Cuộc sống lặng lẽ của người Triều Tiên tại Malaysia

19/02/2017 19:00 GMT+7

"Tôi thường thấy những người phụ nữ được đưa đến hoặc đi khỏi nhà hàng nhưng họ chẳng bao giờ đi qua đây hay nói chuyện với ai", chủ một tiệm sửa xe ở Kuala Lumpur (Malaysia) nói về những người CHDCND Triều Tiên.

Tọa lạc tại một khu dân cư buồn tẻ ở thủ đô Kuala Lumpur (Malaysia), nhà hàng Pyongyang Koryo gợi cho người ta một cái nhìn thoáng qua về đất nước CHDCND Triều Tiên. Theo AFP, đây là nhà hàng duy nhất của Bình Nhưỡng tại Malaysia và nó là đại diện rõ nét nhất cho cộng đồng khoảng 1.000 người Triều Tiên tại nước này. Một số người dân sống gần nhà hàng Pyongyang Koryo cho biết những cô gái trẻ làm việc tại nhà hàng này hiếm khi tiếp xúc với người ngoài.
Ông Jack Liew, chủ một cửa hàng sửa chữa xe hơi có cùng lối đi với nhà hàng này, nói: "Tôi thường thấy những người phụ nữ được đưa đến hoặc đi khỏi nhà hàng, nhưng họ chẳng bao giờ đi qua đây hay nói chuyện với ai".
Ông Liew cho hay thỉnh thoảng có nhìn vào bên trong sân nhà hàng nhưng chẳng có gì, trong khi những cánh cửa thì được dán kín. Một vài người dân khác thì nói có thấy các lao động Triều Tiên làm việc ở đây nhưng chẳng bao giờ nói chuyện.
Nhà hàng Pyongyang Koryo được cho là đóng cửa từ hôm có tin ông Kim Jong-nam, anh trai lãnh đạo CHDCND Triều Tiên Kim Jong-un, bị sát hại AFP
Cũng giống như những nhà hàng Triều Tiên ở các nước, tiếp viên của nhà hàng Pyongyang Koryo phục vụ cho thực khách đến đây với những bài hát, điệu nhảy trong trang phục truyền thống.
AFP cho biết từ hôm xuất hiện tin tức về cái chết của ông Kim Jong-nam, anh cùng cha khác mẹ với lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, nhà hàng Pyongyang Koryo cũng bị đóng cửa.
Một số nhà bình luận về Triều Tiên cho rằng những người Triều Tiên sống ở nước ngoài thường bị hạn chế tiếp cận với các phương tiện truyền thông cũng như những giao tiếp bên ngoài.
Ông Park Sokeel, giám đốc nghiên cứu và chiến lược thuộc tổ chức Nhân quyền Tự do cho Triều Tiên, nhận định nhiều khả năng những người Triều Tiên ở nước ngoài thường bị kiểm soát chặt chẽ và chỉ giao tiếp với nhau, không được phép rời khỏi nơi ở và làm việc.
Thậm chí, các gia đình Triều Tiên ở nước ngoài mỗi tháng phải đến đại sứ quán Triều Tiên ở nước sở tại để phỏng vấn và được thuyết giảng lại, theo ông Alex Hwang, người Hàn Quốc, chủ tịch Hội đồng cố vấn thống nhất quốc gia Hàn Quốc tại Malaysia.
Ông Hwang là chủ một nhà hàng sang trọng ở Kuala Lumpur, nơi giới doanh nhân và những người Triều Tiên nổi tiếng thường lui đến. Ông Kim Jong-nam cũng từng là thực khách tại đây.
Ngoài những người lao động, thợ mỏ ở các vùng xa xôi, cộng đồng người Triều Tiên tại Malaysia cũng có những người thuộc tầng lớp khá giả. "Hầu hết họ đều mang đồng hồ Rolex, đi xe đẹp, con cái họ được học ở những ngôi trường bình thường và được sắm cho những thiết bị tân thời nhất. Họ cũng giống như bất kỳ doanh nhân nào khác", ông Hwang nói.
AFP cho hay có đến 100.000 người Triều Tiên đang làm việc ở nước ngoài và họ được cho là mang về nguồn ngoại tệ đáng kể cho chính quyền Bình Nhưỡng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.