Báo cáo CIA giải mật về cuộc chiến Việt Nam

28/08/2016 11:10 GMT+7

Quá trình sụp đổ của chính quyền miền Nam Việt Nam được tái hiện qua các báo cáo tình báo mới được giải mật của CIA.

Ngày 24.8, Cục Tình báo trung ương Mỹ (CIA) đã vén bức màn bí ẩn về những thông tin tình báo được cơ quan này cung cấp cho các đời tổng thống Richard Nixon và Gerald Ford từ năm 1969 - 1977. Việc công bố 2.500 “Bản tin thường nhật dành cho tổng thống” (President’s Daily Brief - PDB), tương đương 28.000 trang tài liệu, đã hé lộ chi tiết về những sự kiện lịch sử như cuộc chiến VN, quá trình bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc, cuộc chiến Ả Rập - Israel năm 1973 cũng như vụ từ chức đầu tiên của một tổng thống Mỹ.
Mối quan hệ sóng gió
Các báo cáo mỗi ngày của CIA dài khoảng 10 trang, thường chứa những tin tức và phân tích chính trị từ các điểm nóng trên toàn cầu. Đây là một công cụ thông tin hữu ích cho tổng thống Mỹ trong thời đại truyền hình chưa phủ sóng 24/24 và chưa có internet.
Song song với việc công bố các PDB trên website của mình, CIA cũng giải mật một tài liệu nội bộ thuộc chương trình tổng kết lịch sử của cơ quan này, trong đó mô tả mối quan hệ “bằng mặt không bằng lòng” giữa Nixon và các lãnh đạo tình báo Mỹ.
Theo CNN, Nixon hiềm khích với CIA vì ông có định kiến rằng giới lãnh đạo cơ quan này không chỉ bỏ phiếu cho đối thủ John Kennedy mà còn phá hoại chiến dịch tranh cử của chính ông trong cuộc bầu cử năm 1960. Cụ thể, Nixon đổ lỗi cho CIA đã không chịu vạch trần cáo buộc sai lạc của Kennedy rằng Mỹ thất thế trước Liên Xô trong cuộc chạy đua phát triển tên lửa đạn đạo liên lục địa. Có lẽ vì thế mà ngoài các cuộc họp chính thức hoặc các dịp lễ lạt, Nixon chưa bao giờ gặp riêng ba đời giám đốc CIA từng làm việc dưới quyền ông là Richard Helms, James Schlesinger và William Colby. Nixon chỉ điện thoại đúng một lần cho Colby, người đứng đầu CIA trong thời gian xảy ra vụ bê bối Watergate khiến chủ nhân Nhà Trắng phải từ chức. “Khi bạn báo cáo về vấn đề gì đó, tâm trí ông ấy có vẻ như đang nghĩ về vấn đề khác - có lẽ ông ấy nghĩ về Watergate, tôi đoán thế”, Colby kể lại, theo tài liệu nội bộ của CIA.
Theo CNN, có bằng chứng cho thấy Nixon chẳng thèm đọc các PDB và để chúng chất đống. Trong thời gian tại vị, Nixon cũng không để cho các sĩ quan CIA báo cáo trực tiếp thông tin tình báo. Các PDB thường được chuyển đến Cố vấn an ninh quốc gia Henry Kissinger, người sẽ tóm lược các thông tin quan trọng và tự mình báo cáo tổng thống.
Tin xấu từ VN
Ngoài hiềm khích với CIA, một lý do khác khiến Nixon ngán đọc các PDB có lẽ xuất phát từ việc đa số chúng chỉ báo cáo toàn các tin tức mà tổng thống Mỹ chẳng muốn nghe thấy. Một trong những chủ đề đó là chiến tranh VN. Gần như mọi buổi sáng, PDB đều nhắc cho hai tổng thống Nixon và Ford nhớ rằng miền Bắc cùng các đồng minh cộng sản ở Đông Nam Á đang chiến thắng trong khi chiến lược quân sự của Mỹ đang thất bại.
Theo CNN, thời Nixon, tình báo Mỹ đã bẻ khóa được nhiều mật mã của miền Bắc để lần theo các đợt chuyển quân dọc theo đường mòn Hồ Chí Minh thông qua Lào và Campuchia. Quân số thâm nhập gây sửng sốt và trái ngược với đánh giá của Lầu Năm Góc rằng các đợt oanh kích của họ có tác dụng giảm số lượng binh sĩ miền Bắc tham chiến ở miền Nam.
Sau khi Nixon quyết định triển khai lực lượng Mỹ xâm nhập vào trong lãnh thổ Campuchia để truy quét các lực lượng quân giải phóng vào tháng 4.1970, CIA báo cáo rằng các cuộc hành quân đó là một thất bại. Quân giải phóng đã rời bỏ các căn cứ dọc biên giới và rút vào sâu hơn trong lãnh thổ Campuchia. Trong PDB ngày 4.6.1970, CIA viết rằng các thông tin tình báo về hoạt động liên lạc “cung cấp một bức tranh gần như hoàn chỉnh về các chuyển động (của 11 trung đoàn)... Đa số, nhưng không phải tất cả, sự tái bố trí đó dường như là phản ứng trực tiếp đối với cuộc hành quân của đồng minh, phản ứng ý định của kẻ địch trong việc tránh giao chiến để rút về những khu vực an toàn hơn”.
Khác với người tiền nhiệm phải từ chức vào tháng 8.1974, Tổng thống Ford nhận trực tiếp PDB từ tay một sĩ quan CIA, người thường đứng bên cạnh để ông hỏi thêm thông tin nếu cần. Tổng thống Ford cũng thường yêu cầu cung cấp các phân tích chi tiết hơn so với Nixon. Tuy nhiên, những tin tức mà ông nhận được về cuộc chiến cũng chẳng khá khẩm gì hơn so với người tiền nhiệm.
Nội dung các PDB vào đầu năm 1975 cho thấy Sài Gòn và phương Tây dường như bất ngờ trước đà tiến vũ bão của quân giải phóng trong chiến dịch mùa xuân. PDB vào ngày 1.3.1975 báo cáo lực lượng miền Bắc đã xâm nhập ồ ạt vào miền Nam trong tháng trước, lưu ý rằng “nỗ lực xâm nhập của Hà Nội diễn ra nhiều hơn gấp 1/3 so với năm trước... tập trung vào di chuyển nhân lực đến các tỉnh xung quanh Sài Gòn và cao nguyên”. Đến ngày 6.3, Ford nhận được thông tin về đợt bùng phát giao tranh ở cao nguyên, gợi ý rằng chiến dịch mùa xuân của miền Bắc đã bắt đầu. PDB này cũng đánh giá các trận chiến khốc liệt sẽ nổ ra ở những nơi khác.
Những ngày cuối cùng
Sự sụp đổ của Sài Gòn được báo hiệu bằng một PDB vào trung tuần tháng 3.1975, trong đó cho biết Tổng thống Việt Nam Cộng hòa Nguyễn Văn Thiệu vừa ra lệnh triệt thoái khỏi cao nguyên trung phần. Theo CIA, cuộc thảo luận trong phòng Bầu dục buổi sáng hôm đó nhanh chóng xoay quanh những hậu quả nghiêm trọng của quyết định này. Trong một thời gian ngắn, những khả năng được bàn bạc đã trở thành sự thật. Các PDB sau đó mô tả tình hình càng ngày càng xấu đi ở miền Nam, khi hết thành phố này đến thành phố khác lần lượt rơi vào tay quân giải phóng.
PDB ngày 28.3.1975 lưu ý: “Sài Gòn đang vội vã vạch ra các kế hoạch tái bố trí 4 sư đoàn Nam Việt bị bao vây ở các tỉnh phía bắc. Tướng (Cao Văn) Viên, Tổng tham mưu trưởng, không tin là có thể giữ được Đà Nẵng và dự kiến sẽ điều thủy quân lục chiến và một sư đoàn về vùng Sài Gòn và tái bố trí 2 sư đoàn khác đến duyên hải miền Trung... Sự sụp đổ của quân chính phủ ở 2/3 lãnh thổ ở miền Bắc của Nam Việt xảy ra với tốc độ mà cường độ đầy đủ của thảm họa vẫn chưa được ghi nhận ở Sài Gòn”.
Trong phần phụ lục dài 6 trang ngày 28.3.1975 phân tích về tình hình u ám ở Nam Việt, CIA dự báo sai rằng Sài Gòn nhiều khả năng sẽ thất thủ vào đầu năm 1976, tiên đoán miền Bắc “sẽ tiếp tục gây áp lực quân sự để lật đổ chính quyền Nam Việt bằng một thất bại triệt để, trừ khi có biến động chính trị ở Sài Gòn mở đường cho giải pháp mới...”. Đến ngày 29.3, PDB báo cáo Đà Nẵng đã thất thủ. Một tháng sau, Washington bắt đầu chiến dịch di tản khẩn cấp người Mỹ khỏi Sài Gòn. Các PDB kế tiếp mô tả về sự tan rã không thể tránh khỏi của quân lực miền Nam. Trong những ngày cuối cùng, cứ mỗi buổi sáng, tướng Brent Scowcroft, Phó cố vấn an ninh quốc gia, lại báo cáo về quá trình chuẩn bị cho việc di tản.
Ngày 30.4.1975, một PBD được đặt lên bàn Tổng thống Ford, mở đầu bằng câu: “Lá cờ Chính phủ Cách mạng Lâm thời của Việt Cộng đã được kéo lên bên trên dinh tổng thống vào 12 giờ 15 phút ngày hôm nay giờ Sài Gòn, đánh dấu sự chấm dứt 30 năm chiến tranh ở VN”.
Nguy cơ chiến tranh hạt nhân năm 1973
Đêm 24 rạng sáng 25.10.1973, khi cuộc chiến giữa liên quân Ả Rập và Israel sắp sửa kết thúc, chính quyền Nixon bất ngờ quyết định đặt quân đội Mỹ trên toàn cầu vào tình trạng DefCon III, mức báo động cao nhất kể từ cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba năm 1962. Trong hồi ký của mình, Kissinger bóng gió rằng ông chính là người kiến nghị nâng mức báo động vì “những báo cáo đáng ngại tại các khu vực đặc biệt nhạy cảm” nhưng không tiết lộ nhiều hơn.
Theo các PDB mới được giải mật, DefCon III được ban bố bởi Nixon và Kissinger lo ngại xung đột Ả Rập - Israel có thể trở thành cuộc chiến hạt nhân giữa Mỹ và Liên Xô. Tình báo Mỹ đã phát hiện một chiếc tàu của Liên Xô được cho là chở theo vũ khí hạt nhân đang trên đường đến Ai Cập. Ngoài ra, Mỹ phát hiện 2 tàu đổ bộ Liên Xô ở gần Ai Cập.
Theo CIA, trong cuộc họp Bộ Chính trị ở Moscow ngày 25.10.1973, các lãnh đạo Liên Xô đã thảo luận liệu họ có sẵn sàng cho một cuộc chiến quy mô lớn với Mỹ hay không. “Việc giao chiến với Mỹ vì Ai Cập và Syria là không hợp lý”, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Alexei Kosygin nói. Chủ tịch Ủy ban An ninh quốc gia (KGB) Yuri Andropov cũng bổ sung rằng “chúng ta sẽ không mở màn Thế chiến thứ 3”. Trong khi đó, PDB ngày 26.10 của Mỹ lưu ý “không có phản ứng công khai của Liên Xô với thông báo đặt quân đội Mỹ vào tình trạng báo động”.
Theo CNN, vài tiếng đồng hồ sau khi DefCon III được ban bố, đoàn tàu Liên Xô đậu cách bờ biển Ai Cập khoảng 100 hải lý đã tản ra. Số phận của chiếc tàu được cho là chở vũ khí hạt nhân vẫn còn nằm trong phần bị bôi đen trong các PDB.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.