Gà thú vị hơn ta tưởng

28/01/2017 07:00 GMT+7

Thế giới ngày càng chật chội với hơn 7 tỉ người, cộng thêm chừng 19 tỉ... con gà. Đó là loài vật nhảy vô chảo nhiều nhất để làm căng dạ dày con người. Nhưng trước khi lên chảo, gà làm được khối chuyện thú vị.

Gà để đá, không để lên thớt
Gà là một trong những loài động vật được thuần chủng đầu tiên. Các nhà khảo cổ học phát hiện một giống gà ở Đông Nam Á đã được con người bắt về nhà nuôi, nhưng không để lấy thịt mà là để... chơi đá gà. Trang web Smithsonian dẫn thông tin từ giới khảo cổ học cho rằng chuyện này xảy ra từ ít nhất 7.000 năm trước đây.
Dần dà, con người phát hiện trứng gà rất ngon, thịt gà rất tuyệt; nhưng phải đợi đến khi các kỹ thuật chăn nuôi phát triển, gà mới được phổ biến là một nguồn thịt giá trị khắp hành tinh.
Tới phiên loài người "đá nhau" vì gà
Trong lúc chiến tranh lạnh đang nóng bỏng, ngành công nghiệp gia cầm ở Mỹ phát triển vũ bão, khiến thịt gà từ chỗ rất đắt đã giảm giá đáng kể. Thịt gà Mỹ giá rẻ mau chóng vượt biên ra nước ngoài, đánh gục gà nội địa ở nhiều nước. Mà gà Mỹ vừa béo và to. Nông dân nước ngoài lại càng không ưa!
Thịt gà rất ngon - phát hiện đó của con người đã khiến gà trở thành loài bị lên thớt nhiều nhất để phục vụ cho bao tử con người Shutterstock
Những lời đồn đoán như nông dân Mỹ bơm hóa chất, những loại đáng sợ cỡ như thạch tín để làm... nở gà bắt đầu xuất hiện khắp nơi. Hàng loạt nước châu Âu tìm cách đẩy lui gà Mỹ bằng cách áp thuế suất cao ngất ngưởng. Người Mỹ bực bội. Một thượng nghị sĩ Mỹ từng có lần cắt ngang một hội nghị quốc tế về hạt nhân chỉ để than phiền về thuế gà. Vẫn không ăn thua! Mỹ trả đũa bằng cách dựng hàng rào thuế quan thật cao đối với xe tải nhẹ nhập từ châu Âu. Điều này dẫn tới đủ mưu mẹo trên thương trường, chẳng hạn như hãng Ford gắn thêm cửa sổ và ghế cho những xe tải nhẹ nhập từ Thổ Nhĩ Kỳ để "phù phép" thành xe chở khách. Đến khi chúng đã vào Mỹ với lộ phí bình an thì cửa và ghế được tháo ra, xe chở khách lộ lại nguyên hình là xe tải.
Đáng sợ như gà KFC
Khi chuỗi nhà hàng Kentucky Fried Chicken (gà rán Kentucky) đổi tên thành KFC, thiên hạ đồn rằng chính phủ Mỹ đã buộc Kentucky Fried Chicken làm điều này sau khi phát hiện món ăn ở đây không phải là thịt gà thật sự, vì thế không thể trơ tráo để cái tên gà rán to đùng trên bảng hiệu như thế. Thiên hạ dẫn một cuộc nghiên cứu khoa học hẳn hoi, bảo rằng của Đại học New Hampshire cho thấy nguyên liệu tại đây không phải là gà thật mà từ "một loài sinh vật biến đổi gien" không mỏ, không lông, không chân, xương thì bị "bóp" lại còn có tí tẹo để dành chỗ cho thịt tối đa, chất dinh dưỡng và máu được bơm vào cơ thể chúng (?).
KFC đã bành trướng khắp hành tinh Shutterstock
May cho các tín đồ gà rán, tất cả đều là tin vịt, Đại học New Hampshire sau đó đăng một bài to đùng khẳng định không hề có cuộc nghiên cứu nào như thế. KFC cứ thế tiếp tục sinh sôi nảy nở như nấm, không những khắp nước Mỹ mà là khắp hành tinh.
Gà ra chiến trường
Đó là chiến trường thật sự, không phải cuộc chiến trên thương trường. Lũ ò ó o từng đi tiền trạm để do thám về sự an toàn trước khi lính Mỹ đổ vào Iraq trong cuộc chiến hồi năm 2003. Số là người Mỹ rất lo sợ Iraq sẽ tung vũ khí hóa học ra để "đón" lính Mỹ nên đã lên kế hoạch cho lũ gà vào "hàng tiền đạo" trên chiến trường. Sở dĩ gà được tin tưởng giao nhiệm vụ do thám là vì hệ hô hấp của chúng rất kém, sẽ ngã lăn ra đầu tiên khi bị tấn công bằng vũ khí hóa học. Trong trường hợp đó, lính Mỹ sẽ lập tức vịn đến các phương tiện bảo hộ chống hóa chất.
Kế hoạch là như thế nhưng nó đã bị hủy bỏ sau khi 41 trong số 43 con gà thí điểm được đưa tới Iraq trước khi lính Mỹ đổ bộ vào nước này đã ngã lăn ra chết, dẫu chẳng có cuộc tấn công hóa chất nào.
Hệ hô hấp của gà rất kém Shutterstock
Máy bắt gà
Bắt gà là một trong những công việc nặng nhọc nhất trong ngành công nghiệp gia cầm, khiến cho người lao động bị đau lưng kinh khủng vì suốt ngày phải cúi cúi khom khom, chưa kể phải làm việc trong môi trường dơ bẩn, hôi thối. Thế là máy bắt gà được sáng chế ra, lùa từng con gà vào lồng để đem đi giết mổ với tốc độ nhanh khủng khiếp, lại không làm đau chân hay đau cánh lũ gà vì máy không bắt chân hay chụp cánh mà quét chúng vào lồng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.