Dân Mỹ lại biểu tình sau vụ cảnh sát bắn chết người da màu bị tâm thần

29/09/2016 09:58 GMT+7

Người biểu tình giận dữ xuống đường vào ngày 28.9, phản đối vụ cảnh sát bắn chết một người đàn ông da màu được cho là bị bệnh tâm thần ở thành phố El Cajon, bang California (Mỹ).

Nạn nhân là một người tị nạn Uganda, ông Alfred Olango (30 tuổi) bị cảnh sát bắn chết vào ngày 27.9 tại thành phố El Cajon sau khi cảnh sát nhận được tin báo về một đối tượng có hành vi bất thường và đi bộ giữa đường, theo AFP.
Cảnh sát trưởng El Cajon, ông Jeff Davis cho biết cảnh sát đã yêu cầu Olango rút tay khỏi túi quần và giơ tay lên nhưng Olango phớt lờ yêu cầu, buộc một cảnh sát dùng súng điện và một cảnh sát khác nổ súng khi Olango chống cự.
“Đối tượng đã rút một vật ra khỏi túi quần và chĩa về phía cảnh sát, đứng với tư thế được cho là để chuẩn bị nổ súng, buộc cảnh sát phải chống trả”, ông Davis nói.
Sở cảnh sát El Cajon không xác định vật thể đó có phải là vũ khí hay không. Chị gái của Olango có mặt tại hiện trường đã báo cảnh sát là em trai bị tâm thần, nhưng cảnh sát vẫn nổ súng.
Vụ cảnh sát bắn chết Olango diễn ra lúc người dân Mỹ bất bình trước hàng loạt vụ cảnh sát bắn chết người da màu, kích ngòi làn sóng biểu tình rầm rộ khắp nước này.
Hàng chục người biểu tình vào ngày 28.9 trên một con đường ở thành phố El Cajon, nơi có nhiều người tị nạn và dân nhập cư, và chốt chặn tại một giao lộ khi đối đầu với cảnh sát chống bạo động.
“Những vụ giết người vô nghĩa này phải chấm dứt, không chỉ ở El Cajon mà là cả nước”, nhà hoạt động nhân quyền Estela De Los Rios tham gia cuộc biểu tình, nói.
Trước đó, vào đêm 27.9, trên 100 người biểu tình đã tập trung tại hiện trường vụ bắn chết Olango, khẳng định cảnh sát nổ súng là có động cơ phân biệt chủng tộc.
Cảnh sát kêu gọi người dân và người biểu tình bình tĩnh trong lúc tiến hành điều tra vụ việc, và hai cảnh sát đã bị đình chỉ công tác.
Trước đó, biểu tình dẫn đến bạo động và bất ổn ở thành phố Charlotte (bang Bắc Carolina) sau khi cảnh sát bắn chết người đàn ông da màu Keith Lamont Scott (43 tuổi), buộc thống đốc bang phải tuyên bố tình trạng khẩn cấp.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.