Dựng lại Nhà thờ Đức Bà Paris của thế kỷ 21

18/04/2019 21:30 GMT+7

“Đây sẽ là công trình thế kỷ và chúng ta sẽ là những người xây dựng Nhà thờ Đức Bà Paris của thế kỷ 21”, bà Valérie Pécresse, Chủ tịch Hội đồng vùng Ile-de-France, nói.

Đám cháy trong 9 tiếng đồng hồ đã thiêu rụi 8 thế kỷ chất chứa lịch sử tôn giáo, văn hóa và kiến trúc. Một hệ vì kèo, giá đỡ của thánh đường đã sụp đổ. Trước đó, người ta quen gọi hệ vì kèo này là “khu rừng”, vì người ta đã đốn 12 ha rừng để tạo ra nó. Chóp tháp do Victor Hugo “gián tiếp” tạo dựng cũng đã ngã rục trong vụ cháy.
Cho đến khi tác phẩm Nhà thờ Đức bà Paris (Victor Hugo) ra đời, Nhà thờ lớn này đã thoát khỏi cái bóng tôn giáo đè nặng để được công chúng coi như một biểu tượng văn hóa lịch sử kiến trúc. Trong chương sách Đức Bà của tác phẩm này, ông viết về vẻ đẹp của nó cùng sự thờ ơ và lãng quên của người đời trước kiệt tác kiến trúc và nghệ thuật của thời Trung cổ này: “Đẹp đến vậy mà tàn lụi cùng thời gian, thật khó để mà không thở than trước sự xuống cấp và hủy hoại của thời gian và con người lên công trình đáng kính này… Nhà thờ rất có thể sẽ biến mất khỏi trái đất”.
Không ngờ tiếng kêu cứu ấy của đại văn hào đã cứu sống nhà thờ. Dư luận bùng lên sau khi cuốn sách ra đời. Chính phủ quyết định tổ chức thi chọn kiến trúc sư để trùng tu nhà thờ vào năm 1844. Chóp tháp bị thiêu rụi trong vụ cháy vừa qua chính được dựng nên vào giai đoạn này.

Cùng nhau xây lại

Ngay trong buổi sáng sau đám cháy, người dân đã diễn tả tình cảm bằng nhiều cách: hoa, âm nhạc, im lặng tưởng niệm quanh nhà thờ. Sơ Cécile đã phát biểu trên kênh truyền hình LCI: “Đức tin không chỉ nằm ở những công trình vật chất, nó nằm trong trái tim và niềm tin… Tôi bàng hoàng nhưng cũng cảm thấy thanh thản và nhiều hy vọng vì mọi người, người Pháp và ngoại quốc, đồng lòng mong muốn tái dựng lại công trình mang nhiều biểu tượng này”.
[VIDEO] Tổng thống Macron muốn xây lại nhà thờ Đức Bà Paris "đẹp hơn" trong 5 năm
Tổng thống Macron cũng triệu tập họp nội các khẩn cấp để lập kế hoạch tái kiến thiết. Bộ trưởng Bộ Văn hóa Franck Riester cho biết Chính phủ sẽ giảm thuế 80% cho đóng góp tài chính từ doanh nghiệp, Quỹ Di sản Pháp cũng nhận quyên góp qua đường dây nóng, hiện lượng truy cập website của quỹ tăng gấp 5 lần so với ngày thường.
Nhiều cá nhân vô danh, doanh nghiệp, cơ quan nhà nước và quốc tế đã chung tay quyên góp phục dựng nhà thờ. Trong đó, có thể kể đến Nghị viện châu Âu, Chính phủ Nhật, hãng Apple, vua Krindjabo của Côte d'Ivoire, các gia đình tỉ phú Pháp Pinault và Arnault… Kênh truyền hình France 2 sẽ tổ chức buổi hòa nhạc ngoài trời gần Nhà thờ vào tối thứ 7, ngày 20.4, để quyên góp tiền.
[VIDEO] Tái thiết nhà thờ Đức Bà Paris: Phục dựng chóp nhọn - hay đổi mới?
Về hình dung của công trình sẽ được tái thiết, cũng đã có tranh luận công khai qua bàn tròn nóng trên các kênh truyền hình France 2, LCI, BFM TV, TF1, France 24. Những người tham gia bàn tròn là chuyên gia, sử gia, đại diện Giáo hội, các tổ chức hội đoàn... Những câu hỏi đầu tiên được đặt ra là sẽ phục dựng hay làm mới, nên xây lại hệt như cũ hay đưa chất liệu mới vào, gỗ để làm lại vì kèo sẽ lấy từ đâu, liệu có thể làm xà bằng bê tông như Nhà thờ lớn ở Reims được không.
Cựu Bộ trưởng văn hóa Jack Lang lại nêu vấn đề nước Pháp liệu còn đủ nghệ nhân và các công ty chuyên về xây dựng công trình di sản. Trong khi đó, Đức Giám mục Patrick Chauvet cho rằng, chóp tháp vừa đổ gục là công trình của thế kỷ 19, và chúng ta phải chấp nhận một trang sử mới cho Đức Bà. Bà Valérie Pécresse, Chủ tịch Hội đồng vùng Ile-de-France, lại cho rằng: “Đây sẽ là công trình thế kỷ và chúng ta sẽ là những người xây dựng”.
[VIDEO] Điều gì bạn nên biết về nhà thờ Đức Bà Paris?
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.