Lính trẻ dạy ngựa hiểu tiếng người

05/03/2017 14:33 GMT+7

“Đừng có lì...!”, nghe tiếng quát của chàng lính trẻ Ta Ngo Na, cả 4 chú ngựa vội nhảy lồng lên, không dám bén mảng tới gần nương rẫy của đồng bào và chạy sang thảm cỏ bên rìa núi Ga Ri (Quảng Nam).

Binh nhất Ta Ngo Na ở Đồn biên phòng Ga Ri khoác áo ấm, mang ủng cao, vừa đi vừa hát. Nghe bước chân quen, con ngựa xám ngẩng cao đầu và hất tung chiếc bờm dài, hí lên một hồi thay cho lời chào buổi sáng. Cả đàn ngựa hí theo và giậm vó lộc cộc xuống nền đất sét.
Hai con ngựa vàng giống như đang tỏ vẻ không vui. Khi vừa thấy Ta Ngo Na xuất hiện thì nó chúi mũi xuống đất và phát ra tiếng khịt khịt. Cả đêm nó nằm ngủ ngoài chuồng, tá túc bên hiên, vì chuồng ngựa hẹp, chỉ đủ chỗ cho 3 chú ngựa nhỏ, 2 con vàng phải ngủ “vỉa hè”. Chàng lính trẻ có vẻ hiểu “tâm tư” của 2 con ngựa này nên vuốt nhẹ trên đầu và ra dấu “hết chỗ rồi, nhường cho người nhỏ tuổi, sức khỏe kém”.
Đồn biên phòng Ga Ri nằm trên dãy Trường Sơn, độ cao gần 1.500 m so với mực nước biển, thuộc xã Ga Ri, H.Tây Giang, tỉnh Quảng Nam. Xã cách trung tâm H.Tây Giang gần 60 km, đường từ đồn qua Lào cũng rất khó đi vào mùa mưa. Xe quân sự Ural lốp to có khi cũng phải dừng lại trước những dốc bùn trơn nằm cạnh vực sâu ở Ga Ri. Do vậy, ngựa vẫn là người bạn thân quen và hữu dụng cho đơn vị. Ta Ngo Na được giao nhiệm vụ chăn ngựa từ tháng 8.2016.
Bộ đội biên phòng chọn biểu tượng của lực lượng là người lính ngồi trên lưng ngựa phi ngang lưng núi. Trong quá khứ, ngựa và lính biên phòng luôn song hành trên đường tuần tra, tải lương. Hiện nay, các đồn biên phòng tuyến núi vẫn được Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng cấp ngựa. Một số đơn vị đã có đường cho xe máy và ô tô vận chuyển hàng hóa. Nhưng ngựa vẫn là phương tiện trong biên chế.
Đàn ngựa rời chuồng đi ăn cỏ, con ngựa nhỏ láu lỉnh thường đi chậm, vì tò mò nhìn những thanh niên địa phương đang cắp chiếc lồng bẫy chim, hoặc kẹp con rắn cạp nong mới bắt được trong bụi rậm. Hằng ngày, con ngựa nhỏ có lúc chạy từ chuồng lên đồn như muốn gặp Ta Ngo Na. Thấy mặt nó, Na hét bảo “về chuồng”. Vậy là nó cắm đầu chạy ngay.
Na kể về tập tính của ngựa, tính nết từng con. Do biết Na thương và chăm lo, nên những chú ngựa này cũng nũng nịu. Mỗi khi ăn no, ngựa thường mon men đến bên cạnh và hí khẽ trong hơi thở. “Đó là nó thể hiện cảm ơn, biết ơn mình”, Na nói. Còn nếu nó giận mình thì sao? “Nó giận thì nó cúi đầu xuống và kêu khịt khịt. Còn nó vừa hí vừa khịt là gọi nhau, nếu nó vui thì hí dài…”.
Ta Ngo Na, năm nay 20 tuổi, nhập ngũ tháng 2.2016. Anh thường thả ngựa nơi đầu núi, cạnh thung lũng sâu chứa đầy mây bay lượn. Từ nơi này, Na có thể nhìn về quê mình là xã Chà Um và nhớ đến tuổi thơ của 5 anh em trong gia đình là đồng bào dân tộc Cơ Tu, đã bao đời sinh sống trên dãy núi Trường Sơn đầy mây trắng.
Chuyện Ta Ngo Na dạy cho ngựa hiểu tiếng người, được anh kể: “Mới đầu em dạy nó vài tiếng thông dụng: “đi, ăn, không được phá, về nhà, không được nghịch, đi hướng kia, không được lên đồn...”. Chỉ cần tập 1 - 2 lần là nó quen luôn, mình không cần cầm roi, cứ nói là nó hiểu, bảo đi hướng nào là nó đi ngay”.
Chỉ huy Đồn biên phòng Ga Ri định luân phiên, chuyển nhiệm vụ chăn ngựa cho chiến sĩ mới về đơn vị, nhưng Na xin tiếp tục được chăn thả cho đến ngày xuất ngũ. Những đêm mưa to, nhiệt độ hạ xuống gần 100C, Na lại lục đục chạy xuống lấy tấm bạt phủ chuồng ngựa. Sáng sớm, anh vội vã đi cắt cỏ mang về chuồng cho ngựa ăn.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.