Bí ẩn thông tin về một 'vụ ám sát' ở Triều Tiên

14/10/2017 14:05 GMT+7

Ngày 16.11.1986, tin tức về 'vụ ám sát' Chủ tịch CHDCND Triều Tiên Kim Il-sung gây ra náo động lớn tại Hàn Quốc và giới quan sát quốc tế.

Trưa hôm đó, loa phát thanh của CHDCND Triều Tiên tại giới tuyến với Hàn Quốc phát đi một tin tức chấn động: “Lãnh tụ vĩ đại Kim Il-sung từ trần”. Thật ra, mãi đến ngày 8.7.1994, ông Kim Il-sung (Kim Nhật Thành) mới qua đời ở tuổi 82. Đến nay, thông điệp phát đi vào năm 1986 vẫn là một trong những sự kiện bí ẩn bậc nhất trong lịch sử bán đảo Triều Tiên và vẫn chưa có lời giải thích rõ ràng.
Tin dữ


Nghi án vụ nổ năm 2004
Ngày 22.4.2004, hai đoàn tàu chở nhiên liệu đâm vào nhau gây ra vụ nổ kinh hoàng tại ga Ryongchon, tỉnh Bắc Pyongan làm hơn 150 người thiệt mạng và khoảng 1.300 người bị thương. Vài giờ trước vụ việc, nhà lãnh đạo Kim Jong-il đi trên một đoàn tàu khác qua nhà ga này. Giới điều tra Triều Tiên ban đầu cho rằng vụ nổ là do chập điện nhưng sau đó nghi ngờ khả năng bom được kích hoạt bằng thiết bị di động, theo tờ The Telegraph. Bình Nhưỡng sau đó ban hành lệnh cấm người dân sử dụng điện thoại di động trong một thời gian dài nhằm ngăn ngừa những vụ tương tự.

Chuyện bắt đầu từ một bài báo trên tờ Chosun Ilbo của Hàn Quốc ngày 15.11.1986 về những đồn đoán nói Chủ tịch Kim Il-sung đã từ trần. Tuy nhiên, bản tin này không được chú ý nhiều vì vào thời gian đó, dư luận Hàn Quốc vẫn thường xuyên bàn tán về sự sống chết của giới lãnh đạo miền Bắc. Sự kiện nổi bật nhất tại Bình Nhưỡng ngày 15.11 chỉ là Bộ trưởng Các lực lượng vũ trang nhân dân O Chin-u được thăng hàm Phó nguyên soái, trở thành nhân vật quyền lực thứ ba tại Triều Tiên sau Chủ tịch Kim và con trai ông là Kim Jong-il, khi đó đã được gọi là Lãnh tụ kính yêu.
Không ai ngờ rằng chỉ một ngày sau bài báo của Chosun Ilbo, cả thế giới giật mình bởi sự kiện tại Khu phi quân sự liên Triều (DMZ). Khoảng 12 giờ 15 ngày 16.11.1986, binh sĩ Hàn Quốc nghe thấy tiếng nhạc bi tráng, nghiêm trang phát ra từ phía dàn loa phát thanh của miền Bắc. Trong giai đoạn thập niên 1980, cả hai miền Triều Tiên đều lắp hệ thống loa quy mô để phát thông tin tuyên truyền dọc giới tuyến.
Không lâu sau, một giọng đọc nghẹn ngào cất lên để lược lại tiểu sử của Chủ tịch Kim. Ở những địa điểm cách đó khoảng 100 km, một hệ thống loa khác phát thông điệp ca ngợi cuộc đời đấu tranh và sự nghiệp cách mạng của Lãnh tụ vĩ đại, khiến phía Hàn Quốc càng thêm khó hiểu. Đến 20 giờ, tất cả rúng động khi dàn loa của miền Bắc phát tin: Chủ tịch Kim Il-sung từ trần do trúng đạn, Lãnh tụ kính yêu nhanh chóng tiếp quản quyền lãnh đạo và được phong hàm nguyên soái. Thậm chí vào khuya 16.11.1986, nhiều cơ sở của Triều Tiên tại DMZ còn treo cờ rủ.
Nhiễu loạn
Thông tin trên lập tức khiến chính quyền Hàn Quốc “nháo nhào” tìm cách đánh giá tình hình và phản ứng thích hợp. Quân đội và toàn bộ lực lượng cảnh sát được đặt trong trạng thái cảnh giác và sẵn sàng chiến đấu cao nhất. Tổng thống Chun Doo-hwan triệu tập cuộc họp nội các khẩn cấp, những thông tin nhiễu loạn tứ phía đổ về khiến giới hữu trách thêm bối rối.
Trong đó, tướng William John Livsey, chỉ huy lực lượng Mỹ tại Hàn Quốc, xác nhận rằng loa phóng thanh Triều Tiên đã thông báo về cái chết của ông Kim Il-sung nhưng do tai nạn ô tô chứ không phải bị ám sát. Ngoài ra, còn có báo cáo từ giới tình báo Nhật Bản loan tin nhà lãnh đạo Triều Tiên bị bắn từ 1 - 2 ngày trước và thủ phạm là một nhóm biệt kích Triều Tiên, sau khi ra tay đã đào tẩu sang Trung Quốc. Tiếp đó, tin tức từ Hãng thông tấn Kyodo News về việc Bình Nhưỡng triệu hồi đại sứ tại Bắc Kinh Shin In-ha về nước cũng được nêu ra.
Lãnh đạo Kim Il-sung cùng con trai Kim Jong-il vào tháng 10.1980 Ảnh: AFP
Thông tin cuối cùng được báo cáo trong cuộc họp nội các là lời ông Nomura Yoshihiko, chủ một doanh nghiệp Nhật làm ăn với Triều Tiên, nói từ lần cuối ông đến Bình Nhưỡng ngày 10.11.1986, truyền thông miền Bắc đã không còn nhắc đến ông Kim Il-sung mà thường xuyên tường thuật các hoạt động của ông Kim Jong-il. Theo Yoshihiko, một sự kiện gặp gỡ giữa Chủ tịch Kim với các doanh nghiệp nước ngoài tại Triều Tiên cũng đã bị hủy bỏ. Những thông tin dồn dập khiến Seoul càng lo sợ miền Bắc sẽ nhân cơ hội tình hình bất ổn để xua quân tràn qua giới tuyến, theo trang NK News.
Sang ngày 17.11.1986, báo chí Hàn Quốc và Nhật Bản tiếp tục loan tin Chủ tịch Kim Il-sung từ trần và chuyến thăm Bình Nhưỡng của Tổng bí thư đảng Nhân dân Cách mạng Mông Cổ Jambyn Batmonkh đã bị hủy. Ngoài ra, còn có tin Đại sứ quán Triều Tiên tại Trung Quốc thông báo không tiếp khách từ nhiều ngày trước.
Ngay tại Bình Nhưỡng, giới ngoại giao các nước rỉ tai nhau rằng trước khi “qua đời”, lãnh tụ Triều Tiên dường như lo ngại về sự an toàn của bản thân và liên tục thay đổi chỗ ngủ. Theo các nguồn tin, chủ mưu vụ ám sát chính là Tổng tham mưu trưởng các lực lượng vũ trang O Kuk-ryol với sự ủng hộ của Phó nguyên soái O Chin-u. Tuy nhiên, nhóm đảo chính nhanh chóng bị lực lượng trung thành với ông Kim Jong-il khống chế và số phận của họ đang chờ tân lãnh đạo định đoạt.
Trong khi đó, truyền thông nhà nước và chính phủ Triều Tiên vẫn giữ thái độ im lặng, không bình luận gì trước những diễn biến sôi động tại miền Nam. Vì thế, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc kêu gọi giới truyền thông không làm tình hình thêm phức tạp và chờ xác nhận chính thức từ Bình Nhưỡng.
Bí ẩn không lời đáp
Cuối cùng, sau 2 ngày thấp thỏm, dư luận ngỡ ngàng khi thấy Chủ tịch Kim Il-sung xuất hiện hoàn toàn khỏe mạnh tại sân bay Bình Nhưỡng để đón phái đoàn Mông Cổ. Những thông điệp tại DMZ về việc ông từ trần biến mất như chưa hề tồn tại. Hơn 30 năm sau, vẫn chưa ai tìm ra lời giải cho những gì đã xảy ra tại Triều Tiên dù có vô số giả thuyết được nêu lên.
Một số nhà quan sát cho rằng vụ việc là nhầm lẫn của lực lượng Triều Tiên đóng gần giới tuyến cộng thêm sự thổi phồng từ truyền thông Hàn Quốc lẫn Nhật Bản. Tuy nhiên, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc trưng ra bằng chứng xác thực về thời gian và địa điểm thông báo được loan ra, giống như một chiến dịch được chuẩn bị sẵn và hoàn toàn không phải là sự hiểu lầm. Bên cạnh đó, theo những sử gia Hàn Quốc không có cảm tình với chính quyền Chun Doo-hwan, đây là “màn kịch truyền thông tinh vi” của vị tổng thống này nhằm chuyển hướng dư luận trong nước khỏi những cáo buộc tham nhũng và độc tài đối với chính phủ thời điểm đó. Ngoài ra, ý kiến cho rằng thật sự đã xảy ra đảo chính bất thành ở Triều Tiên cũng bị gạt đi vì nếu là sự thật thì những “kẻ chủ mưu” phải bị trừng trị. Tuy nhiên, bộ máy lãnh đạo Triều Tiên thời gian sau đó không có nhiều xáo trộn. Chủ tịch Kim Il-sung vẫn cầm quyền đến khi từ trần năm 1994, ông O Chin-u qua đời năm 1995 và được tổ chức quốc tang long trọng. Ông O Kuk-ryol sau này được bầu làm Phó chủ tịch Ủy ban Quốc phòng Triều Tiên và hiện vẫn còn sống.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.