt tên”, chỉ được gọi chung là viêm phổi Vũ Hán, cúm Vũ Hán. Nằm ngay sát Trung Quốc với gần 1.000 km đường biên giới, lại đúng mùa cao điểm du lịch của khách Trung Quốc, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã lập tức chỉ đạo ngành y tế tham vấn các tổ chức quốc tế, lên kế hoạch chống dịch rất căn cơ; xây dựng kịch bản chi tiết theo từng cấp độ.
Đầu tháng 1.2020, khi các thông tin về dịch bệnh còn chưa được thế giới công bố đầy đủ, rõ ràng, Bộ Y tế đã liên tục ra các khuyến cáo và cập nhật thông tin về bệnh mới này, đồng thời có các kế hoạch ứng phó. Để chủ động phòng chống dịch bệnh xâm nhập vào nước ta, Bộ đã ban hành công văn chỉ đạo Sở Y tế các tỉnh, thành thiết lập hệ thống giám sát dịch bệnh tại cửa khẩu, lưu ý giám sát chặt chẽ bằng máy đo thân nhiệt từ xa và quan sát tình trạng sức khỏe tất cả các hành khách nhập cảnh có tiền sử về từ Vũ Hán. Đồng thời, Bộ yêu cầu các địa phương chủ động rà soát các trang thiết bị, vật tư, hóa chất, thuốc, bố trí nhân lực để sẵn sàng triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh mới….
Việt Nam là nước đưa ra các giải pháp sớm và cao hơn một bước so với khuyến nghị của các tổ chức quốc tế. Đơn cử, khi Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đưa ra mức độ căn bệnh này lây nhiễm hạn chế, chúng ta đã nâng lên mức lây nhiễm. Ngay sau khi ghi nhận 2 trường hợp đầu tiên dương tính với vi rút Corona (hai bệnh nhân là cha con người Trung Quốc nhập cảnh Việt Nam, được nhập viện và điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy - TP.HCM), ngày 25.1 Việt Nam là quốc gia đầu tiên trên thế giới áp dụng khai báo y tế bắt buộc với tất cả người nhập cảnh từ vùng dịch. Sau đó, số quốc gia được thêm vào danh sách yêu cầu thực hiện khai báo y tế, cách ly, xét nghiệm nhanh chóng tăng lên theo diễn biến của dịch bệnh trên thế giới.
Khi số ca nhiễm bệnh tại Trung Quốc và một số quốc gia lân cận trên đà tăng vọt lên con số hàng trăm, hàng nghìn nhưng vẫn còn loay hoay chưa có những biện pháp quyết liệt, thì tại Việt Nam, xã Sơn Lôi (H.Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc) đã được khoanh vùng, phong tỏa cách ly ngay khi ghi nhận 10 ca dương tính với Covid-19 (lúc này có 15 ca). Cũng trong thời điểm nhiều nước trên thế giới còn đang tranh cãi về tác dụng của khẩu trang trong phòng chống dịch, khẩu trang, nước sát khuẩn đã trở thành vật bất ly thân và bắt buộc đối với người dân trong nước khi tới những nơi công cộng.
Trong bài phân tích về sự thành công của nước ta trong cuộc chiến chống Covid-19 đăng tải trên tạp chí Counter Punch (Mỹ), tác giả bài viết đã khẳng định: Chính bằng các biện pháp rất kiên quyết như đóng cửa biên giới, tạm ngừng cấp thị thực cho người nước ngoài, truy vết nguồn bệnh, kiểm dịch… được triển khai rất sớm, Việt Nam đã xuất sắc vượt qua đợt dịch đầu tiên. Tính đến ngày 5.3, Việt Nam đã qua 25 ngày qua không có trường hợp mắc mới, các bệnh nhân Covid-19 đều đã được điều trị khỏi, xuất viện. Đây là điều không quốc gia nào làm được trong giai đoạn đó.

Cả nước đồng lòng “chống giặc”

Ngày 6.3, việc ghi nhận ca nhiễm SARS-CoV-2 của bệnh nhân 17 đánh dấu Việt Nam chính thức bước vào giai đoạn 2 của dịch bệnh. Vẫn tiếp tục là những chính sách nghiêm khắc, quyết liệt, đợt dịch thứ 2 còn ghi dấu ấn sâu sắc về một Việt Nam đoàn kết, chung sức, đồng lòng cùng Chính phủ nêu cao tinh thần “chống dịch như chống giặc”, “mỗi người dân là một chiến sĩ chống dịch”.
Việt Nam 'mô hình thành công ngoại lệ' chống dịch Covid-191

Một chốt cách ly tại Mê Linh (Hà Nội)

ẢNH: HÙNG PHẠM

0 giờ ngày 1.4, cả nước thực hiện cách ly toàn xã hội trong vòng 15 ngày theo Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ. Đây là biện pháp “vô tiền khoáng hậu”, chưa bao giờ được áp dụng tại Việt Nam. Bất tiện, giảm sút kinh tế, song, tất thảy từ doanh nghiệp đến các hộ kinh doanh cá thể, người dân thành thị tới nông thôn… đồng lòng tuân thủ nghiêm ngặt.
Trên báo chí, loa phát thanh… cho đến các trang mạng xã hội, mọi thông tin về dịch bệnh được cập nhật liên tục từng giây, từng phút. Những trường hợp không thực hiện cách ly nghiêm túc hoặc gây nguy cơ lây nhiễm bệnh… đều bị cả xã hội lên án. Hơn thế, rất nhiều tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân, từ những cụ già tới các em nhỏ, đã có muôn vàn hành động rất đẹp, hết sức ý nghĩa để tiếp thêm sức mạnh vật chất và tinh thần cho cuộc chiến chống dịch.
Hưởng ứng lời kêu gọi “Toàn dân ủng hộ phòng, chống dịch Covid-19” của Đoàn Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam, các cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trong và ngoài nước đã ủng hộ số tiền, hiện vật tổng cộng gần 2.000 tỉ đồng. Bên cạnh đó, rất nhiều bài thơ, bài hát thay lời cảm ơn, ca ngợi đội ngũ y bác sĩ, các chiến sĩ quân đội nơi tuyến đầu chống dịch cùng những ca khúc, điệu nhảy cổ động tinh thần toàn dân chống dịch đã ra đời, thậm chí “gây bão” giới giải trí thế giới như ca khúc Ghen Cô vy.
Kết quả, cuối tháng 4, Việt Nam trở thành quốc gia đầu tiên công bố an toàn, kiểm soát thành công dịch bệnh. Với việc chỉ ghi nhận hơn 300 ca nhiễm và không có trường hợp tử vong, Việt Nam là 1 trong những quốc gia có tỷ lệ lây nhiễm thấp nhất châu Á. Đặc biệt, câu chuyện mang hết sức mình cứu chữa thành công ca bệnh rất nặng là phi công người Anh (bệnh nhân thứ 91), Việt Nam đã thật sự ghi điểm, tiếp tục được truyền thông quốc tế ngợi ca như một “điểm sáng” của khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
So sánh với Mỹ, cường quốc hàng đầu thế giới với nguồn tài chính dồi dào và hệ thống y tế công cộng ưu việt nhưng chưa đầy 3 tháng sau khi ca nhiễm đầu tiên được xác nhận, đã có hơn 65.000 người thiệt mạng, tác giả Adam Taylor viết trên Washington Post ngày 30.4 đã gọi câu chuyện của Việt Nam là “câu chuyện thành công ngoại lệ” trong đại dịch, đồng thời khẳng định Việt Nam đã mở ra những “bài học” cho Mỹ trong việc ứng phó với đại dịch toàn cầu. Hay trang mạng Times of India (Ấn Độ) nhận định chìa khóa thành công của Việt Nam đến từ việc huy động lòng yêu nước của nhân dân để chiến đấu với dịch bệnh. “Chính phủ Việt Nam hoàn toàn có thể tin tưởng vào người dân trong cuộc chiến chống lại dịch bệnh này”, trang mạng này bình luận.
Việt Nam 'mô hình thành công ngoại lệ' chống dịch Covid-192
Chúng ta đã chỉ đạo tương đối bài bản, nhịp nhàng, chủ động, đã đẩy mạnh các biện pháp thực hiện mục tiêu kép và nhịp độ sản xuất kinh doanh hiện nay sôi động hơn; trạng thái bình thường mới được thiết lập. Trong tháng 9 mở một số đường bay thương mại, các biện pháp thường xuyên triển khai như cách ly, xét nghiệm… phải làm sao diễn ra một cách thuận lợi nhưng chắc chắn, không để tình trạng người nước ngoài vào Việt Nam gây ra ổ dịch mới. Chúng ta cần thận trọng nhưng không quá khắt khe.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc

Chủ động, linh hoạt khi dịch tái phát

Sau 99 ngày Việt Nam không xuất hiện ca lây nhiễm mới trong cộng đồng, kinh tế đang từng bước phục hồi thì bất ngờ vào ngày 25.7, bệnh nhân 416 ở Đà Nẵng chính thức được ghi nhận sau 5 lần xét nghiệm dương tính Covid-19. Dịch bệnh tái phát đúng mùa cao điểm du lịch, nguy cơ lây nhiễm cộng đồng rất lớn, khiến lập tức mọi hy vọng phục hồi kinh tế như “sụp đổ”. Chỉ trong 15 ngày, số ca nhiễm tăng vọt, hầu như hằng ngày Bộ Y tế công bố ca nhiễm đều từ hai con số. Hàng trăm ca lây nhiễm cộng đồng tại 15 tỉnh, thành phố đều có yếu tố dịch tễ liên quan tới Đà Nẵng. Đà Nẵng chính thức trở thành ổ dịch. Viễn cảnh một cuộc càn quét mới của Covid-19 kéo theo những tháng ngày dài cách ly xã hội, đóng băng kinh tế khiến toàn xã hội hoang mang.
Một lần nữa, Chính phủ chủ động đưa ngay các phương án kiểm soát dịch. Đà Nẵng bị phong tỏa, hàng loạt biện pháp như cách ly các ổ dịch, tăng cường kiểm soát, xét nghiệm cho người dân ở tâm dịch được thực hiện. Hơn 200 chuyên gia, y bác sĩ từ các bệnh viện T.Ư và một số tỉnh được chi viện hỗ trợ vùng tâm dịch. Bộ Y tế lập cơ quan chỉ huy tiền phương để chỉ đạo và điều phối các nỗ lực dập dịch. Bệnh nhân nặng được điều bớt ra Huế. Các bệnh viện siết chặt hơn quy trình kiểm soát dịch bệnh, nhất là các khoa có nhiều nguy cơ trở nặng nếu nhiễm Covid-19 như hồi sức cấp cứu, thận nhân tạo, ung bướu, lão khoa... Nhờ vậy, sau 1 tháng, các ổ dịch tại Việt Nam đều đã được kiểm soát, kể cả ở Đà Nẵng, Quảng Nam và Hải Dương. Cũng bằng các chiến lược thay đổi linh hoạt, tính đến ngày 3.9, tổng chi phí dành cho công tác chống dịch của Việt Nam chưa đến 400 triệu USD. Với quy mô dân số gần 100 triệu người, nằm ngay sát “ổ dịch” Trung Quốc, chúng ta không chỉ ngăn chặn dịch hiệu quả mà còn là một trong những nước chống dịch tiết kiệm nhất.
Tất cả cuộc sống của người Việt Nam hôm nay là niềm mơ ước của nhiều nước trên thế giới. Chúng ta có được thành công đó là nhờ sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Chúng ta có đội ngũ thầy thuốc, lực lượng quân đội nhân dân, công an nhân dân và nhiều lực lượng chức năng khác, nhưng đặc biệt là nhân dân Việt Nam rất tuyệt vời.
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam
Trong đợt bùng phát dịch lần 2, Việt Nam có 35 bệnh nhân tử vong nhưng đều là người có bệnh nền đang điều trị tại bệnh viện. Đáng chú ý, nếu như trong đợt 1, cả nước phải thực hiện giãn cách xã hội lên đến 15 ngày khiến mọi hoạt động kinh tế, xã hội bị ngưng trệ thì đến đợt dịch lần 2, Chính phủ đã áp dụng chính sách linh hoạt hơn. Việc cách ly, giãn cách xã hội chỉ áp dụng cho những vùng bị dịch bệnh, các địa phương được xác định là ổ dịch như Đà Nẵng, Quảng Nam, Hải Dương. Điều này khiến cho hoạt động kinh tế cả nước vẫn được duy trì.
Việt Nam 'mô hình thành công ngoại lệ' chống dịch Covid-193

Việt Nam mở cửa trở lại đón chuyến bay từ Hàn Quốc vào ngày 25.9 sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát

ẢNH: TUẤN LÊ

Dù dồn toàn lực để phòng chống dịch Covid-19 nhưng kinh tế Việt Nam vẫn tăng trưởng. Theo Tổng cục Thống kê, tổng sản phẩm trong nước (GDP) 9 tháng năm 2020 ước tính tăng 2,12% so với cùng kỳ năm trước. Tuy là mức tăng thấp nhất của 9 tháng các năm trong giai đoạn 2011 - 2020, nhưng ở bối cảnh dịch Covid-19 ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi mặt kinh tế - xã hội của các quốc gia thì đây là một thành công lớn của nước ta. Tờ Nikkei Asian Review nhận định: “Nhờ thành công trong việc ngăn chặn sự lây lan của Covid-19, nền kinh tế Việt Nam không chỉ duy trì tăng trưởng GDP mà còn tăng trưởng cao hơn bất kỳ quốc gia Đông Nam Á lớn nào khác”.
Tham dự diễn đàn thường niên về Cải cách và Phát triển Việt Nam 2020, do Bộ Kế hoạch - Đầu tư tổ chức ngày 29.9, bà Carolyn (Carrie) Turk, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam, đã chúc mừng Chính phủ Việt Nam về những thành tích nổi bật trong việc kiềm chế, ngăn chặn đại dịch Covid-19. “Trong bối cảnh các quốc gia trên thế giới đang chật vật chống đỡ, Việt Nam có số ca nhiễm bệnh và tử vong ít, cách thức xử lý trong khủng hoảng y tế được thế giới công nhận. Chính phủ đã hành động hiệu quả trong các tuần gần đây ngăn chặn làn sóng thứ 2 tại Đà Nẵng”, bà Carolyn Turk bày tỏ.
Dịch Covid-19 xảy ra bất ngờ, ngoài dự kiến và ngoài tầm kiểm soát của tất cả các nước. Mỗi nước có phản ứng, chính sách riêng để đối phó với dịch bệnh này. Việt Nam đã có nhiều thành công trong các đợt chống dịch. Thành công trong việc phòng chống dịch Covid-19 vừa qua đã đưa hình ảnh của Việt Nam vươn xa, được thế giới biết và nhắc đến nhiều hơn. Đây là một kết quả cần được phát huy và sẽ góp phần làm gia tăng hình ảnh, uy tín của Việt Nam trong nhiều lĩnh vực, chẳng hạn như chạy đua thu hút vốn đầu tư nước ngoài.
GS Hà Tôn Vinh, cựu trợ lý Nhà Trắng thời Tổng thống Mỹ Reagan - phó Tổng thống Bush, cố vấn tài chính cho nhiều công ty đa quốc gia
Ngày 23.1
Việt Nam ghi nhận 2 trường hợp đầu tiên dương tính Covid-19.
Ngày 25.1
Việt Nam là nước đầu tiên thực hiện tờ khai y tế đối với các hành khách nhập cảnh từ Trung Quốc tại tất cả các cửa khẩu.
Ngày 25.7
Đợt dịch Covid-19 thứ hai bắt đầu bùng phát tại Việt Nam từ một người đàn ông 57 tuổi ở Đà Nẵng, được Bộ Y tế ghi nhận là bệnh nhân 416.
Ngày 31.7
Việt Nam đã có ca Covid-19 đầu tiên tử vong, là bệnh nhân 428 thường trú TP.Hội An (Quảng Nam).
Ngày 27.9
Tổng số bệnh nhân Covid-19 tại Việt Nam là 1.074; trong đó có 691 ca mắc Covid-19 do lây nhiễm trong nước. Tổng số bệnh nhân Covid-19 được chữa khỏi là 999 và có 35 bệnh nhân tử vong.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.