Giáo hoàng Francis - Tấm gương khiêm nhường

14/03/2013 16:10 GMT+7

(TNO) Giáo hoàng Francis là người châu Mỹ Latin đầu tiên và cũng là tu sĩ dòng Tên đầu tiên được bầu vào vị trí lãnh đạo Giáo hội Công giáo.

(TNO) Giáo hoàng Francis là người châu Mỹ Latin đầu tiên và cũng là tu sĩ dòng Tên đầu tiên được bầu vào vị trí lãnh đạo Giáo hội Công giáo.

Tờ New York Times (Mỹ) nhận định việc bầu chọn Hồng y Jorge Mario Bergoglio, 76 tuối, làm giáo hoàng thứ 266 thể hiện quyết tâm mang tính lịch sử của các hồng y, đó là cải tạo Giáo hội Công giáo trước nhiều áp lực hiện tại.

Giáo hoàng Francis cũng được kỳ vọng sẽ mang lại sự cởi mở mạnh mẽ hơn cho Giáo hội Công giáo, vốn đang gặp nhiều tai tiếng.

Giáo hoàng Francis – Tấm gương khiêm nhường nhưng có quá khứ phức tạp
Giáo hoàng Francis là tu sĩ dòng Tên đầu tiên ngồi ghế Giáo hoàng - Ảnh: AFP

Nổi tiếng cần kiệm

Giáo hoàng Francis được sinh ra trong một gia đình nhập cư gốc Ý tại thủ đô Buenos Aires (Argentina), nổi tiếng là một người khiêm nhường, luôn lên tiếng vì người nghèo và có một cuộc sống cần kiệm.

Tân Giáo hoàng, người được cho là đã bay đến Rome để dự Mật nghị Hồng y bằng vé hạng du lịch rẻ tiền, đã kêu gọi người dân Argentina hãy tặng tiền cho người nghèo, thay vì bay đến Rome để chúc mừng ông.

New York Times dẫn lời linh mục Federico Lombardi, phát ngôn viên của Vatican, cho biết Giáo hoàng Francis đã gọi điện thoại cho Giáo hoàng tiền nhiệm Benedict ngay sau khi được bầu chọn.

Linh mục Lombardi gọi đây là “một hành động vĩ đại” khi mà việc đầu tiên của tân Giáo hoàng làm là gửi lời cầu nguyện đến Giáo hoàng tiền nhiệm.

Một phát ngôn viên khác của Vatican, linh mục Thomas Rosica, thuật lại cuộc gặp gỡ với Giáo hoàng Francis tại Ngày Thanh niên Thế giới (World Youth Day, một sự kiện do Giáo hội Công giáo tổ chức - PV) ở Canada cách đây 10 năm. Khi đó, vị Tổng giám mục Buenos Aires cho biết ông đã bán căn biệt thự dành riêng cho tổng giám mục để về sống tại một căn hộ giản dị.

Giáo hoàng Francis cũng được cho là tự nấu ăn và thường đi lại bằng xe buýt, thay vì xe hơi công vụ.

Tổng thống Mỹ Barack Obama là một trong những lãnh đạo thế giới đầu tiên gửi lời chúc mừng tân Giáo hoàng.

“Với tư cách là nhà vô địch của người nghèo và những người yếu đuối, ông ấy truyền bá thông điệp của lòng yêu thương và cảm thông cho thế giới này”, Tổng thống Obama phát biểu từ Nhà Trắng.

Một người theo chủ nghĩa bảo thủ

Là một người theo chủ nghĩa bảo thủ, Giáo hoàng Francis chia sẻ phần lớn quan điểm mang tính truyền thống của Giáo hoàng tiền nhiệm, chẳng hạn như phản đối thần học theo chủ nghĩa tự do, phá thai, hôn nhân đồng tính và việc tấn phong phụ nữ.

Trong thời gian làm Tổng giám mục Buenos Aires (từ năm 1998) và kể từ sau khi được phong làm Hồng y hồi năm 2001, ông thường xuyên có mâu thuẫn với chính quyền Argentina về các vấn đề xã hội.

Vào năm 2010, ông đã chỉ trích việc chính phủ nước này ban hành một đạo luật hợp pháp hóa hôn nhân đồng tính, miêu tả động thái này như là một “cuộc chiến chống lại Chúa trời”.

Tuy nhiên, Giáo hoàng Francis cũng bị cho là "đã thụ động" trong việc thúc giục Giáo hội Argentina xem xét cách hành xử của tổ chức này trong những năm 1970, vốn là thời kỳ các phe phái chính trị ở Argentina đang xung đột dữ dội.

Giai đoạn này được biết đến với tên gọi "Chiến tranh bẩn thỉu", đã khiến 30.000 người mất tích, bị tra tấn và giết hại bởi chế độ độc tài quân sự Argentina (nắm quyền điều hành đất nước vào tháng 3.1976).

Trong một cuộc phỏng vấn với một tờ báo Argentina hồi năm 2010, Giáo hoàng Francis, khi đó là Hồng y Bergoglio, đã lên tiếng bào chữa cho vai trò của mình trong giai đoạn lịch sử nói trên.

Ông cho biết mình đã giúp che giấu những người bất đồng chính kiến bị chế độ độc tài quân sự truy bắt, đồng thời cũng đã giúp nhiều người khác rời khỏi Argentina, đồng thời kêu gọi chính phủ thời ấy phóng thích người dân.

Kỳ vọng dành cho tân giáo hoàng

Giáo hoàng Francis sẽ phải giải quyết nhiều vấn đề tồn đọng từ thời Giáo hoàng Benedict XVI, bao gồm vấn đề liên quan đến việc điều hành Ngân hàng Vatican, vốn đang trong quá trình cải tổ để đạt được các tiêu chuẩn minh bạch quốc tế (nếu không muốn bị tách khỏi hệ thống ngân hàng thế giới).

Trong số những quyết định cuối cùng của mình, Giáo hoàng thoái vị Benedict đã chỉ định nhà quý tộc người Đức, Ernst von Freyberg, vào chức Chủ tịch Ngân hàng Vatican.

Giáo hoàng Francis cũng được kỳ vọng sẽ giúp Tòa thánh Vatican tăng tính hiệu quả của hệ thống quản lý hành chính, vốn được cho là nơi thường xuyên xảy ra xung đột nội bộ giữa các quan chức gốc Ý.

Nhiều người Công giáo hy vọng Giáo hoàng mới sẽ trao cho các hội nghị giám mục địa phương nhiều quyền lực hơn để giúp giải quyết các yêu cầu của giáo dân.

Được biết, trước khi Mật nghị diễn ra, các hồng y đã nói rằng họ muốn chọn ra “một Giáo hoàng có khả năng thấu hiểu các vấn đề hiện tại của Giáo hội và đủ mạnh mẽ để giải quyết các vấn đề này".

Hoàng Uy

>> Đã bầu được tân giáo hoàng
>> Vatican tiết lộ công thức tạo khói báo hiệu tân giáo hoàng
>> Mật nghị chọn giáo hoàng bắt đầu
>> Các ứng viên triển vọng cho ngôi Giáo hoàng
>> Thách thức cho tân giáo hoàng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.