Điều tra viên Pháp tiết lộ: Mảnh vỡ ở đảo Reunion chưa chắc của MH370

31/08/2015 16:59 GMT+7

(TNO) Dù chính phủ Malaysia hồi đầu tháng 8 khẳng định mảnh vỡ máy bay tìm thấy ở đảo Reunion là của chiếc máy bay mất tích MH370, nhưng nhiều nguồn tin rò rỉ từ nhóm chuyên gia điều tra tại Pháp tiết lộ bộ phận này có khả năng không phải của chiếc máy bay xấu số.

(TNO) Mặc dù chính phủ Malaysia hồi đầu tháng 8 đã khẳng định mảnh vỡ máy bay tìm thấy ở đảo Reunion là của chiếc máy bay mất tích MH370, nhưng nhiều nguồn tin rò rỉ từ nhóm chuyên gia điều tra tại Pháp tiết lộ bộ phận này có khả năng không phải của chiếc máy bay xấu số.

Mảnh vỡ của bộ phận cánh liệng treo thuộc một chiếc máy bay Boeing 777 tìm thấy ở bờ biển đảo Reunion vào cuối tháng 7. Malaysia sau đó khẳng định đây là mảnh vỡ của chiếc máy bay mất tích MH370, trong khi phía Pháp vẫn chưa đưa ra kết luận chính thức - Ảnh: Reuters

Hãng tin CNN ngày 29.8 dẫn lời một nguồn tin giấu tên người Pháp có tham gia trong cuộc khám nghiệm mảnh vỡ máy bay phát hiện ở Reunion tiết lộ các chuyên gia vẫn chưa dám chắc rằng mảnh vỡ này thuộc chiếc Boeing 777 chở theo 239 người của hãng hàng không Malaysia Airlines.

Các điều tra viên Pháp khẳng định bộ phận cánh liệng treo được phát hiện tại đảo Reunion là của một chiếc Boeing 777, nhưng họ cũng cho biết vẫn cần phải xác minh con số nằm bên trong mảnh vỡ thuộc phần cánh máy bay này, nguồn tin của CNN cho hay.

Trước đó, ngày 6.8, Thủ tướng Malaysia Najib Razak thông báo mảnh vỡ máy bay được tìm thấy ở Reunion, lãnh thổ hải ngoại thuộc Pháp ở Ấn Độ Dương, chính là một phần của bộ phận cánh liệng treo thuộc chiếc Boeing 777, chuyến bay số hiệu MH370, mất tích ngày 8.3.2014. Mảnh vỡ này được một lao công quét dọn bờ biển phát hiện vào ngày 29.7.

Trong khi đó, các công tố viên tại Pháp, nơi đang giám định mảnh vỡ, chỉ nói “có khả năng rất cao” và hiện vẫn chưa đưa ra xác nhận chính thức về mảnh vỡ này.

Mảnh vỡ tìm thấy ở đảo Reunion đã được gửi sang thành phố Toulouse (Pháp) để các chuyên gia điều tra tai nạn hàng không Pháp xem xét - Ảnh: Reuters

Tuần san New York Magazine (Mỹ) cuối tuần trước trích bản tin tiếng Pháp đăng ngày 21.8 của trang tin La Dépêche (Pháp) dẫn tiết lộ từ nguồn tin bên trong nhóm chuyên gia điều tra cho hay các cuộc giám định về mặt kỹ thuật bộ phận cánh liệng treo đã kết thúc mà không tìm ra manh mối nào cho thấy nó có liên quan đến MH370.

Vài ngày sau, tờ Le Monde (Pháp) cho biết: “Quá trình bảo trì mà Malaysia Airlines cho biết họ từng thực hiện trên bộ phận cánh liệng treo (của chiếc MH370) không trùng khớp với những gì được giám định trên mảnh vỡ (được tìm thấy ở Reunion)”.

New York Magazine bình luận các bộ phận của máy bay được lắp đặt với độ chính xác cao và bất kỳ thay đổi nào cũng đều được nhân viên bảo trì ghi chép lại tỉ mỉ. Nếu một bộ phận nào đó có 4 lỗ thay vì 5, thì nó “không chỉ không hoàn toàn trùng khớp”, mà là chẳng khớp chút nào, tuần san lâu đời này của Mỹ nhận định.

New York Magazine còn cho hay việc làm thế nào bộ phận cánh liệng treo của máy bay Boeing 777 trôi dạt đến Reunion lại là một vấn đề khác.

Bản tin của La Dépêche đưa ra lý giải: “Một chuyên gia hàng không giấu tên tại Toulouse (nơi diễn ra việc giám định mảnh vỡ ở đảo Reunion) cho biết bộ phận cánh máy bay nói trên sẽ không nổi trên mặt nước trong vài tháng, mà có lẽ sẽ lơ lửng khoảng vài m dưới mặt nước”.

New York Magazine cho biết không rõ chuyên gia này dựa vào đâu để đưa ra kết luận trên, nhưng có một manh mối củng cố điều này, đó là việc bộ phận cánh liệng treo tìm thấy ở Reunion phủ đầy những con hàu.

Loài vật này thuộc một loại giáp xác chuyên bám vào các vật thể trôi dạt trên biển và chúng chỉ bám vào đúng một vị trí trong suốt thời gian trưởng thành, theo tạp chí Mỹ. Do các con hàu này chỉ có thể sống sót dưới nước, nên việc chúng bám khắp góc cạnh của mảnh vỡ máy bay tìm thấy ở Reunion cho thấy bộ phận này ắt hẳn đã phải chìm dưới nước ít nhất vài tháng.

Mảnh vỡ máy bay tìm thấy ở đảo Reunion bám đầy hàu - Ảnh: Reuters

“Điều này làm dấy lên một bí ẩn. Một chiếc tàu ngầm hoặc một thợ lặn có thể dễ dàng nằm lững lờ đâu đó ở độ sâu từ 3 đến 6 m dưới mặt nước, nhưng rất khó có chuyện các vật thể vô tri vô giác có thể nằm lơ lửng như thế. Hoặc chúng nổi, nếu chúng nhẹ hơn nước, hoặc chúng sẽ chìm nếu nặng hơn”, New York Magazine phân tích.

Tuần san Mỹ dẫn lời giáo sư Curtis Ebbesmeyer  trường Đại học Washington, một chuyên gia nổi tiếng chuyên nghiên cứu hướng trôi dạt trên đại dương, cho rằng: “Dựa theo kinh nghiệm của mình, tôi cho rằng đồ vật sẽ nổi lên hoặc chìm xuống. Chúng sẽ chẳng bao giờ ở yên một chỗ (giữa lưng chừng đại dương)”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.