Hội tụ lợi ích Việt Nam và Mỹ

30/10/2020 09:00 GMT+7

Đó là nhận xét mà các chuyên gia quốc tế đưa ra khi trả lời phỏng vấn Thanh Niên về chuyến thăm của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đến Việt Nam theo kế hoạch từ ngày 29 - 30.10.

Khuya hôm qua (29.10), thông qua tài khoản mạng xã hội Twitter, Ngoại trưởng Mike Pompeo thông báo vừa đến Hà Nội, trong khuôn khổ chuyến thăm Việt Nam nhân kỷ niệm 25 năm quan hệ ngoại giao Việt - Mỹ.
Ông chia sẻ chương trình làm việc dự kiến có cuộc hội kiến với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và làm việc với Ủy viên Bộ Chính trị, Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh.

Diễn biến rất tốt

Cùng ngày 29.10, trả lời Thanh Niên, TS John Hamre (Chủ tịch Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) - cựu Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ) nhận định chuyến thăm là một diễn biến rất tốt, phản ánh mối quan hệ ngày càng phát triển giữa Việt Nam và Mỹ.

Về lâu dài, cộng đồng chuyên về chính sách đối ngoại và an ninh của Mỹ tin rằng Việt Nam là đối tác quan trọng để tăng cường quan hệ kinh tế và ngoại giao. Báo chí phổ thông ở Mỹ không bàn nhiều về Việt Nam. Nhưng giới chuyên gia chính sách đối ngoại nhận thấy rất rõ hai nước đang xây dựng mối quan hệ bền chặt hơn và quan trọng hơn

TS John Hamre

“Cá nhân tôi chưa nắm chi tiết chương trình nghị sự của ông Pompeo trong chuyến thăm này. Nhưng tôi khẳng định rằng những gì chúng ta nên làm là hai nước tiếp tục xây dựng mối quan hệ bền chặt hơn, đặc biệt là kinh tế, đồng thời cần bao hàm cả hợp tác về quốc phòng”, TS Hamre bình luận.
Tương tự, TS Raji Rajagopalan (chuyên gia tại Quỹ nghiên cứu quan sát (ORF) ở Ấn Độ) phân tích: “Chuyến thăm của ông Pompeo đến Việt Nam mang ý nghĩa quan trọng vì các lý do sau. Thứ nhất, phản ánh rõ mối quan hệ Việt - Mỹ ngày càng tăng trước các thách thức chung trong khu vực. Thứ hai, đây cũng là dấu hiệu cho thấy Ấn Độ và Mỹ muốn cùng hội tụ các đối tác chiến lược ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (Indo-Pacific), bởi cả Ấn Độ lẫn Mỹ đều coi trọng quan hệ đối tác với Việt Nam. Thứ ba, Việt Nam đang là Chủ tịch ASEAN nên đây cũng là lý do quan trọng, đồng thời Mỹ cũng coi trọng vai trò tiên phong của nước này ở Indo-Pacific”.

Trụ cột trong Indo-Pacific

Mới đây, ông Yoshihide Suga cũng chọn Việt Nam là điểm đến công du đầu tiên trong cương vị thủ tướng Nhật. Và giờ Việt Nam cũng là điểm đến của ông Pompeo.
TS Rajagopalan đánh giá rằng cả 2 chuyến thăm của Thủ tướng Nhật Suga và Ngoại trưởng Mỹ Pompeo sẽ góp phần nhấn mạnh tầm quan trọng của Việt Nam trong một trụ cột vững chắc cho khuôn khổ chiến lược Indo-Pacific. “Cả Nhật lẫn Mỹ đều đánh giá cao vai trò của Việt Nam trong ASEAN và trong nhóm Indo-Pacific rộng hơn. Hai chuyến thăm cũng hàm chứa thông điệp gửi đến khu vực là Mỹ, Nhật cùng các đối tác lớn trong Indo-Pacific sẽ sát cánh cùng Việt Nam”, TS Rajagopalan nói.
Nhận định về điều này, TS Hamre chia sẻ: “Cá nhân tôi biết Thủ tướng Suga là một người rất chu đáo và nghiêm túc. Nên tôi nghĩ dưới thời ông, Nhật Bản muốn xây dựng một mối quan hệ song phương mạnh mẽ hơn với Việt Nam, đặc biệt là vấn đề kinh tế. Việt Nam đã hoạt động rất tốt để thể hiện là một đối tác đáng tin cậy của chuỗi cung ứng toàn cầu. Và tôi nghĩ Thủ tướng Suga muốn tăng cường quan hệ kinh tế giữa doanh nghiệp 2 nước. Tôi nghĩ rằng những diễn biến vừa qua là rất tốt cho các bên”.
Cũng trả lời Thanh Niên, PGS Stephen Robert Nagy (Đại học Cơ Đốc giáo quốc tế - Nhật Bản; học giả tại Quỹ châu Á - Thái Bình Dương ở Canada) phân tích trong thời gian ngắn, cả tân Thủ tướng Nhật Yoshihide Suga và Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đều thăm Việt Nam báo hiệu tầm quan trọng ngày càng sâu sắc của Việt Nam trong các ưu tiên chính sách đối ngoại của Tokyo và Washington.
Mỹ muốn tăng cường quan hệ song phương với Việt Nam để gửi tín hiệu mạnh mẽ rằng Washington giữ vững cam kết với khu vực, đồng thời còn mang ý nghĩa dù đang phải đối phó với dịch bệnh Covid-19 thì Mỹ vẫn có thể thúc đẩy các lợi ích của nước này ở Indo-Pacific”, PGS Nagy nhận định.
Ông Nagy đánh giá thêm: “Còn Thủ tướng Nhật Suga thì nhìn thấy Việt Nam và khu vực qua lăng kính kinh tế. Nhật muốn làm sâu sắc hơn quan hệ kinh tế với Việt Nam và các nước Đông Nam Á để hội nhập lâu dài với khu vực, nhằm tăng cường sức mạnh chung trước các tham vọng cưỡng ép bằng kinh tế. Bên cạnh đó, Nhật Bản sẽ tiếp tục theo đuổi chính sách này bằng cách đa dạng hóa chuỗi cung ứng toàn cầu trong khu vực, tăng cường tham gia phát triển cơ sở hạ tầng và kinh tế, cũng như hỗ trợ các đối tác nâng cao năng lực hàng hải để giám sát, tuần tra bờ biển hiệu quả”.
Phân tích thêm về vai trò của Việt Nam gần đây cũng như quan hệ giữa Việt Nam với Mỹ, TS Hamre khẳng định: “Về lâu dài, cộng đồng chuyên về chính sách đối ngoại và an ninh của Mỹ tin rằng Việt Nam là đối tác quan trọng để tăng cường quan hệ kinh tế và ngoại giao. Báo chí phổ thông ở Mỹ không bàn nhiều về Việt Nam. Nhưng giới chuyên gia chính sách đối ngoại nhận thấy rất rõ hai nước đang xây dựng mối quan hệ bền chặt hơn và quan trọng hơn”.
Với khu vực, TS Rajagopalan nhận định: “Việt Nam đang là đối tác quan trọng của nhiều nước ở Indo-Pacific. Các chuyến thăm cấp cao gần đây cho thấy sự hội tụ về lợi ích ngày càng tăng giữa Việt Nam và một số đối tác lớn ở Indo-Pacific. Việt Nam đã hành xử tôn trọng trật tự dựa trên luật pháp quốc tế và điều đó sẽ tiếp tục đưa Việt Nam trở thành đối tác quan trọng hơn nữa”.

Hợp tác Mỹ - Ấn ngày càng khắng khít

Ảnh: ORF

 
Trong chương trình công du châu Á lần này, Ngoại trưởng Mike Pompeo đã đến Ấn Độ đầu tiên và cùng Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper tham dự Đối thoại chiến lược 2+2 với hai đồng cấp chủ nhà là Ngoại trưởng Subrahmanyam Jaishankar và Bộ trưởng Rajnath Singh. Hai bên đã ký nhiều thỏa thuận quân sự quan trọng.
Xung quanh sự kiện này, Thanh Niên đã phỏng vấn TS Dhruva Jaishankar (ảnh - Giám đốc sáng kiến Mỹ - Quỹ nghiên cứu quan sát, Ấn Độ).
Ông đánh giá thế nào về quan hệ Ấn Độ - Mỹ thời gian qua?
Mối quan hệ 2 nước đã phát triển mạnh mẽ hơn trong 20 năm qua dù dưới thời lãnh đạo nào của cả 2 nước. Gần đây, hợp tác an ninh giữa hai bên cũng ngày càng khắng khít hơn, đặt New Delhi ngang bằng với các đồng minh khác của Washington.
Mối quan hệ đó có tác động thế nào đến khu vực Indo-Pacific?
Mối quan hệ này giúp xây dựng niềm tin để các nước cùng tham gia hợp tác nhằm đảm bảo một Indo-Pacific rộng mở càng tốt. Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản và Úc đã thể hiện định hướng này, đồng thời cũng rất hoan nghênh các quốc gia khác, bao gồm các thành viên ASEAN, tham gia tích cực hơn vào định hướng này.
Ấn Độ sẽ đóng vai trò như thế nào ở Indo-Pacific và đóng góp thế nào cho an ninh khu vực, điển hình là vấn đề Biển Đông?
Các nhà lãnh đạo ở Ấn Độ hiểu rõ tầm quan trọng của Biển Đông với thương mại hàng hải. Các tàu chiến Ấn Độ đều di chuyển qua Biển Đông từ 1 - 2 lần mỗi năm. Tuy nhiên, để Ấn Độ đóng góp vai trò tích cực hơn thì các quốc gia ASEAN cũng cần lên tiếng mạnh mẽ hơn các hành vi gây rối của Trung Quốc ở vùng biển này.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.