Cuộc chiến chống bán thuốc trên mạng trái phép

16/06/2018 08:30 GMT+7

Tình trạng bán thuốc có nguồn gốc từ Ấn Độ một cách bất hợp pháp trên mạng khiến chính phủ nhiều nước lo ngại.

Ủy ban Kiểm soát ma túy Ấn Độ (NCB) gần đây triệt phá đường dây quy mô lớn chuyên bán thuốc generic trên mạng sang Mỹ, Úc và các nước châu Âu một cách trái phép, theo tờ Asia Times. Thuốc generic là thuật ngữ chỉ thuốc tương đương sinh học với biệt dược gốc, được sản xuất khi quyền sở hữu công nghiệp của biệt dược gốc đã hết hạn.
Cảnh sát đã tịch thu số lượng lớn phiên bản generic của thuốc rối loạn cương dương (ED) viagra cùng dược phẩm trị rối loạn tâm thần, mất ngủ. Lô thuốc này có giá 500.000 USD tại thị trường Ấn Độ, nhưng ở phương Tây lên đến 10 - 20 triệu USD, theo NCB. Đường dây mua bán trên mạng đã “cải trang” lô thuốc generic thành vitamin hoặc thực phẩm chức năng rồi gửi qua đường bưu điện từ Ấn Độ ra nước ngoài. Trong vài năm qua, NBC đã triệt phá 4 vụ tương tự. Ít nhất 4 công ty dược ở các thành phố Surat, Vadodara và Mumbai có dính líu tới các đường dây mua bán thuốc trên mạng trái phép. Các công ty này đặt máy chủ ở nước ngoài, hoặc thông qua các trang thương mại điện tử để hoạt động.
Các chuyên gia cho rằng việc thiếu quy định chặt chẽ, thuốc giá rẻ và bán không cần kê toa của bác sĩ là những yếu tố chính làm tình trạng mua bán thuốc trái phép trên mạng ngày càng gia tăng thời gian qua. Một viên viagra chính hãng của Pfizer có giá 65 USD, trong khi phiên bản generic rẻ bằng một nửa, thậm chí một số dạng khác của loại thuốc này do Ấn Độ sản xuất chỉ chưa đến 1 USD. Ở phương Tây, việc mua thuốc mà không có toa của bác sĩ là điều vô cùng khó khăn, trong khi nhu cầu sử dụng các loại thuốc như ED, giảm cân và an thần lại ngày càng cao. Thêm vào đó, sự phát triển của các nền tảng hỗ trợ mua bán trên mạng cũng tạo điều kiện cho nhà sản xuất và buôn bán thuốc “lách luật” để tuồn dược phẩm generic giá rẻ từ Ấn Độ vào thị trường phương Tây.
Trong cuộc họp với Bộ Nội vụ Ấn Độ mới đây, Phó tổng giám đốc NCB Mutha Ashok Jain đánh giá thực trạng rao bán thuốc có nguồn gốc từ Ấn Độ một cách trái phép trên các trang web tại châu Âu và Mỹ đang rất đáng báo động. “Do tính chất rộng lớn của internet nên lực lượng chức năng khó có thể kiểm soát hết hoạt động mua bán thuốc. Cơ quan chúng tôi nghiêm túc tiếp nhận mọi tin tố cáo từ Ấn Độ lẫn nước ngoài để tiến hành điều tra”, ông nói.
Không chỉ Ấn Độ, các nước phương Tây cũng đau đầu về thực trạng trên. Theo Reuters, Cơ quan Quản lý sản phẩm y tế và dược phẩm Anh (MHRA) đã đóng cửa 4.760 trang web bán dược phẩm không có giấy phép trong năm 2017. MHRA cho biết đa số thuốc được rao bán trái phép qua mạng là dòng generic có nguồn gốc từ Viễn Đông, trong đó có Ấn Độ. Tương tự, Mỹ cũng triệt phá hơn 5.000 trang web bán dược phẩm không có giấy phép lưu hành trong vòng 2 năm qua. Giới chức Mỹ cho hay các trang này tự quảng cáo có hợp tác với hãng dược uy tín, tuy nhiên thực chất tất cả thuốc rao bán đều được sản xuất ở Ấn Độ và Singapore.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ước tính khoảng 25% dân số thế giới đối mặt với các chứng bệnh về tâm thần và tỷ lệ tương tự với bệnh liệt dương ở nam giới. Ngoài bệnh nhân, những người sử dụng ma túy cũng lợi dụng các kênh bán hàng trên mạng để mua thuốc giảm đau và an thần. Theo báo cáo của Trung tâm vì nhà thuốc trên mạng an toàn (Mỹ), có khoảng 35.000 nhà thuốc trực tuyến trên khắp thế giới, nhưng chỉ 4% hoạt động hợp pháp. Số còn lại chủ yếu bán thuốc không kê toa, không được kiểm định hoặc không có giấy phép lưu hành.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.