Khẩu pháo không gian bí mật của Liên Xô

23/07/2017 09:30 GMT+7

Liên Xô từng chế tạo và bố trí một khẩu pháo bí mật trên trạm không gian Salyut-3 nhằm phòng thủ trước những vệ tinh do thám.

Thời Chiến tranh lạnh, cuộc chạy đua vũ trang giữa Mỹ và Liên Xô đã tạo ra vô số loại vũ khí để hai bên có thể so kè nhau và giữ được lợi thế trong tấn công lẫn phòng thủ. Cuộc chạy đua này không chỉ giới hạn trên trái đất mà còn đi vào không gian. Trên thực tế, Liên Xô từng tạo ra một khẩu pháo bí mật và bố trí trên trạm không gian. Mãi đến một phần tư thế kỷ sau, hình dạng của khẩu pháo này mới xuất hiện trên truyền thông.
Ngụy trang
Ngày 25.6.1974, Nga đưa trạm không gian Salyut-3 vào vũ trụ để thực hiện nhiệm vụ thám hiểm. Tương tự trạm không gian dân sự Skylab của Mỹ, Salyut có vai trò là nơi tiến hành các thí nghiệm khoa học cũng như trên cơ thể con người trong quá trình sinh sống lâu ngày trong không gian, ngoài ra còn là một công cụ thể hiện sự tiến bộ của quốc gia trong thời Chiến tranh lạnh.
Tuy vậy, Salyut chỉ là một cái tên bình phong nhằm che giấu bí mật đằng sau đó. Từ năm 1971 - 1982, Liên Xô phóng tổng cộng 7 trạm không gian với tên Salyut nhưng 3 trong số này là trạm không gian do thám quân sự Almaz, được phóng lần lượt trong giai đoạn 1973 - 1976. Theo chuyên san The National Interest, Salyut-3 thật ra là trạm không gian quân sự Almaz-2 của Liên Xô, có nhiệm vụ do thám tương tự tàu vũ trụ MOL (phòng thí nghiệm có người trên quỹ đạo) được không quân Mỹ phát triển trong những năm 1960. Khi được đưa lên quỹ đạo có độ cao 270 km, những trạm không gian này sẽ là một điểm quan sát hoàn hảo, tạo ra lợi thế cho các nước sở hữu. Mỹ hủy bỏ chương trình MOL vào năm 1969, nhưng chương trình Almaz của Liên Xô vẫn được tiếp tục.

tin liên quan

Mỹ chuẩn bị có chiến binh vũ trụ

Ủy ban Quân vụ Hạ viện đã bỏ phiếu thông qua quyết định thành lập "Binh đoàn không gian", nhánh thứ sáu của quân đội Mỹ tập trung vào các hoạt động quân sự ngoài tầng khí quyển.

Bên cạnh những trang thiết bị do thám tiên tiến như máy quay, radar..., trạm không gian này có một điểm khác biệt so với những hệ thống khác khi được trang bị một khẩu pháo để thử nghiệm nhiệm vụ phòng thủ trước nguy cơ bị phi thuyền hoặc vệ tinh của Mỹ tiếp cận và do thám. Sự hiện diện của món vũ khí không gian này cũng như mục đích thật sự của Salyut-3 được giấu kín hoàn toàn. Tuy nhiên qua thời gian, những thông tin dần dần xuất hiện và hé lộ phần nào về chương trình bí mật của Liên Xô.
Khẩu pháo không gian bí mật của Liên Xô1
Hình ảnh khẩu pháo được chiếu trên truyền hình Nga năm 2015 Ảnh: Chụp màn hình
Lộ diện
Chính vì sự mập mờ trong chương trình không gian của Liên Xô, thông tin về món vũ khí đặt trên trạm Salyut-3 được mô tả theo nhiều phiên bản khác nhau. Theo nhiều báo cáo được cho là có sự xác nhận của chỉ huy Pavel Popovich của tàu vũ trụ Soyuz 14 đáp vào trạm Salyut-3 vào tháng 7.1974, trạm không gian Salyut-3 được trang bị một khẩu pháo phòng thủ, tương tự khẩu pháo tự động Nudelman-Rikhter mà Liên Xô thiết kế cho máy bay chiến đấu thời đó. Tuy nhiên, chuyên gia hàng không vũ trụ người Mỹ James Oberg cho biết loại pháo này có 2 phiên bản, một loại có cỡ nòng 23 mm (NR-23) được đưa vào sử dụng năm 1949, còn một loại cải tiến có cỡ nòng 30 mm (NR-30) được biên chế từ năm 1954 và hiện chưa rõ loại nào được đặt vào trạm Salyut-3. Khẩu NR-30 khi đó được dùng trên một số chiến đấu cơ như Mig-19, Mig-21 và Su-7. Khẩu pháo có chiều dài chỉ khoảng 2 m, nặng 66,5 kg, tốc độ bắn 900 viên/phút, tốc độ đạn bay 780 m/giây đối với viên đạn nặng 410 gr.
Theo mô tả của Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA), Salyut-3 là trạm không gian quân sự đầu tiên do Liên Xô phóng vào vũ trụ ngày 25.6.1974 tại sân bay vũ trụ Baikonur, nay thuộc Kazakhstan. Trạm không gian khi đó đạt độ cao từ 219 - 270 km và độ cao quỹ đạo cuối cùng của Salyut-3 là 268 - 272 km. Trạm không gian này nặng tổng cộng khoảng 18,5 tấn, có 2 tấm pin năng lượng mặt trời gắn ở hai bên thân trạm và 1 mô đun để chứa dữ liệu nghiên cứu đem về trái đất. Ngày 3.7 cùng năm, Liên Xô phóng phi thuyền Soyuz 14 cùng 2 phi hành gia Pavel Popovich và Yuri Artukhin lên Salyut-3. Hai người ở lại đây trong 15 ngày 17 giờ rồi quay về trái đất. Phi thuyền Soyuz 15 sau đó được phóng lên nhưng không lắp ghép được vào trạm. Ngày 23.9, mô đun của trạm Salyut-3 được thả về trái đất và trạm không gian này kết thúc sứ mệnh vào ngày 24.1.1975.
Còn theo tạp chí Popular Mechanics, loại vũ khí dùng trong không gian này được giao cho Cục Thiết kế KB Tochmash do kỹ sư Aleksandr Nudelman đứng đầu sản xuất. Đây là đơn vị từng đạt nhiều bứt phá công nghệ trong lĩnh vực vũ khí hàng không thời Thế chiến 2. Món vũ khí này được đặt tên là R-23M, chỉ nặng 16,7 kg, sử dụng đạn nặng 200 gr cỡ 14,5 mm (cỡ đạn cho súng đại liên) và có thể bắn trúng mục tiêu từ cách xa 3,2 km. R-23M có thể bắn từ 950 - 5.000 viên/phút với tốc độ đạn là 690 m/giây, theo Popular Mechanics. Ngoài ra, những thành viên từng tham gia dự án Almaz tiết lộ cỗ máy này từng bắn vỡ một thùng đựng nhiên liệu bằng kim loại từ cách xa 1,6 km trong một lần thử nghiệm dưới mặt đất.
Vũ khí này được cho là biến thể của khẩu pháo R-23 mà kỹ sư Aron Rikhter thiết kế cho máy bay ném bom siêu thanh Tu-22. Hình dáng của nó vô tình được tiết lộ trong một chương trình quân sự do kênh truyền hình Zvezda TV phối hợp với Bộ Quốc phòng Nga sản xuất năm 2015. Chương trình được quay tại một bảo tàng hạn chế người tham quan của KB Tochmash. Các chuyên gia của Popular Mechanics sau đó đã dựng lại hình ảnh 3 chiều của R-23M thông qua những cảnh quay trong phim, và kết quả là R-23M giống với khẩu R-23.
Môi trường khác biệt
Dù là với đặc điểm nào, món vũ khí không gian này cuối cùng cũng thực hiện đúng chức năng của nó. Là một vũ khí phòng thủ nhằm giúp trạm không gian chống những phi thuyền có người lái, không người lái hoặc vệ tinh của Mỹ tiếp cận, khẩu pháo này được đánh giá là hiệu quả cao ở tầm bắn khoảng 1 km. Tuy nhiên, việc thử nghiệm một loại vũ khí trong vũ trụ không hề dễ dàng như dưới mặt đất. Việc khai hỏa có thể gây ra những rung lắc trong trạm không gian hoặc độ giật của khẩu pháo có thể khiến Salyut-3 bị chệch khỏi quỹ đạo, nên những động cơ đẩy của trạm không gian phải được kích hoạt đồng thời để tạo lực đẩy phản ứng lại. Hơn nữa, khẩu pháo được đặt cố định dọc theo trục chiều dài của trạm không gian nên khi nhắm bắn, người điều khiển phải lái nguyên cả trạm Salyut-3 nặng gần 20 tấn hướng về phía mục tiêu, vốn được hiển thị trên một màn hình trong phòng điều khiển của trạm. Ngoài ra, phá hủy một vệ tinh có tốc độ cao ở khoảng cách gần có thể khiến những mảnh vỡ văng trúng Salyut-3.
Vì những lo ngại thiệt hại tiềm tàng, Liên Xô chỉ tiến hành bắn thử khẩu pháo sau khi nhóm phi hành gia trên Salyut-3 được đưa về trái đất (ngày 19.7.1974). Cuộc thử nghiệm được đội ngũ dưới mặt đất điều khiển từ xa và diễn ra vài giờ trước khi Salyut-3 rời quỹ đạo quay về trái đất vào ngày 24.1.1975. Trạm Salyut-3 được kích hoạt các động cơ đẩy đồng thời trong lúc khai hỏa để tránh bị giật. Và khẩu pháo đã nhả khoảng 3 loạt đạn với tổng cộng 20 viên. Toàn bộ số đạn này bị cháy rụi khi đi vào bầu khí quyển. Kết quả thử nghiệm được đánh giá là "tích cực" trong tầm bắn từ 0,5 - 3 km. Tuy nhiên, về sau quân đội Liên Xô được cho là đã dẹp dự án về khẩu pháo sang một bên và suy tính trang bị tên lửa cho các trạm không gian.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.