50 năm bất khuất Che Guevara

11/10/2017 07:44 GMT+7

Tuy bị sát hại dã man ở tuổi 39, tên tuổi của huyền thoại cách mạng Che Guevara vẫn trường tồn như một tượng đài bất khuất ở châu Mỹ Latin và khắp thế giới.

Cuba hồi đầu tuần đã long trọng kỷ niệm 50 năm ngày mất của Che Guevara, nhà cách mạng người Argentina, nhân vật biểu tượng của phong trào cách mạng hào hùng và bi tráng tại khu vực Mỹ Latin. Sát cánh bên cạnh các đồng chí của phong trào chiến tranh du kích Cuba, chiến sĩ cách mạng này đã góp phần lật đổ nhà độc tài Fulgencio Batista vào năm 1959 và giúp sức gầy dựng chính quyền hiện tại ở Havana.
Sau khi từ nhiệm mọi cương vị trong chính phủ Cuba năm 1963 để lên đường tiếp tục cuộc hành trình giải phóng các dân tộc bị áp bức, Che đã bị sát hại tại Bolivia ngày 9.10.1967 khi mới 39 tuổi. Trong bài phát biểu trước hàng ngàn người ở Santa Clara ngày 8.10, Phó chủ tịch thứ nhất Cuba Miguel Diaz-Canel nhấn mạnh Che đã bị giết hại một cách đê hèn, theo nhật báo Granma.
Nửa thế kỷ trôi qua vẫn chưa có thế lực nào dám đứng ra thừa nhận trách nhiệm trong vụ sát hại huyền thoại chiến tranh du kích. Tuy nhiên, những tài liệu giải mật đã phanh phui sự nhúng tay của Cục Tình báo trung ương Mỹ (CIA) trong vai trò huấn luyện và chỉ đạo đội sát thủ truy bắt và giết chết Che. Theo một tài liệu được Đại học George Washington đăng tải, mệnh lệnh giết Che và các chiến sĩ tham gia nỗ lực mang cách mạng Cuba đến Bolivia đã được truyền xuống sáng 9.10. Người lính đầu tiên được giao nhiệm vụ xử bắn Che đã “không thể thi hành mệnh lệnh”, nên trách nhiệm bị chuyển cho một kẻ khác, người đã phải nốc vài chai bia để lấy can đảm trước khi nổ súng. Tài liệu cũng xác nhận Che, người từ chối ngồi xuống theo mệnh lệnh của kẻ hành hình, đã thốt lên câu cuối cùng: “Hãy biết là anh sắp giết chết một con người”.
Sau khi bị sát hại, thi thể của Che đã bị vùi trong nấm mồ vô danh cùng thi thể của hai tù nhân khác, đôi tay ông bị chặt đứt để không ai có thể xác nhận được danh tính. Dù vậy, hài cốt của nhà chiến sĩ cách mạng lừng lẫy vẫn được tìm thấy vào năm 1997 và được đưa về Cuba. Trong buổi lễ tưởng niệm mới đây, Tổng thống Bolivia Evo Morales nhấn mạnh: “Che đã đấu tranh và hy sinh vì phong trào giải phóng Bolivia và trong nỗ lực giải phóng toàn bộ Mỹ Latin”.
Đặc vụ CIA Felix Rodriguez có mặt trong đội lính bắt được Che và đồng đội lúc họ đang tìm đường thoát khỏi khu rừng thuộc vùng Quebrada del Yuro vào ngày 8.10. Ông Rodriguez cũng đã thẩm vấn Che trước khi nhà cách mạng nổi tiếng này bị xử bắn. Đài BBC từng dẫn lại lời ông trong cuộc phỏng vấn nhiều năm sau sự kiện đó, và đặc vụ CIA tiết lộ lệnh xử tử đến từ giới chức lãnh đạo quân đội Bolivia, trong khi mệnh lệnh từ Washington là giữ Che sống. Thư tín nội bộ Nhà Trắng của Walt Whitman Rostow, cố vấn an ninh quốc gia cho Tổng thống Mỹ Lyndon B.Johnson, cũng góp phần xác nhận chính nhà lãnh đạo Bolivia, tướng Alfredo Ovando Candía đã ra lệnh giết Che. “Tôi cho đây là quyết định ngu xuẩn”, ông Rostow đề cập đến lệnh tử hình.
Tuy nhiên, có hai luật sư Mỹ nhất quyết không tin rằng CIA chẳng có vai trò gì trong vụ sát hại nhà lãnh đạo phong trào cách mạng Mỹ Latin. Trong cuốn sách tựa đề Who Killed Che? How the CIA Got Away With Murder (tạm dịch: Ai đã giết Che? CIA đã phủi tay khỏi lệnh sát hại bằng cách nào?), hai tác giả Michael Ratner và Michael Steven Smith đã rà soát lại các tài liệu chưa được công bố của cơ quan tình báo Mỹ, Nhà Trắng, Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng, và rút ra kết luận: chính CIA đã muốn Che biến mất hoàn toàn trong trường hợp bị bắt.
“Giọng điệu của chính quyền là như thế này: “Người Bolivia đã làm điều đó và chúng tôi chẳng thể nào làm gì được”. Đó không phải là sự thật. Toàn bộ chiến dịch được Cố vấn Walt Whitman Rostow tại Nhà Trắng và CIA cùng nhau đạo diễn”, theo Newsweek dẫn lại lời luật sư Smith. Chính Mỹ muốn tử hình Che vì đó là cách chấm dứt phong trào cách mạng khi ấy đang sôi sục tại Mỹ Latin và trên toàn thế giới”, luật sư Ratner bổ sung.
Bất chấp mưu đồ của CIA hay chính quyền Bolivia trước đây, đối với hàng triệu người trên thế giới, Che luôn là biểu tượng cho tinh thần cách mạng và sự thay đổi. “Che đã không biến mất như những kẻ sát hại ông từng muốn, hình tượng của ông tiếp tục lớn mạnh theo thời gian và được các thế hệ sau này của Cuba noi theo”, nhật báo Granma dẫn lời Phó chủ tịch thứ nhất Cuba Miguel Diaz-Canel.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.