ADB trước thách thức mới tại châu Á – Thái Bình Dương

06/05/2017 13:20 GMT+7

Chủ tịch ADB Takehiko Nakao kêu gọi tăng cường đầu tư vào cơ sở hạ tầng nếu muốn tiếp tục tạo đà tăng trưởng cho châu Á – Thái Bình Dương và chống thay đổi khí hậu hiệu quả trong dài hạn.

Trong bài phát biểu khai mạc hội nghị thường niên của Hội đồng các thống đốc do Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tổ chức vào ngày 6.5, Chủ tịch Nako nhấn mạnh đầu tư vào cơ sở hạ tầng sẽ luôn là ưu tiên trong hoạch định chiến lược dài hạn sắp tới của ADB, nhằm đáp ứng những thay đổi chóng mặt của khu vực.

Hội nghị thường niên của ADB đã chào đón số lượng đại biểu kỷ lục, với khoảng 6.000 quan chức chính phủ, học giả, doanh nhân, đại diện xã hội dân sự và giới báo chí. Được tổ chức tại TP.Yokohama, Nhật Bản, với chủ đề “Cùng nhau xây dựng một châu Á thịnh vượng”, hội nghị thường niên năm nay cũng là dịp kỷ niệm 50 năm ADB góp phần quan trọng trong đường hướng phát triển của châu Á – Thái Bình Dương.

Thái tử Nhật Naruhito Thụy Miên

Theo ông Nakao, các thành tựu của ADB trong nửa thế kỷ có thể tóm gọn trong 3 điểm chính: kết hợp kiến thức – tài chính, thúc đẩy xây dựng các chính sách hiệu quả, và tạo điều kiện cho sự hợp tác và hữu nghị tại khu vực.

Chương mới đầy chông gai

Sau 50 năm hoạt động, hướng phát triển tương lai của ADB sẽ dựa trên Chiến lược 2030, nhằm đối mặt với các thách thức như đói nghèo, thay đổi khí hậu, đô thị hóa, dân số già cỗi và bất bình đẳng gia tăng.



Phát biểu tại phiên họp khai mạc, Thái tử Nhật Naruhito đã đánh giá cao hoạt động của ADB suốt 50 năm qua trong nỗ lực xóa bỏ đói nghèo và thúc đẩy phát triển kinh tế. Tuy nhiên, ông lưu ý rằng vẫn còn hơn 300 triệu người sống dưới mức 1,9 USD/ngày, vì thế mục tiêu giảm đói nghèo vẫn nên được đặt ưu tiên. Bên cạnh đó, khu vực đang đối mặt với nhiều thách thức về phát triển cơ sở hạ tầng trong lĩnh vực năng lượng và giao thông, cũng như nguy cơ thiên tai và ảnh hưởng đến từ biến đổi khí hậu. Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính Taro Aso nhấn mạnh Nhật Bản sẽ giữ vững cam kết góp phần quan trọng cho sự phát triển của châu Á – Thái Bình Dương, ủng hộ các quỹ tín thác mới của khu vực nhằm đối phó thiên tai.


Bên cạnh ưu tiên đầu tư vào cơ sở hạ tầng, Chiến lược 2030 cũng xoáy vào các lĩnh vực xã hội dân sinh, đặc biệt là y tế và giáo dục; cũng như thúc đẩy bình đẳng giới tính. Theo chủ tịch Nakao, ADB “sẽ thiết kế các dự án hỗ trợ phái yếu đảm bảo tay nghề cao, cải thiện sức khỏe, tìm được việc làm và có tiếng nói mạnh mẽ hơn trong việc ra quyết định”. Đồng thời, chiến lược tương lai của ADB sẽ tăng cường nỗ lực vận động các nguồn lực tư nhân cho hoạt động phát triển khu vực, thông qua đối tác công – tư (PPP).

Vào năm 2016, ADB đã hỗ trợ tổng cộng 31,7 tỉ USD cho châu Á – Thái Bình Dương, thông qua 17,5 tỉ USD giá trị các khoản vay và hỗ trợ, tăng 9% so với năm trước đó. Đầu tư chống biến đổi khí hậu đạt 13,9 tỉ USD.

Nhân dịp khai mạc hội nghị thường niên, ADB vào chiều 4.5 đã công bố cuốn sách tựa đề “Ngân hàng vì Tương lai của Châu Á và Thái Bình Dương: 50 năm ADB”. Nội dung của ấn phẩm nhằm đánh giá ADB trong nửa thế kỷ hoạt động đã đáp ứng được những thách thức gì đối với châu Á. Chủ tịch ADB Takehiko Nakao nhấn mạnh nét đặc trưng của cuốn sách này là thảo luận lịch sử kinh tế của châu Á từ quan điểm phát triển và dựa trên kinh nghiệm phong phú của ADB trong mối quan hệ với các quốc gia.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.