Cô gái khuấy động tranh Đông Hồ

04/10/2016 14:40 GMT+7

'Lần đầu đến Bắc Ninh, tôi bị mảnh đất và con người nơi đây chinh phục. Từ đó tôi nung nấu phát triển bộ công cụ in tranh nhằm giúp trẻ nhỏ có thể tự trải nghiệm vẻ đẹp của nghệ thuật in tranh Đông Hồ tại nhà'

Thêm một không gian nghệ thuật vừa thành hình từ niềm đam mê của một cô gái tốt nghiệp ngành kỹ sư cơ khí thuộc Đại học Quốc gia Singapore và đã từng làm việc gần 4 năm tại một công ty đa quốc gia từ Thụy Sĩ trong ngành kỹ sư rô bốt. Đó là dự án INGO (viết tắt của từ in gỗ) với ý tưởng tạo ra một bộ học cụ cho trẻ khám phá nghệ thuật in tranh dân gian.
“Tranh Đông Hồ theo tôi đi du học”
“Trong hành trang chuẩn bị đi du học ở Singapore, mẹ gói ghém cho tôi những món đồ lưu niệm từ Việt Nam để nếu có dịp thì tôi có thể mang ra khoe với bạn bè quốc tế. Trong đó có tranh Đông Hồ. Những bức tranh đó theo chân tôi cũng gần chục năm, nhưng nói thật là lâu lâu mới lấy ra xem, chứ lúc ấy tôi chưa hiểu hết những ý nghĩa và quy trình hình thành nên bức tranh”, Nguyễn Thị Thanh Mai cho biết.
Cơ duyên để cô gái trẻ này đến với tranh Đông Hồ xuất hiện năm 2014 khi Thanh Mai được tổ chức DO School từ Đức chọn tham gia chương trình tập huấn cho các dự án khởi nghiệp mang tính xã hội (social entrepreneur) trên toàn cầu.
Độc đáo trang phục là tranh Đông Hồ
Hơn một năm trở lại đây, tranh Đông Hồ đã thu hút sự chú ý của các nhà thiết kế Việt Nam và tạo được hình ảnh đẹp ở các sự kiện thời trang quốc tế.
Chia sẻ về chuyện này, Thanh Mai cho biết: “Lúc tham gia họ yêu cầu tôi chọn một chủ đề để khai thác và sau khi về nước có thể áp dụng. Lúc đó, tôi chọn tranh Đông Hồ. Trong quá trình tìm hiểu về dòng tranh truyền thống này, tôi hoàn toàn bị chinh phục vì những điều thú vị đã tạo nên bức tranh như cách người nghệ nhân làm màu từ những thứ từ thiên nhiên như lá cây chẳng hạn… Lần đầu tiên đến Bắc Ninh, tôi thật sự bị mảnh đất và con người nơi đây chinh phục. Từ đó tôi nung nấu phát triển một bộ công cụ in tranh nhằm giúp trẻ nhỏ có thể tự trải nghiệm vẻ đẹp của nghệ thuật in tranh Đông Hồ tại nhà. May mắn là cuối cùng dự án của tôi được sự ủng hộ của Quỹ Prince Claus, Hà Lan”.
Được biết, Quỹ Prince Claus hằng năm đều có chương trình hỗ trợ tài chính cho các cá nhân, nhóm và tổ chức có hoạt động văn hóa tác động tích cực đến sự phát triển xã hội tại những khu vực có tài nguyên hay cơ hội phát triển về văn hóa, sáng tạo trong sản xuất hay bảo tồn di sản văn hóa bị hạn chế.
Cô gái 'dám' khuấy động tranh Đông Hồ 1
Triển lãm “Đông Hồ phiêu lưu ký” Ảnh: NVCC
Thanh Mai nói: “Thật ra có nhiều người đã bắt đầu để ý và khai thác về tranh Đông Hồ. Quỹ Prince Claus buộc tôi phải trả lời câu hỏi 'Vậy dự án INGO của cô có gì khác biệt để được nhận tài trợ?'. Tôi đã trả lời: Cái tôi làm là hướng đi từ dưới lên. Tôi tập trung vào việc giúp trẻ em trải nghiệm và từ đó sẽ thấy yêu tranh Đông Hồ hơn. Các bé học được khi đôi bàn tay được trải nghiệm. Biết đâu, nhờ vậy mà các bé sẽ có ấn tượng tốt và sau này lớn lên sẽ tìm hiểu về tranh truyền thống VN”.
Ngoài ra, chuyện tiếp cận với nghệ nhân để tìm hiểu về quá trình làm nên tranh Đông Hồ cũng là một thách thức. “Vì nhiều khi mình hỏi chi tiết quá thì sẽ nhận được câu trả lời là 'không thể chia sẻ được'. Điều này thật đáng tiếc vì nếu những người có kinh nghiệm qua đời thì không biết rằng những người kế thừa có làm được không. Có một số cái phải tự mày mò chứ họ không chỉ cho mình từng li từng tí như cách khuấy hồ để dùng trước khi in”, Thanh Mai chia sẻ thêm.
Khi dự án bước ra thực tế
Vừa qua, dự án INGO đã thực hiện một triển lãm tương tác cho trẻ em và các bạn trẻ yêu văn hóa dân gian mang tên Đông Hồ phiêu lưu ký. Qua sân chơi này, Thanh Mai giúp các bé tận tay cảm nhận những chất liệu đã làm nên một dòng tranh đặc trưng của dân tộc. Cũng qua buổi tương tác đó mà cô gái này có thể bổ sung những điều còn thiếu sót trong dự án.
“Ví dụ như bước đầu chúng tôi cho các bé in tranh Bé ôm gà và tranh Nhảy dây. Thực tế, tranh Nhảy dây cũng là tranh có nội dung mới do nhóm nghệ sĩ sáng tạo là Kaa Illustrations (từng được giải thưởng Scholatics Asian Book Award cho tác phẩm sách minh họa thiếu nhi Chuyến đi đầu tiên) thực hiện lấy cảm hứng từ trò chơi dân gian Việt Nam. Đến khi chúng tôi mang ra cho các bé làm thì nhận thấy rằng bản khắc của hai bức tranh này quá to và nặng so với tay của các bé. Nên có lẽ chúng tôi phải suy nghĩ lại nên tiết chế bức tranh sao cho đơn giản hơn và nhẹ nhàng hơn với các bé. Mặc dù, ban đầu chúng tôi nghĩ trò chơi nhảy dây rất thân thuộc, nhưng đến khi được chọn thì hầu như các bé đều thích in tranh con vật. Trong khi đó, người lớn - ba mẹ các bé lại thích những bức tranh này”, Thanh Mai nói thêm.
Được biết, bộ dụng cụ in tranh Đông Hồ sẽ dành cho các bé từ 6 đến 10 tuổi. Một bộ dụng cụ in tranh Đông Hồ hoàn chỉnh gồm giấy, mực và bản khắc cùng sách hướng dẫn. Khi mua về, các bạn nhỏ có thể tự làm. Ngoài những bức tranh Đông Hồ truyền thống, dự án sẽ sáng tạo thêm nội dung mới để thu hút trẻ em hiện đại.
Cô gái 'dám' khuấy động tranh Đông Hồ 2
“Bởi các em nhỏ khi nhìn vào tranh đám cưới chuột, hứng dừa… thì chưa hiểu hết được ý nghĩa. Nên phải bắt đầu từ những điều đơn giản, chẳng hạn tranh chơi cùng cá voi của bạn Nhung Lê từ Chic & Nawdie tại New York sáng tạo ra. Chúng tôi đã hợp tác với bạn để cùng sáng tạo ra bức tranh này và một bức tranh khác nữa là Đấu kiếm với bọ ngựa. Những bức tranh này với tranh Đông Hồ truyền thống tương tự nhau về màu sắc và nét vẽ, chỉ khác ở nội dung. Chúng tôi cũng cho các bé in tranh trên giấy điệp để các bé có thể cảm nhận được cái hồn của bức tranh”, Thanh Mai nói.
Qua buổi triển lãm nói trên, Thanh Mai cho biết có những kiến thức tưởng chừng ai cũng biết nhưng lại hoàn toàn mới đối với cả người tham dự lẫn người tổ chức. Chẳng hạn, rất ít người phân biệt được bề mặt trái và phải của giấy điệp hoặc biết được tranh Đông Hồ là tranh in chứ không phải là tranh vẽ. Mỗi một màu trong tranh Đông Hồ sẽ có một bản khắc gỗ riêng. Ví dụ như sẽ có bản màu vàng, màu xanh... và bảng nét màu đen sẽ được in cuối cùng.
Vì hướng đến trẻ em nên dự án rất chú ý chất lượng của sản phẩm. Chia sẻ về việc màu và gỗ để in tranh Đông Hồ, Thanh Mai nói: “Màu của tranh Đông Hồ có cái hay là có thể rửa bằng nước dễ dàng. Ví dụ màu đen từ than lá tre, màu đỏ từ đất màu đỏ, màu vàng từ hoa hòe, xanh lá cây từ lá trà. Tất cả màu từ tự nhiên nên rất thân thiện với môi trường và an toàn cho bé. Thông thường màu của tranh Đông Hồ chỉ có thể được bảo quản vài ngày, nhưng để đóng gói thành sản phẩm và bán ra thị trường thì dự án phải nghĩ ra cách làm màu khô để dễ bảo quản. Từ một quy trình thủ công, truyền thống mà giờ mở rộng ra thêm thì phải làm kiểu khác chứ không thể rập khuôn như ngày xưa. Vừa làm, vừa học hỏi, vừa mày mò nên rất thú vị. Qua dự án này, tôi nhận ra mọi người không hề thờ ơ với văn hóa truyền thống. Ở làng Đông Hồ người ta chỉ dùng gỗ thị để làm bản khắc. Trong khi đó gỗ thị ít người trồng, tôi lại tìm và thử thêm nhiều loại gỗ để có thay thế được gỗ thị. Mình phải làm những sản phẩm thân thiện với môi trường và mình phải biết được gốc gác của sản phẩm của mình”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.