Chấm dứt chương trình giám sát công dân của NSA: Đắt không xắt ra miếng

Bảo Vinh
Bảo Vinh
27/02/2020 08:00 GMT+7

Chính quyền Mỹ chuẩn bị ban hành dự luật chấm dứt chương trình giám sát công dân gây tranh cãi và vô cùng tốn kém nhưng không mang lại hiệu quả của Cơ quan An ninh quốc gia ( NSA ).

Chương trình cho phép NSA thu thập “siêu dữ liệu” về cuộc gọi của người dân gồm số điện thoại người gọi, người nghe, thời gian và độ dài cuộc gọi.
Chương trình bắt đầu từ sau vụ khủng bố 11.9.2001 và chỉ bị phanh phui vào năm 2013 bởi cựu nhân viên NSA Edward Snowden. Hai năm sau, Mỹ thông qua Đạo luật Tự do, áp đặt một số hạn chế nhưng vẫn cho phép chương trình gây tranh cãi tiếp tục hoạt động.
Tuy nhiên, quốc hội Mỹ vừa nhận báo cáo cho thấy trong 4 năm qua, chương trình của NSA tiêu tốn 100 triệu USD nhưng chỉ giúp dẫn đến 1 cuộc điều tra lớn và 2 manh mối, chưa xét đến tính hữu ích của thông tin và kết quả điều tra thu được là gì. Báo cáo còn cho thấy thông tin thu thập từ chương trình giúp NSA xây dựng 15 hồ sơ tình báo nhưng 13 trong số đó có nội dung đã được Cục Điều tra liên bang (FBI) thu thập bằng những cách khác.
Sự hiệu quả tỷ lệ nghịch với chi phí buộc NSA phải khai tử chương trình này từ năm ngoái. Tuy nhiên, chính quyền Tổng thống Donald Trump được cho là muốn giữ lại quyền khôi phục chương trình bằng cách duy trì Đạo luật Tự do, dự kiến hết hạn vào ngày 15.3. Ủy ban Tư pháp Hạ viện đang đề xuất dự luật đặt dấu chấm hết cho khả năng này.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.