Bà Yingluck bị đòi bồi thường hơn 1 tỉ USD

26/09/2016 07:30 GMT+7

Chính quyền Thái Lan vừa kết luận cựu Thủ tướng Yingluck Shinawatra phải bồi thường 35,7 tỉ baht (hơn 1 tỉ USD) vì thất thoát trong chương trình trợ giá gạo từ năm 2012 - 2014.

Chính phủ của bà Yingluck bị kết luận mua lại gạo của nông dân cao hơn 40 - 50% so với giá thị trường. Sau đó, gạo thế giới rớt giá khiến chính quyền không thể bán gạo và một lượng lớn gạo trong kho bị hỏng. Ông Manas Jamveha, người đứng đầu Ban Hội thẩm pháp lý dân sự, cho biết bà Yingluck phải chịu trách nhiệm vì từ chối ngừng chương trình này theo yêu cầu của Văn phòng Tổng kiểm toán, Bộ Tài chính và Ủy ban Chống tham nhũng quốc gia (NACC), khiến thiệt hại tăng cao.
“Khoản nợ 400 tỉ baht (11,6 tỉ USD) của chính phủ để gánh chương trình trợ giá gạo của bà Yingluck cho thấy rõ thiệt hại đó. Đúng ra bà Yingluck phải nên ngừng nó lại. Tuy vậy, bà Yingluck có quyền kháng cáo yêu cầu bồi thường tại Tòa hành chính”, tờ Bangkok Post dẫn lời ông Manas.
Phát ngôn viên chính phủ Sansern Kaewkamnerd cho biết bà Yingluck cũng sẽ bị khởi tố vì không đối phó hiệu quả với đợt lũ lụt tệ nhất trong 60 năm qua vào năm 2011. Bên cạnh đó, việc chi tiêu của chính phủ thời bà Yingluck cũng có vấn đề.
Hiện tại, bà Yingluck đang đối mặt với khoảng 15 cáo buộc về hành vi sai trái gồm: cấp hộ chiếu cho anh trai (cựu Thủ tướng lưu vong Thaksin Shinawatra), can thiệp quá mức vào cải tổ quân sự, hỗ trợ bất hợp pháp cho những người bị truy tố về tội phạm chính trị, cho phép Bộ Tài chính vay 350 tỉ baht (10 tỉ USD) cho đề án quản lý nước... Về yếu kém trong quản lý dẫn đến một trong những trận lũ lụt lớn nhất lịch sử Thái Lan, ngoài bà Yingluck, cựu Thủ tướng Thái Lan Abhisit Vejjajiva cũng bị điều tra.
Liên quan đến vấn đề của bà Yingluck, Thủ tướng Prayut Chan-o-cha cho biết trong khi NACC đã triển khai việc quy trách nhiệm đối với bà Yingluck thì chính phủ cần có biện pháp xử lý về mặt dân sự (theo bộ luật Dân sự 1996), nếu không chính phủ cũng phải chịu trách nhiệm pháp lý do thiếu trách nhiệm (theo điều 157 luật Hình sự).
Ông cho rằng đây không phải là sự “ngược đãi” và chính phủ cũng không gấp gáp với chuyện này mà chỉ yêu cầu đưa ra kết luận về vụ án dân sự vào tháng 2 năm sau. “Chính phủ đã tôn trọng luật pháp trong việc yêu cầu bà Yingluck bồi thường”, ông Prayut nói ngày 25.9.
Bà Yingluck và Thủ tướng Prayut vẫn đang chỉ trích nhau qua lại Reuters
Về phần mình, bà Yingluck cho rằng bà vẫn đang được xét xử tại Tòa tối cao về vụ này và quá trình biện hộ sẽ kéo dài ít nhất đến tháng 2 năm sau. Vì thế, việc đưa ra quyết định xử phạt hành chính là không thích hợp.
“Tôi muốn ông Prayut hãy áp dụng đúng cái công lý đã dùng với tôi cho trường hợp của em trai ông và những người liên quan đang theo phe ông. Pháp luật phải được áp dụng cho mọi người, không chỉ phân biệt đối xử với phía tôi”, bà Yingluck viết trên Facebook ngày 25.9, ám chỉ việc em trai ông Prayut là Thứ trưởng Quốc phòng Preecha Chan-o-cha hiện đang đối mặt với điều tra về những vi phạm sau khi công ty mà con trai ông Preecha có cổ phần bị nghi được quân đội vùng 3 giao 7 dự án trị giá 97 triệu baht (gần 3 triệu USD).
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.