Bà Suu Kyi cảnh báo giới trẻ Myanmar phí thời gian vì internet

17/01/2016 20:33 GMT+7

Giới trẻ Myanmar ngày nay dành nhiều thời gian cho máy tính, điện thoại và mạng xã hội hơn là đọc sách, bà Aung San Suu Kyi, chính trị gia được ngưỡng mộ tại Myanmar cho biết.

Giới trẻ Myanmar ngày nay dành nhiều thời gian cho máy tính, điện thoại và mạng xã hội hơn là đọc sách, bà Aung San Suu Kyi, chính trị gia được ngưỡng mộ tại Myanmar cho biết.

Giới trẻ Myanmar đọc sách ít hơn vì công nghệ ngày càng xâm lấn sau một thời gian dài bị cấm đoán - Ảnh: AFPGiới trẻ Myanmar đọc sách ít hơn vì công nghệ ngày càng xâm lấn sau một thời gian dài bị cấm đoán - Ảnh: AFP

“Lối sống của chúng ta đang thay đổi trong thời đại này song song với sự phát triển công nghệ. Bây giờ con em chúng ta đã lãng phí thời gian cho những trò chơi trên máy tính, trên internet và mạng xã hội. Lứa trẻ đọc sách ít hơn vì công nghệ ngày càng xâm lấn”, AFP ngày 17.10 dẫn lời từ bức thư của bà Aung San Suu Kyi gửi đến những người tổ chức ngày hội văn học ở Yangon cuối tuần này.

Hồi tháng 11.2015, đảng Liên minh quốc gia vì Dân chủ (NLD) do bà Aung San Suu Kyi dẫn đầu đã chiến thắng trong cuộc bầu cử lịch sử tại Myanmar. Bà được ngưỡng mộ vì công cuộc đấu tranh, thúc đẩy dân chủ ở nước này, góp công lớn chấm dứt giai đoạn chuyên chế của chính phủ do quân đội hậu thuẫn.

Trong thời gian dài quân đội nắm quyền, Myanmar đã rơi vào tình trạng gần như cô lập với thế giới bên ngoài. Đây là nguyên nhân không nhỏ dẫn tới việc người dân nước này ít tiếp xúc với internet. AFP cho biết ở Myanmar từng hạn chế việc truy cập internet, và mỗi chiếc điện thoại có thể có giá hàng ngàn USD.

Chỉ đến gần đây, vài năm trước khi đảng NLD chính thức chiến thắng, đất nước Myanmar mới dần nới lỏng sự ràng buộc về internet, tạo đà không nhỏ cho quá trình tự do tìm hiểu và nêu ý kiến ở nước này.

Bà Aung San Suu Kyi kêu gọi cải cách giáo dục và khuyên giới trẻ đọc sách nhiều hơn - Ảnh: Reuters

Mặc dù vậy, phản ứng ngược của một đất nước bắt đầu chuyển mình mạnh mẽ từ thế cô lập sang mở cửa với thế giới chính là việc người dân bị internet thu hút mạnh mẽ. Hiện nay ở Myanmar tràn ngập điện thoại thông minh và số lượng tài khoản trên mạng xã hội như các nước láng giềng.

Ngoài ra theo bà Aung San Suu Kyi, vốn là một học giả song song vai trò chính trị gia, Myanmar cũng cần cải tổ nền giáo dục hiện tại, tránh tình trạng “học vẹt” như trước đây.

“Chúng ta hiếm khi có thư viện trong trường học và không có thêm nhiều thời gian đọc sách khi đang trên lớp. Hệ thống giáo dục của chúng ta bắt học sinh học thuộc lòng câu trả lời, hạn chế tư duy phê phán và việc đọc sách”, bà San Suu Kyi viết.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.