Kết bạn cùng đối thủ

17/02/2012 03:07 GMT+7

Chuyến thăm CH Síp của Thủ tướng Israel Benjanmin Netanyahu không chỉ là sự kiện lịch sử trong quan hệ song phương mà còn là hệ quả từ làn sóng chính biến ở Bắc Phi và Trung Đông.

Làn sóng ấy chưa lây lan sang Israel nhưng tác động rất mạnh mẽ và sâu sắc tới nước này, đẩy Tel Aviv vào thế ngày càng bị cô lập ở khu vực. Đáng kể nhất là sự trỗi dậy rõ rệt của các lực lượng Hồi giáo, hòa giải giữa Hamas và Fatah ở Palestine, Iran xúc tiến chương trình hạt nhân và đặc biệt là sự đi xuống nghiêm trọng của quan hệ Israel - Thổ Nhĩ Kỳ. Israel không có sự lựa chọn nào khác ngoài tiếp tục dựa vào Mỹ và EU, tăng cường tìm kiếm đồng minh và đối tác mới ở khu vực xung quanh, ở châu Phi và Địa Trung Hải. Kết bạn cùng đối thủ trở thành phương châm hành động và bản chất cốt lõi trong sự điều chỉnh chính sách của nước này.

Ông Netanyahu là lãnh đạo đầu tiên của Israel tới thăm CH Síp. Đúng là nước này có nguồn tài nguyên khí đốt dồi dào trong khi đảm bảo an ninh năng lượng là một trong những nhu cầu quan trọng của Israel. Nhưng điều mấu chốt dẫn đến chuyến thăm lịch sử này là cả 2 nước giờ có đối thủ chung: Thổ Nhĩ Kỳ. Thổ Nhĩ Kỳ đã đóng vai trò rất quyết định trong việc đảo Síp bị chia cắt vào năm 1974 và quan hệ với CH Síp thời gian qua cũng căng thẳng hơn trước.

CH Síp không tán đồng chính sách của Israel đối với Palestine nhưng cũng cần tập hợp lực lượng như Israel để đối phó Thổ Nhĩ Kỳ. Ở đây, lợi ích chi phối sự phân định bạn thù chứ không phải ngược lại.

Thảo Nguyên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.