Cuộc bầu cử lịch sử của Ai Cập

29/11/2011 00:37 GMT+7

Người dân Ai Cập ngày 28.11 đi bỏ phiếu lần đầu tiên kể từ khi Tổng thống Hosni Mubarak bị lật đổ hồi tháng 2.

Người dân Ai Cập ngày 28.11 đi bỏ phiếu lần đầu tiên kể từ khi Tổng thống Hosni Mubarak bị lật đổ hồi tháng 2.

Gần 10 tháng sau khi ông Mubarak phải ra đi dưới sức ép của làn sóng biểu tình, khoảng 50 triệu cử tri Ai Cập sẽ bầu ra một quốc hội mới từ những ứng viên của hơn 50 đảng phái. Theo AFP, cử tri xếp hàng dài trước các phòng phiếu trên toàn quốc trong sự giám sát của lực lượng an ninh dày đặc.

Cuộc bỏ phiếu hôm qua bắt đầu một lịch trình bầu cử kéo dài đến tháng 3.2012. Theo AP, trong giai đoạn đầu tiên kéo dài đến tháng 1.2012, cử tri sẽ bầu 498/508 hạ nghị sĩ, 10 ghế còn lại sẽ do Hội đồng Tối cao các lực lượng vũ trang Ai Cập (CSFA) chỉ định. Kết quả dự kiến được công bố ngày 13.1.2012. Tiếp đó, cuộc bầu cử Thượng viện diễn ra từ ngày 29.1 - 11.3.2012. CSFA cam kết trao lại quyền lực cho chính phủ dân sự sau cuộc bầu cử tổng thống dự kiến diễn ra trước tháng 7.2012.

 
Lực lượng an ninh canh gác tại các phòng phiếu - Ảnh: AFP

Nga “sẽ đưa hạm đội đến Syria”

Báo Izvestia ngày 28.11 đưa tin Nga sẽ đưa một đội tàu chiến do tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov dẫn đầu đến căn cứ hải quân của nước này đặt tại Syria vào đầu năm tới. Giới quan sát đánh giá động thái này có thể nhằm thể hiện quyết tâm của Nga ngăn chặn mọi sự can thiệp quân sự từ bên ngoài vào Syria.

Trong một diễn biến khác, thủ lĩnh đối lập Mohammed Basindwa đã được chỉ định làm Thủ tướng tạm quyền của Yemen. Đây là một phần trong kế hoạch ổn định chính quyền trước ngày bầu cử tổng thống 21.2.2012 sau khi Tổng thống Ali Abdullah Saleh chấp nhận từ chức.

Cuộc bầu cử diễn ra trong bối cảnh Ai Cập lâm vào khủng hoảng do những vụ đụng độ đẫm máu giữa người phản đối chính quyền quân sự và lực lượng an ninh, khiến ít nhất 42 người chết và hơn 3.000 người bị thương. Bất chấp những lời kêu gọi từ bỏ quyền lực, Chủ tịch CSFA Hussein Tantawi tuyên bố vẫn duy trì lộ trình chuyển giao như đã định. Ông kêu gọi người dân đi bỏ phiếu đồng thời cảnh báo sẽ ngăn chặn những kẻ gây rối, can thiệp vào các cuộc bầu cử.

Hiện chưa rõ quốc hội mới sẽ hoạt động ra sao và liệu có khả năng tháo ngòi nổ về vai trò sắp tới của quân đội Ai Cập hay không. Kết quả cũng khó đoán, nhưng Huynh đệ Hồi giáo, tổ chức Hồi giáo ôn hòa từng bị cấm hoạt động dưới thời ông Mubarak, được cho sẽ giành nhiều phiếu nhất. Phe Hồi giáo cực đoan và một số đảng phái khác cũng sẽ có ghế. Giới quan sát đã tỏ ra lo ngại về một quốc hội manh mún và bị chia rẽ về ý thức hệ. Người dân dù hăm hở đi bầu cũng bị phân cực và bối rối về hướng đi sắp tới của đất nước.

Triển vọng ổn định của Ai Cập cũng là một dấu hỏi lớn khi hôm qua vẫn có người tập hợp tại Cairo kêu gọi hoãn bầu cử. Chỉ vài giờ trước khi các phòng phiếu mở cửa, một đường ống khí đốt gần thành phố Arish đã bị tấn công.

Trùng Quang

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.