Khủng bố hoành hành ở Mali có liên quan tới Pháp?

20/11/2015 20:44 GMT+7

Quân đội Mali đã phải chống lại ít nhất 3 tổ chức cực đoan nổi bật trong vài năm gần đây, tuy nhiên cuộc tấn công bắt giữ 170 con tin lần này có thể liên quan tới vụ khủng bố Paris vừa qua.

Quân đội Mali đã phải chống lại ít nhất 3 tổ chức cực đoan nổi bật trong vài năm gần đây, tuy nhiên cuộc tấn công bắt giữ 170 con tin lần này có thể liên quan tới vụ khủng bố Paris vừa qua.

Các tay súng cực đoan vừa tổ chức cuộc tấn công, bắt giữ ít nhất 170 người tại thủ đô Bamako của Mali, nơi có sự hiện diện của quân đội Pháp - Ảnh: AFPCác tay súng cực đoan vừa tổ chức cuộc tấn công, bắt giữ ít nhất 170 người tại thủ đô Bamako của Mali, nơi có sự hiện diện của quân đội Pháp - Ảnh: AFP

Các tay súng cực đoan đã bắt giữ ít nhất 170 con tin ở một khách sạn sang trọng tại thủ đô Bamako (Mali) hôm 20.11.

Nhiều khả năng đây là một cuộc tấn công do các tay súng Hồi giáo cực đoan thực hiện, theo ghi nhận của AFP. Và nếu đúng vậy, liệu nó có khả năng liên quan tới vụ khủng bố Paris hôm 13.11 qua?

Mali: Đất nước khốn khổ vì vấn nạn khủng bố

Mali là một nước có lãnh thổ nằm trọn vẹn trong đất liền, thuộc Tây Phi. Mali từng là thuộc địa cũ của Pháp trước khi giành độc lập năm 1960, có tên chính thức là Cộng hòa Mali.

Là một nước có tới 90% là người Hồi giáo, Mali cũng tồn tại nhiều mâu thuẫn sắc tộc và chịu ảnh hưởng nặng nề của chủ nghĩa cực đoan muốn áp đặt luật Sharia (của người Hồi giáo) thay thế chính phủ hiện hành.

Mali đang phải chiến đấu với ít nhất 3 tổ chức cực đoan lớn mạnh ở phía bắc nước này, trong đó có các tay súng liên kết với al-Qaeda - Ảnh: Reuters

Các cuộc khủng bố tại Mali có thể nói bùng phát mạnh mẽ từ tháng 1.2012, thời điểm diễn ra cuộc nổi dậy lớn của phiến quân gồm những người du mục Tuareg. Họ liên kết với tổ chức Phong trào Giải phóng dân tộc Azaward (MNLA), nắm quyền kiểm soát phía bắc Mali và ly khai thành một nhà nước độc lập Azaward, mặc dù Mali và quốc tế không công nhận.

Tuy nhiên chỉ 2 tháng sau, Azaward bị các nhóm Hồi giáo cực đoan lật đổ. Ansar Dine (hay Ansar al-Din) và  nhánh al-Qaeda có tên al-Qaeda Hồi giáo ở Maghreb (AQIM) đã thay vào đó chiếm lĩnh khu vực của Azaward và bắt đầu áp đặt luật Sharia nghiêm ngặt ở đây.

Bất chấp có sự can thiệp của lực lượng Liên Hiệp Quốc và Pháp, các tay súng Hồi giáo vẫn tiếp tục hoành hành và tràn vào phía nam vào đầu năm 2015.

Ngày 6.3.2015, các tay súng cực đoan đã bắn chết 5 người, trong đó có 2 người châu Âu, trong một nhà hàng ở thủ đô Bamako. Những xác chết được rải rác bên ngoài một hộp đêm nổi tiếng ở thành phố sau khi cuộc tấn công diễn ra xuyên đêm, theo Daily Mail.

Hồi tháng 8 qua, một cuộc tấn công khác được cho liên quan tới các nhóm al-Qaeda ở thị trấn Savare, cách Bamako khoảng 600 km về phía đông bắc đã làm chết 4 binh sĩ, 5 nhân viên Liên Hiệp Quốc và 4 kẻ tấn công, theo Reuters.

Bất chấp chính phủ và phiến quân đã ký kết các hiệp ước ngừng bắn, lính Pháp và Liên Hiệp Quốc vẫn hiện diện trên toàn đất nước Mali vì các cuộc tấn công không có dấu hiệu thuyên giảm.

Dấu chân người Pháp

Cuộc tấn công bắt giữ ít nhất 170 con tin hôm 20.11 đến không lâu sau khi nước Pháp trải qua vụ khủng bố làm chết ít nhất 129 người ở Paris.

Daily Mail cho biết có nhiều ý kiến lo ngại vụ việc ở Mali lần này có khả năng lấy “cảm hứng” từ cuộc tấn công Paris, vì khách sạn ở Bamako là nơi Pháp cũng đóng quân để phối hợp thực hiện các cuộc không kích nhằm vào tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tại Syria và Iraq. 

Quân đội Pháp vẫn hiện diện tại Mali sau khi mở "Chiến dịch Sarval" vào năm 2013 - Ảnh: Reuters

Trên thực tế, từ sau khi rút khỏi Mali năm 1960, Pháp vẫn giữ mối quan hệ quân sự khá đặc biệt với thuộc địa cũ này.

Trong đợt Azaward nổi loạn năm 2012 và bị các lực lượng phiến quân lật đổ, Pháp đã can thiệp khi mở “Chiến dịch Serval” vào tháng 1.2013. Từ ấy đến nay, quân đội Pháp và Liên Hiệp Quốc vẫn được giữ ở Mali, chủ yếu chống lại 3 lực lượng cực đoan gồm: Ansar al-Din, AQIM (al-Qaeda) và cả những tay súng nổi dậy Tuareg.

Ngày 14.11, Bloomberg có bài viết cho rằng cuộc tấn công Paris là cái giá Pháp phải trả cho những hoạt động quân sự trải dài từ Syria đến các nước Tây Phi.

Vào năm 1995, các phần từ Hồi giáo cực đoan ở Algeria cũng đã đánh bom làm chết 8 người và bị thương 200 người ở Paris, như một sự “trừng phạt cho việc ủng hộ chính phủ trong những nước có nội chiến”, theo Bloomberg.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.