Không thành công cũng thành danh

05/12/2016 08:01 GMT+7

Trong những ngày này, châu Âu không chỉ nín thở theo dõi diễn biến cuộc bầu cử tổng thống ở Áo và cuộc trưng cầu dân ý về sửa đổi hiến pháp ở Ý, mà còn hồi hộp vì một thí nghiệm chính trị khác nữa ở Iceland.

Đất nước Iceland lại một lần nữa tỏ ra rất xứng đáng với biệt danh được đặt cho là “Phòng thí nghiệm chính trị ở châu Âu”.
Cuộc thí nghiệm chính trị mới ở đây là việc thủ lĩnh của đảng Cướp biển, bà Birgitta Jonsdottir, được tổng thống Iceland ủy thác trách nhiệm thành lập chính phủ mới. Lần đầu tiên trong lịch sử đảng Cướp biển ở Iceland và trên thế giới, đảng này được giao nhiệm vụ đứng ra thành lập chính phủ. Như vậy, lần đầu tiên khả năng thủ lĩnh của đảng Cướp biển trở thành người đứng đầu chính phủ của một quốc gia không còn chỉ có tồn tại trên lý thuyết.
Trong cuộc bầu cử quốc hội vừa rồi ở Iceland, đảng Cướp biển, vốn hình thành từ phong trào đòi quyền tự do rộng rãi trên mạng internet và phản đối giới chính trị thượng lưu cố hữu bám giữ vào quyền lực, trở thành đảng lớn thứ 3 trong nghị viện. Cơ hội đến với bà Birgitta Jonsdottir sau khi thủ lĩnh của hai đảng phái chính trị lớn hơn kia đều không thành lập nổi chính phủ.
Hiện tại chưa có gì để đảm bảo là bà Jonsdottir tới đây sẽ thành công hơn hai đảng phái kia. Nhưng chỉ riêng chuyện đảng Cướp biển đứng ra thành lập chính phủ cũng đã là chuyện kinh thiên động địa trên chính trường Iceland và châu Âu. Đối với đảng này, không thành công thì cũng thành danh. Còn đối với chính trường châu Âu thì có nghĩa là tiếp tục chiều hướng phân lẻ chính trường và thắng thế của những đảng phái nhỏ mới được thành lập.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.