Đằng sau cuộc tập trận Nga - Trung ở Biển Đông

21/09/2016 10:05 GMT+7

Giới chuyên gia Trung Quốc và quốc tế có những nhận định khác nhau về quan hệ Nga - Trung khi hai nước kết thúc tập trận chung ở Biển Đông.

Ngày 20.9, Đài truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV) đưa tin hải quân Trung Quốc và Nga đã kiểm tra việc phối hợp thực hiện nhiều hoạt động mới trong cuộc tập trận chung vừa qua ở Biển Đông. Cuộc tập trận mang tên Joint Sea 2016 diễn ra ngoài khơi tỉnh Quảng Đông, kéo dài 8 ngày và kết thúc hôm 19.9.
Tham gia tập trận có tổng cộng 13 tàu nổi, 2 tàu ngầm, 11 máy bay, 10 trực thăng, một số thiết bị đổ bộ cùng 256 lính thủy đánh bộ. Trong đó, Trung Quốc điều 10 tàu, kể cả 2 tàu ngầm, và phần lớn thuộc Hạm đội Nam Hải.
Phối hợp chiến lược
Theo CCTV, hải quân hai bên tiến hành các bài tập bao gồm chống tàu ngầm cũng như đổ bộ chiếm đảo và bãi đá từ trên không lẫn trên biển. Giới chức Nga cho biết các tàu chiến đã nã pháo thật trên Biển Đông, trúng các mục tiêu mô phỏng là một tàu nổi và một tàu ngầm của đối phương giả định. Phó tư lệnh Hạm đội Nam Hải Chu Mãn Giang thì khoe lần đầu tiên hệ thống thông tin chỉ huy chung đã được áp dụng, giúp giải quyết vấn đề rào cản ngôn ngữ. Cuộc tập trận kết thúc bằng phần diễn tập chiếm đảo với sự tham gia của nhiều tàu chiến, trực thăng, thủy quân lục chiến và xe bọc thép đổ bộ.
Phát biểu tại lễ bế mạc hôm 19.9, Phó tư lệnh hải quân Trung Quốc Vương Hải nhấn mạnh Joint Sea 2016 “đã thành công và đạt được mục tiêu đề ra” và tuyên bố hai bên sẽ mở rộng hợp tác thực tế, tăng cường liên lạc.
Còn Phó tư lệnh hải quân Nga Alexander Fedotenkov nhấn mạnh Nga và Trung Quốc sẽ “duy trì hợp tác chặt chẽ trên biển, ứng phó những thách thức và mối đe dọa mới, cùng nhau bảo vệ hòa bình và ổn định khu vực”. Hải quân hai bên còn tuyên bố cuộc tập trận chung như trên sẽ diễn ra đều đặn, theo CCTV.
Trung Quốc tuần tra phi pháp Hoàng Sa
Tân Văn xã ngày 20.9 ngang nhiên khoe tàu Hải tuần 21 của Trung Quốc cùng 19 nhân viên thuộc Cục Hải sự Hải Nam đã khởi hành đến quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam, để bắt đầu cái gọi là “tuần tra chấp pháp” kéo dài 5 ngày. Cụ thể, tàu này sẽ tuần tra phi pháp vùng biển xung quanh Hoàng Sa và tuyến du lịch trái phép ra quần đảo này. Ngoài ra, các nhân viên Trung Quốc còn tự cho mình quyền “thị sát trật tự trên biển, thi công dưới mặt biển và xử lý những tình huống vi phạm giao thông trên biển...”.
Hành động mới của Trung Quốc rõ ràng vi phạm chủ quyền Việt Nam đối với Hoàng Sa.
Trung Quốc và Nga khẳng định cuộc tập trận chung lần này không nhằm vào bên thứ ba nào. Tuy nhiên, giới chuyên gia nước này đang ra sức cổ súy cho “sự phối hợp chiến lược” giữa hai nước.
Trong bài bình luận đăng trên Hoàn Cầu thời báo, Giáo sư La Anh Kiệt thuộc ĐH Quan hệ quốc tế (Trung Quốc) tuyên bố cuộc tập trận “cho thế giới thấy Nga đứng về phía Trung Quốc”.
Giáo sư Lý Hưng thuộc Đại học Sư phạm Bắc Kinh thì hung hăng nói: “Cuộc tập trận chung chứng minh Trung Quốc có khả năng lẫn quyết tâm bảo vệ những lợi ích cốt lõi và sẽ không bao giờ trao đổi chủ quyền với nước khác”. Hoàn Cầu thời báo dẫn lời ông Lý nhấn mạnh: “Cuộc tập trận chung cho thấy Trung Quốc và Nga có thể hợp tác và hỗ trợ lẫn nhau về những vấn đề liên quan đến lợi ích cốt lõi. Nga đang đối mặt trừng phạt kinh tế từ phương Tây và chỉ có Trung Quốc mới có thể giảm gánh nặng của Moscow. Trung Quốc thì bị Mỹ và Nhật kiềm chế ở Nam Hải và Đông Hải (cách Trung Quốc gọi Biển Đông và biển Hoa Đông - NV), và chỉ có Nga mới đủ mạnh để giảm bớt áp lực cho Bắc Kinh”.
“Tình một đêm”?
Trong khi đó, giới phân tích nước ngoài cho rằng quan hệ Nga - Trung khó có thể đạt được mức tốt đẹp như các chuyên gia Trung Quốc ca ngợi, vì vẫn còn thiếu lòng tin lẫn nhau và tồn tại những cơn sóng ngầm. Tờ Chosun Ilbo ngày 20.9 dẫn lời nhà nghiên cứu Ashley Townshend thuộc Đại học Sydney (Úc) nhận định: “Rất có khả năng Trung Quốc cố lôi kéo Nga đi chung đường với mình về vấn đề Biển Đông trong thời điểm này, nhưng điều đó không có nghĩa họ cùng chí hướng”.
Sự hợp tác khắng khít của Nga và Trung Quốc hiện nay được cho là xuất phát từ nhu cầu chiến lược cấp thời hơn là lâu dài khi cả hai nước đều đang căng thẳng với phương Tây. Tuy nhiên, giữa hai nước vẫn tồn tại cạnh tranh chiến lược tại khu vực Trung Á và châu Á - Thái Bình Dương. Moscow không nguôi lo ngại khi Bắc Kinh tăng cường hiện diện ở các quốc gia Trung Á thuộc Liên Xô trước đây cũng như khu vực Siberia.
Mặt khác, Nga cũng có quan hệ hợp tác thân thiết với nhiều đối tác quan trọng ở Đông Nam Á nên nước này vẫn rất thận trọng trong việc tỏ thái độ liên quan trực tiếp đến tranh chấp trên Biển Đông. Theo giới chuyên gia, đó là lý do khu vực tập trận vừa qua nằm ngoài khơi tỉnh Quảng Đông, không thuộc vùng tranh chấp và Nga chỉ huy động một số tàu chiến cũ từ thời Liên Xô tham gia tập trận, cũng như không mang đến tàu ngầm.
Mặt khác, tờ South China Morning Post dẫn lời nhà phân tích Antony Wong ở Macau chỉ ra rằng hệ thống thông tin chung mà hai bên sử dụng trong tập trận chỉ giới hạn cho việc trao đổi radar và dữ liệu sonar. “So sánh với hệ thống kết nối dữ liệu mà Mỹ chia sẻ với các đồng minh NATO, có thể thấy gần như không có sự tin tưởng giữa Trung Quốc và Nga”, ông Wong nhận định.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.