Cuộc đua tàu ngầm và săn tàu ngầm

02/12/2011 22:55 GMT+7

Các nước trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương không chỉ tăng cường những loại tàu ngầm di chuyển cực êm mà còn phát triển công nghệ dò tìm tàu ngầm nhạy bén hơn.

Sau những diễn biến gây quan ngại trên biển vừa qua, nhiều nước trong khu vực đang đẩy mạnh trang bị tàu ngầm, vốn được đánh giá là ngày càng có vai trò quan trọng trong hải chiến. Đồng thời, các quốc gia châu Á - Thái Bình Dương cũng bắt đầu phát triển các hệ thống dò tìm và chống tàu ngầm để đối phó các nguy cơ về an ninh.

Tăng cường chống tàu ngầm

Mới đây, Bloomberg dẫn nguồn từ Tập đoàn Ultra Electronics cho biết Mỹ đang đẩy nhanh tiến độ phát triển các công nghệ chống tàu ngầm. Ultra Electronics là nhà cung cấp hàng đầu thế giới về các thiết bị sonar sử dụng sóng âm để dò tìm tàu ngầm. Giám đốc điều hành của tập đoàn là Rakesh Sharma cho hay Mỹ và các đồng minh tập trung đầu tư vào những thiết bị sonar tiên tiến, nhạy bén trong khả năng phát hiện tàu ngầm. Công nghệ này tích hợp nhiều phao âm, có thể được thả xuống biển từ máy bay và tàu chiến, cho phép nhận diện đối tượng vô cơ lẫn hữu cơ. Nhờ đó, chúng có thể phân biệt tàu ngầm, đá ngầm và cá voi, đây là điều các thiết bị sonar thế hệ cũ không làm được.

 
Lễ tiếp nhận chiếc tàu ngầm lớp Archer đầu tiên của Singapore - Ảnh: Kockums

Ngoài ra, các thiết bị sonar hiện đại còn có thể phát hiện sự thay đổi về nhiệt độ và độ mặn của nước biển để nhận diện những tàu ngầm đang nằm im phục kích đồng thời hoạt động tốt tại những vùng nước bị ô nhiễm như eo biển Malacca. Vì thế, chúng rất cần thiết tại những vùng biển “ồn ào” như khu vực châu Á - Thái Bình Dương, vốn thường xuyên có nhiều tàu qua lại.

Do công nghệ sonar mới được xem là “sát thủ” của các loại tàu ngầm di chuyển êm nên nhiều nước không tiếc tiền để nghiên cứu và sở hữu. Bloomberg dẫn lời Giám đốc Sharma cho biết: “Ngay cả khi nhiều quốc gia đang cắt giảm ngân sách quốc phòng thì thị trường sonar vẫn được mở rộng. Úc, Philippines, Singapore, Malaysia, cũng sẽ nối bước Mỹ đầu tư vào cuộc chiến chống tàu ngầm”. Ông cho biết thêm Ultra Electronics vừa cung cấp thiết bị sonar mới cho các tàu khu trục của Úc cũng như máy bay săn tàu ngầm Boeing P-8 Poseidon, sẽ được biên chế chính thức cho hải quân Mỹ vào năm 2013.

Ngoài ra, Bloomberg dẫn lời chuyên gia Simon Wezeman thuộc Viện Nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (Thụy Điển) nói Nhật Bản và Hàn Quốc cũng có nhiều kế hoạch tăng cường khả năng chống tàu ngầm. Tổng cộng, các quốc gia châu Á - Thái Bình Dương có kế hoạch mua thêm 100 máy bay tuần tra biển và 100 trực thăng hàng hải, phần lớn đều được trang bị công nghệ sonar thế hệ mới.

 
Máy bay săn tàu ngầm Boeing P-8 Poseidon - Ảnh: Navair.navy.mil 

Cuộc đua toàn diện

Việc các nước tăng cường các biện pháp chống tàu ngầm cũng dễ hiểu khi châu Á đang chứng kiến một cuộc đua tàu ngầm. Không chỉ chạy đua về lượng, các nước đang hướng đến những chủng loại tàu ngầm hoạt động cực êm. Theo tạp chí Asian Military Review, những lớp tàu ngầm như Kilo của Nga, Archer của Thụy Điển hay Scorpène do Pháp sản xuất đều nằm trong đơn đặt hàng của các nước.

Trung Quốc đang trỗi lên với nhiều tham vọng gia tăng sức mạnh hải quân. Thời gian qua, nhiều nguồn tin cho hay Bắc Kinh có kế hoạch bổ sung thêm 30 tàu ngầm để đạt tổng số 86 chiếc vào năm 2020.

Bên cạnh đó, tàu ngầm còn được cải tiến để có thể hoạt động nhiều giờ liền mà không cần nổi lên mặt nước, cho phép có thể nằm im phục kích lâu hơn. Theo Asian Military Review, cả Trung Quốc và Ấn Độ đều đang chạy đua phát triển các công nghệ gia tăng hiệu suất sử dụng năng lượng và cung cấp khí ô xy của tàu ngầm. Hai nước cũng đẩy mạnh bổ sung thêm tàu ngầm sử dụng năng lượng hạt nhân, có tầm hoạt động xa và mang nhiều vũ khí hạng nặng.

Ngô Minh Trí

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.