Chiến tranh đã tới tận nhà

17/11/2015 11:53 GMT+7

Từ Paris, nhà báo kỳ cựu Alain Barluet ( ảnh ) - Phó tổng biên tập Báo Le Figaro , nhật báo hàng đầu của Pháp và thế giới - gửi cho Thanh Niên những trăn trở của ông về một nước Pháp “trong thời chiến”.

Từ Paris, nhà báo kỳ cựu Alain Barluet (ảnh) - Phó tổng biên tập Báo Le Figaro, nhật báo hàng đầu của Pháp và thế giới - gửi cho Thanh Niên những trăn trở của ông về một nước Pháp “trong thời chiến”.

Nước Pháp đang đối diện một thực tại đau thương và khó lường trước mắt - Ảnh: AFPNước Pháp đang đối diện một thực tại đau thương và khó lường trước mắt - Ảnh: AFP
Với nước Pháp, chiến tranh không còn là chuyện ở một nơi xa xôi nào đó mà đã thật sự vào tới tận nhà. Cả một quốc gia đang đau đớn.
Tổng thống Francois Hollande và Thủ tướng Manuel Valls đã nói rất rõ về bản chất của đợt tấn công đẫm máu xảy ra ngay giữa lòng Paris làm hàng trăm người vô tội thiệt mạng và bị thương tối 13.11.
Lần đầu tiên trong một thời gian rất dài, những kẻ đánh bom liều chết ra tay trên đường phố của chúng tôi. Suốt nhiều thập niên, người dân Pháp đã được sống trong thanh bình nhưng nay họ phải đối diện với một thực tại mới, tàn nhẫn hơn, khắc nghiệt hơn. Cuộc chiến chống Nhà nước Hồi giáo (IS) là một cuộc chiến lâu dài và nỗi ám ảnh về những vụ tấn công khác trên đất Pháp sẽ luôn lơ lửng trong tâm trí.
Từ đêm thứ sáu đến nay, cả thế giới đã đồng lòng chia sẻ nỗi đau với nước Pháp. Có lẽ mọi người hiểu rằng không chỉ mình Paris là mục tiêu trước họng súng khủng bố mà cả những giá trị cốt lõi của thế giới văn minh: hòa bình, dân chủ và tự do đang bị đe dọa. Nhìn nhận như vậy để thấy Pháp không phải là quốc gia duy nhất bị ảnh hưởng. Chủ nghĩa cực đoan là cơn ác mộng đối với tất cả chúng ta, từ châu Âu, đến Trung Đông và châu Á.
Cũng đáng lo ngại không kém là những gì sẽ xảy ra tiếp sau đây. Pháp phải tự vệ. Những trận không kích dữ dội đã được thực hiện tại Raqqa, “thủ đô” của IS tại Syria. Hàng không mẫu hạm Charles de Gaulle sẽ lên đường vào ngày 18.11 đến vùng Vịnh để tham gia liên quân quốc tế chống tổ chức này.
Nhưng tất cả chúng ta đều biết rằng sức mạnh quân sự đơn thuần không đủ để đập tan chủ nghĩa thánh chiến. Lý do là hiểm họa không còn nằm bên ngoài mà đang hiển hiện ngay trong biên giới của chúng tôi. Một số trong nhóm tấn công vừa qua là người Pháp. Làm sao có thể tiến hành chiến tranh chống lại chính công dân của mình, ngay trên lãnh thổ của mình? Người Pháp biết chính phủ sẽ mạnh tay. Tuy nhiên, những biện pháp cứng rắn lại có nguy cơ đe dọa đến quyền công dân, quyền tự do cá nhân và các giá trị khác. Bên cạnh đó, “ăn miếng trả miếng” bằng quân sự có thể dẫn đến sai lầm chiến lược như Mỹ đã phạm phải sau năm 2001.
Mặt khác, môi trường xã hội Pháp hiện rất phức tạp. Đất nước chúng tôi có hơn 5 triệu người Hồi giáo và thế hệ trẻ của cộng đồng này được sinh ra trên đất Pháp. Phần lớn không hề cực đoan. Tuy nhiên, sau thảm kịch, khoảng cách trong xã hội Pháp sẽ càng bị khoét sâu, làn sóng chống Hồi giáo tiếp tục dâng cao và lực lượng cực hữu lại có dịp trỗi dậy.
Tình trạng này có thể mở đường cho lãnh đạo đảng cực hữu Front National (FN) Marine Le Pen nhận được sự ủng hộ cao trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2017.
Hậu quả đối với kinh tế cũng sẽ rất nghiêm trọng, hơn cả tình hình sau vụ tấn công tòa soạn Charlie Hebdo hồi tháng 1.
Pháp vẫn đang chật vật đối phó nạn thất nghiệp, tăng trưởng vẫn giậm chân ở mức 0,1 - 0,2% và có thể thụt lùi bất cứ lúc nào. Tổng thống đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp và điều này có thể gây hại cho sự phục hồi của kinh tế Pháp. Những nguồn thu cực lớn như đầu tư và du lịch sẽ bị ảnh hưởng bởi bạo lực.
Nhưng trên hết thảy là khi tiến hành “cuộc chiến mới” này, nước Pháp vẫn phải bảo vệ các giá trị phổ quát về tự do - bình đẳng - bác ái. Nếu chúng ta phải hy sinh những gì tạo nên bản sắc của mình thì coi như kẻ thù đã chiến thắng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.