Covid-19 có lây qua thực phẩm hay không?

15/08/2020 06:31 GMT+7

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) nói “chưa có bằng chứng” về việc Covid-19 lây lan qua thực phẩm, dù Trung Quốc phát hiện vi rút trên thực phẩm đông lạnh.

Phát biểu tại trụ sở WHO ở TP.Geneva (Thụy Sĩ), Giám đốc chương trình khẩn cấp của WHO Mike Ryan hôm qua 14.8 cho biết hiện “không có bằng chứng nào cho thấy thực phẩm hoặc chuỗi thực phẩm tham gia vào việc lây truyền vi rút này”, theo Đài CNBC.
Tuyên bố trên được đưa ra sau khi hai thành phố ở Trung Quốc phát hiện SARS-CoV-2 xuất hiện trong các lô hàng thực phẩm đông lạnh nhập khẩu trong vài ngày qua, làm dấy lên lo ngại vi rút có thể lây nhiễm qua thực phẩm, theo Đài NBC News. Ngày 12.8, New Zealand ghi nhận ca nhiễm Covid-19 đầu tiên trong hơn 3 tháng và giới chức y tế nước này nghi ngờ đây là do vi rút từ hàng hóa đông lạnh nhập khẩu.

WHO nói gì về nguy cơ có virus corona gây Covid-19 trong thực phẩm đông lạnh?

Trước những lo ngại trên, chuyên gia dịch tễ Maria Van Kerkhove của WHO nói rằng Trung Quốc đã xét nghiệm “hàng trăm ngàn” mẫu bao bì thực phẩm đông lạnh và phát hiện “rất, rất ít, chưa tới 10” bao bì dương tính với SARS-CoV-2. Bà Kerkhove nhấn mạnh: “Ngay cả khi vi rút lây truyền qua thực phẩm - song không có bằng chứng cho thấy điều này, nó cũng có thể bị tiêu diệt giống như các vi rút khác khi thực phẩm được nấu chín”.
Theo WHO, nhiều nghiên cứu cho thấy SARS-CoV-2 có thể tồn tại trên bao bì hàng giờ đến hàng ngày, tùy thuộc vào vật liệu, nhiệt độ và độ ẩm. Vi rút này có thể tồn tại từ 4 - 5 ngày trên nhựa hoặc giấy. WHO cho hay hiện không có bằng chứng cho thấy con người có thể nhiễm Covid-19 từ thực phẩm hoặc bao bì thực phẩm. SARS-CoV-2 không thể sinh sôi trong thực phẩm, chúng cần động vật sống hoặc vật chủ là con người để sinh sôi và tồn tại. Tại Mỹ, Bộ Nông nghiệp cùng Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm ra thông cáo chung cho hay “không có chứng cứ về việc con người có thể mắc Covid-19 từ thực phẩm hay bao bì thực phẩm”.

Virus corona sống sót bao lâu trên các bề mặt?

Tiến sĩ Jin Dong-Yan, giáo sư vi rút học tại Đại học Hồng Kông, cho rằng vì SARS-CoV-2 không thể nhân lên trên bề mặt thực phẩm hoặc bao bì, nó trở nên yếu dần. Ông không loại trừ khả năng một người lây lan các giọt bắn chứa vi rút trên bề mặt thực phẩm hoặc bao bì, và người khác có thể nhiễm vi rút bằng cách chạm vào bề mặt rồi đưa lên miệng hoặc mũi, theo Reuters. Nhưng trường hợp như vậy rất hiếm, tiến sĩ Jin cho hay.
Theo Reuters dẫn lời tiến sĩ Eyal Leshem thuộc Trung tâm y tế Sheba (Israel), việc lây nhiễm do tiếp xúc với vi rút đông lạnh từ thực phẩm nhập khẩu “vẫn chưa được coi là con đường lây nhiễm chính”. Tiến sĩ T.Jacob John, nguyên giáo sư về vi rút học lâm sàng tại Đại học Christian Medical (Ấn Độ), chia sẻ với Reuters: “Số lượng các hạt vi rút thoát ra từ miệng hoặc mũi của một người lớn hơn nhiều so với một số hạt vi rút còn sót lại trên thực phẩm đông lạnh, rồi lây lan do ai đó chạm vào. Trong số mọi rủi ro, tôi nghĩ đây là rủi ro rất thấp”.
Bộ Y tế đã đăng ký mua vắc xin phòng Covid-19 của Nga và Anh
Ngày 14.8, Bộ Y tế cho hay, thời gian qua, cơ quan này đã chỉ đạo cơ quan chức năng khẩn trương thực hiện nghiên cứu để sản xuất vắc xin trong nước, đồng thời đẩy mạnh việc phối hợp với các công ty, đối tác sản xuất và cung cấp vắc xin có uy tín trên thế giới nhằm có vắc xin ngừa Covid-19 cung cấp cho Việt Nam.
Theo đó, nhiều công ty trong nước như Công ty vắc xin và sinh phẩm số 1 của Bộ Y tế (Vabiotech), Viện Vắc xin và sinh phẩm y tế Nha Trang của Bộ Y tế (IVAC)... đang phối hợp với các công ty, tổ chức quốc tế sản xuất vắc xin phòng dịch Covid-19. Các đơn vị khác như Trung tâm nghiên cứu sản xuất vắc xin và sinh phẩm y tế POLYVAC và Công ty TNHH công nghệ sinh học Dược NANOGEN cũng đang trong quá trình nghiên cứu, phát triển vắc xin Covid-19, bước đầu cho thấy kết quả khả quan, cố gắng cuối năm 2020 thử nghiệm lâm sàng.
Mặt khác, Bộ Y tế đang rất nỗ lực và tích cực phối hợp với nhà cung cấp vắc xin trên thế giới để thực hiện mua và phối hợp sản xuất vắc xin, trong đó có Nga, Anh, Mỹ và các nước khác. Mới đây, Bộ Y tế đăng ký mua vắc xin của Nga và Anh. Tuy nhiên, theo Bộ Y tế, việc cung cấp vắc xin phụ thuộc vào tiến độ thực hiện các thử nghiệm lâm sàng của nhà sản xuất. Bên cạnh đó, quy trình thử nghiệm vắc xin ở Việt Nam trước khi đưa vào sử dụng phải tuân thủ những quy định chặt chẽ và đòi hỏi thời gian. 
Liên Châu - Lê Hiệp
Mỹ từ chối hợp tác với Nga về vắc xin
CNN ngày 14.8 dẫn lời một số quan chức giấu tên của Nga cho biết nước này đã gửi đề nghị hợp tác “chưa từng có” với Mỹ về việc phát triển vắc xin ngừa Covid-19 nhưng đã bị từ chối. “Sự ngờ vực là cảm giác chung của phía Mỹ đối với Nga”, một quan chức cấp cao của Nga nói. Chính quyền Nga ngày 11.8 tuyên bố cấp phép cho vắc xin ngừa Covid-19 đầu tiên trên thế giới tên Sputnik V. Giới chức Nga nói sẵn sàng chia sẻ thông tin về vắc xin và cho phép các hãng dược Mỹ hợp tác sản xuất tại Mỹ.
Tuy vậy, một quan chức cố vấn trong chính quyền Mỹ cho rằng nước này chưa có được dữ liệu về mẫu vắc xin mới của Nga. Bên cạnh đó, phía Mỹ tỏ ra dè dặt về độ an toàn của Sputnik V vì chỉ mới bắt đầu thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 (bước cuối trước khi được phê chuẩn).
Trong khi đó, Giám đốc Viện Y tế quốc gia Mỹ Francis Collins hôm qua dự đoán việc cấp phép cho vắc xin tại Mỹ khó có thể diễn ra trước tháng 11 vì các hãng cần thời gian để thử nghiệm quy mô lớn. Chính quyền Mỹ cấp hơn 10 tỉ USD cho 6 loại vắc xin tiềm năng và ông Collins nhận định ít nhất 1 loại sẽ được cấp phép trước cuối năm nay. Quan chức y tế cấp cao Mỹ Paul Mango tuyên bố sẽ không giảm tiêu chuẩn an toàn để sớm có vắc xin. Theo AFP, ông Mango nhấn mạnh Mỹ sẽ đảm bảo cung cấp vắc xin miễn phí cho toàn dân. 
Vi Trân
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.