Hải trình tháng 3: Đảo Trần bừng sáng giữa biển trời đông bắc

15/03/2017 15:33 GMT+7

Đảo Trần - đảo Thanh niên đang bừng sáng giữa biển trời vùng đông bắc. Nơi đây, những công trình mới đang vươn mình ra biển lớn, cư dân miệt mài ngày đêm lao động ổn định cuộc sống.

Vợ chồng "Mai An Tiêm" ở đảo tiền tiêu
Từ bến cảng Đại Lai (H.Hải Hà, tỉnh Quảng Ninh), chúng tôi đi xuồng hơn 1 tiếng thì đến đảo Trần (xã Thanh Lân, H.Cô Tô, tỉnh Quảng Ninh). Đón chúng tôi ở cầu tàu là chị Nguyễn Thị Cảnh, Phó trưởng thôn đảo Trần. Ngôi nhà của chị nằm bên đường, phía trước sóng nước rì rào, kế bên là các ngôi nhà khác của “làng đảo”.

tin liên quan

Hải trình tháng 3
Tháng 3, nhóm phóng viên Thanh Niên thực hiện “Hải trình tháng 3” - có mặt ở các đảo Thanh niên để hiểu thêm về những cư dân thanh niên không ngại gian khổ...
Hơn 10 năm trước, để lại đứa con 4 tuổi ở đất liền nhờ ông bà ngoại nuôi, vợ chồng chị Nguyễn Thị Cảnh (40 tuổi, quê ở H.Hải Hà) và anh Hoàng Văn Hiển (41 tuổi, quê ở H.Thủy Nguyên, TP.Hải Phòng) tình nguyện ra đảo Trần xây dựng vùng kinh tế mới. Quyết định này bị hai bên gia đình phản đối kịch liệt. Cũng dễ hiểu khi hòn đảo có diện tích khoảng 4 km2 này cách xa "đảo mẹ" Cô Tô những 45 km, cách TP.Móng Cái gần 30 km, và chưa có một tuyến tàu khách nào đến đây. Ngày lên đảo, gia đình anh chị chỉ có một căn nhà bé xíu, một máy phát điện nhỏ xíu để thắp đèn chiếu sáng. “Trên đảo cái gì cũng thiếu, đến gáo nước còn phải chia nhau chứ chưa nói đến việc trồng cây, làm vườn”, chị Cảnh nói.
Sau 3 năm, cuộc sống dần đi vào ổn định, gia đình chị đón đứa con thứ 2 là cháu Nguyễn Hoàng Việt Anh. Đây cũng là cháu bé đầu tiên sinh ra và lớn lên ở đảo Trần.
Đảo thanh niên không còn cô đơn
Bây giờ gia đình chị Cảnh không còn buồn nữa, đảo Trần ngày nay đã đông vui nhộn nhịp hơn trước. 10 năm trước, gia đình chị là hộ dân đầu tiên, nay chị là Phó trưởng thôn đảo Trần. Chúng tôi ngạc nhiên khi đến thăm các hộ dân. Nhà nào cũng đầy đủ tiện nghi, bên trong có các phòng ngủ, bếp, nhà vệ sinh tách biệt.
Bước sang năm thứ 4 ở đảo, anh Nguyễn Văn Nhân (đến từ H.Hải Hà) chia sẻ: “Ngày ra đảo nhận nhà mới, chúng tôi rất cảm động khi được hỗ trợ ti vi, giường tủ, xe đạp... Đảo nay đã có nhiều điều kiện tốt, cần gì có nấy. Điều chúng tôi mong mỏi là nhà nước kéo điện nhanh hơn ra đảo và có một tuyến tàu khách để người dân đi lại thuận tiện”.
Sinh hoạt truyền thống ở chân cột cờ đảo Trần

Cuộc sống đang sinh sôi trên đảo Trần khi những công dân mới lần lượt ra đời ở đây. Chị Nguyễn Thị Tung (cũng là người ở H.Hải Hà), bế một cháu bé khoảng 1 tuổi, nói với chúng tôi: "Các chú nhìn này, cháu tên Hoàng Phương Sa, là công dân nhỏ tuổi nhất trên đảo. Bây giờ ở đảo cái gì cũng có rồi, lại được các cơ quan của tỉnh quan tâm, nên mẹ con cháu yên tâm lắm".

tin liên quan

T.Ư Đoàn khánh thành thư viện TNXP trên đảo Bạch Long Vĩ
Ngày 1.3, T.Ư Đoàn và Tổng đội Thanh niên xung phong (TNXP) Hải Phòng, thuộc Thành đoàn Hải Phòng tổ chức lễ khánh thành và bàn giao công trình Thư viện TNXP cho Liên đội TNXP đảo Bạch Long Vĩ (huyện đảo Bạch Long Vĩ, TP.Hải Phòng), được xây dựng bằng bê tông kiên cố, có tổng diện tích 135 m2.
Để đảo Trần được như ngày nay, năm 2012, tỉnh Quảng Ninh đã phê duyệt đề án “Vận động thanh niên, nhân dân ra đảo Trần sinh sống để thành lập đơn vị hành chính trực thuộc H.Cô Tô”. Tháng 10.2013, tỉnh Quảng Ninh triển khai dự án xây dựng cơ sở hạ tầng phát triển dân cư đảo Trần với tổng mức đầu tư trên 162 tỉ đồng, do H.Cô Tô làm chủ đầu tư, Tổng công ty Đông Bắc hỗ trợ kinh phí.
Ông Hoàng Bá Nam, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND H.Cô Tô, cho biết năm 2013 tỉnh Quảng Ninh đã vận động 220 hộ dân trong và ngoài tỉnh đăng ký ra đảo lập nghiệp. Mỗi hộ dân ra đảo Trần sinh sống sẽ được cấp đất ở miễn phí, được hỗ trợ 80% kinh phí xây dựng nhà ở kiên cố, hỗ trợ lương thực, được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí, vay vốn ưu đãi... Kết thúc giai đoạn 1, có 16 hộ dân ra đảo, đa phần trong độ tuổi thanh niên. Từ năm 2015, đảo Trần đã có thêm 4 công dân mới, số dân trên đảo đã là 68 người.
“Phố” mới trên đảo Trần
Trên đảo Trần nay đã có trường liên cấp khang trang với kinh phí hơn 10 tỉ đồng, đầy đủ thiết bị dạy, học như trên đất liền và hoạt động từ năm học 2016 - 2017. Cùng với các dự án xây dựng hạ tầng trên đảo, hiện Bộ Chỉ huy biên phòng tỉnh Quảng Ninh đang nâng cấp cầu tàu Vụng Nam để tiếp nhận các tàu hàng trọng tải 2.000 tấn, hỗ trợ tàu đánh bắt xa bờ khu vực phía bắc vịnh Bắc bộ để mở thêm cơ hội cho đảo Trần. Dự kiến đến năm 2018, đảo Trần sẽ có thêm hộ dân, các hạng mục đê biển, đường giao thông, trạm xá, trụ sở hành chính, nhà sinh hoạt cộng đồng, nhà công vụ...
Chia sẻ với PV Thanh Niên, chị Nguyễn Thị Thu Hà, Bí thư Tỉnh đoàn Quảng Ninh, cho biết chương trình vận động thanh niên ra đảo Trần sinh sống để thành lập đơn vị hành chính là chủ trương đúng đắn của tỉnh Quảng Ninh. Nhờ sự quan tâm đặc biệt của tỉnh, sự giúp đỡ của các nhà tài trợ, các lực lượng vũ trang trên đảo cũng như nỗ lực của những thanh niên xung phong ra đảo xây dựng đời sống mới, đảo Trần đang trở thành một “điểm sáng” ở vùng đông bắc.
Đây cũng là một trong 7 điểm đảo mà T.Ư Đoàn, T.Ư Hội Sinh viên VN chọn để xây dựng cột cờ chủ quyền Tổ quốc, hằng năm được Tỉnh đoàn Quảng Ninh tổ chức cho đoàn viên, thanh niên đến thăm để giáo dục lòng yêu nước, ý thức trách nhiệm về chủ quyền biển đảo, an ninh quốc phòng.
Trước khi rời đảo Trần, chúng tôi lên thăm cột cờ chủ quyền trên đảo. Từ đỉnh cao gần 200 m, chúng tôi nhìn thấy toàn cảnh đảo Trần với khu dân cư mới, những ngôi nhà mái ngói đỏ tươi, cầu cảng và cảm nhận một tương lai tốt đẹp đang đến gần với hòn đảo tiền tiêu vùng đông bắc.

tin liên quan

Con trai thợ sửa xe máy chế tay robot giúp người khuyết tật
Đó là cậu học trò Phạm Huy (học lớp 11A3, trường THPT TX.Quảng Trị, Quảng Trị). Bằng tài năng, cần cù cùng sự hỗ trợ của các thầy cô giáo, giấc mơ giúp người khuyết tật dùng tay robot của Huy đang thành hiện thực…
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.