Học sinh đánh đu mạng sống qua cầu tử thần làm bằng... nứa

12/10/2016 09:12 GMT+7

Dưới chân núi Ngọc Linh, Quảng Nam, hàng ngày học sinh đến trường phải qua cây cầu treo làm bằng tre nứa và dây leo, đan hình chiếc võng. Vì con chữ, các em liều mình đến trường mặc cho bên dưới, nước lũ gầm thét, nguy hiểm chực chờ...

Huyện Nam Trà My, Quảng Nam, nằm dưới chân dãy núi Ngọc Linh – nơi được mệnh danh là nóc nhà của dãy Trường Sơn. Ở nơi địa thế hiểm trở này huyện nghèo nhất nước đứng đầu bảng về số lượng cầu treo tạm, với hàng chục cây cầu làm bằng tre nứa.
Ngay như xã Trà Cang, nơi có 148 học sinh cấp 1 và cấp 2 hàng ngày đi từ thôn 1 qua thôn 4 đi để đến trường, phải đi qua cây cầu treo làm bằng tre nứa và dây leo, đan hình chiếc võng. Vì con chữ, các em phải liều mình đến trường mặc cho bên dưới nước lũ cuồn cuộn, nguy hiểm chực chờ.
Sau mỗi mùa lũ, dân làng thường góp công, góp của làm lại cầu. Không ít người bị tai nạn trong quá trình thi công cầu võng bằng tre nứa này.

[CLIP] Cầu treo tử thần ở Quảng Nam - Nguồn: VTV8
Theo đề án xây dựng cầu treo dân sinh, đảm bảo an toàn giao thông ở 28 tỉnh của Bộ Giao thông Vận tải, Quảng Nam được đầu tư 14 cầu treo, tổng nguồn vốn hơn 63 tỷ đồng. Riêng huyện Nam Trà My được đầu tư 4 cây cầu treo kiên cố bằng thép.
Nhưng sau gần 3 năm triển khai, đến nay, người dân ở huyện nghèo này vẫn chưa thấy cây cầu dây thép nào, thay vào đó, họ phải làm cầu treo bằng tre nứa và dây leo để đi.
Làng Tắc Rối – xã Trà Tập, huyện Nam Trà My là điểm đầu tiên được Tổng cục đường bộ khảo sát làm cầu treo bằng thép. Dự án đã được phê duyệt với kinh phí 4 tỷ đồng nhưng sau đó, chủ đầu tư biến mất. Vậy là hơn một ngàn hộ dân làng Tắc Rối hằng ngày phải bơi qua sông Tranh khi có việc cần đến xã.
Đã có 7 người chết do lũ cuốn ngay tại bến sông làng Tắc Rối, trong đó có cả thầy giáo và học sinh. Người dân đặt một trang thờ nhỏ ngay trên bến sông để tưởng nhớ những người xấu số.
Thôn 1 Trà Cang Ảnh: Đỗ Vinh
Dân làng Tắc Rối có sắm vài chiếc thuyền để đưa học sinh, người làng qua sông nhưng không thể chống chọi với dòng lũ dữ mỗi khi nước về. Cách đây hơn một năm, đã có 2 vụ lật thuyền chở học sinh qua sông nhưng may mắn được dân làng ứng cứu kịp thời. Sau đó, nhiều em bỏ học vì không dám mạo hiểm tính mạng đi tìm con chữ….
Ở bến Tắc Rối, giờ còn ông Trương Quang Diệu, người bám trụ tại đây để giúp dân làng qua sông Tranh. Trước khi chèo đò, như thường lệ, ông Diệu thắp nén nhang cầu bình an. Nhưng khi lũ về, ông Diệu và cả làng Tắc Rối không ai dám chèo đò, làng có người bệnh cũng đành chịu chết vì không thể sang sông đến bệnh viện huyện.
Bến sông Tắc Rối - nơi có 7 người đã chết đuối
 Theo Đề án xây dựng cầu dân sinh, để đảm bảo an toàn giao thông cho vùng đồng bào các dân tộc ít người sinh sống trong phạm vi cả nước, số lượng cầu cần xây dựng là 7.800 cầu với tổng vốn 12.600 tỷ đồng. Tuy nhiên, Bộ Giao thông vận tải đã yêu cầu Tổng cục Đường bộ rà soát lại, chỉ thực hiện xây cầu ở những nơi cấp thiết thì còn 4.145 cầu, trong đó có 3.664 cầu cứng và 481 cầu treo với tổng mức vốn khoảng 8.338 tỷ đồng.
Ở giai đoạn I của đề án này gồm 186 cầu treo dân sinh cấp thiết tại 28 tỉnh trung du, miền núi phía Bắc, miền Trung và Tây Nguyên. Ở giai đoạn II của Đề án sẽ thực hiện 3.959 cầu (gồm 3.664 cầu cứng và 295 cầu treo).
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.