Lo ngại an ninh từ Google Earth

14/12/2011 00:34 GMT+7

Truy theo kho tàng thông tin bao la từ Google, người ta tìm thấy cả những bí mật quân sự vốn luôn được các nước che giấu nghiêm ngặt.

Truy theo kho tàng thông tin bao la từ Google, người ta tìm thấy cả những bí mật quân sự vốn luôn được các nước che giấu nghiêm ngặt.

Giới chuyên gia an ninh đang xôn xao trước tin phần mềm tìm kiếm địa điểm bằng ảnh chụp vệ tinh Google Earth đã thể hiện chi tiết căn cứ không quân bí mật của Mỹ ở hồ Yucca thuộc bang Nevada, theo trang tin Flight Global.

Lộ bí mật hơn nửa thế kỷ

Căn cứ trên nằm sâu bên trong khu vực Tonopah Test Range, còn được gọi là Khu vực 52 nổi tiếng được canh phòng cẩn mật. Thuộc sở hữu của Cục An ninh hạt nhân quốc gia Mỹ, khu vực 52 tập trung nhiều hoạt động nghiên cứu phát triển khắp các lĩnh vực, đặc biệt là hạt nhân và công nghệ hàng không vũ trụ. Hơn nửa thế kỷ qua, Mỹ luôn tìm cách phong tỏa mọi thông tin và hình ảnh về nơi này. Thế nhưng, sơ đồ bố trí của nơi thử nghiệm máy bay không người lái (UAV) tại Khu vực 52 đã bị trưng ra khá rõ ràng và chi tiết trên Google Earth. Theo đó, đường băng dài 1.580 mét cùng nhiều khu vực làm việc, 4 nhà chứa UAV, bãi đỗ xe, cách bố trí vành đai an ninh đều không còn là bí mật. Kênh truyền hình Fox News dẫn lời đại tá không quân đã nghỉ hưu Cedric Leighton nói những thông tin trên rất có giá trị đối với các đối thủ của Mỹ.

Năm 2009, phần tử khủng bố Michael C.Finton cũng từng sử dụng Google Earth để lên kế hoạch đánh bom một tòa nhà liên bang ở Illinois, Mỹ. Trong một lần khác, người sử dụng Google có thể thấy rõ hình ảnh chiếc UAV do thám Predator của Mỹ đậu trên đường băng ở căn cứ Shamsi Airfield của Pakistan.

Nhiều nước bất an

Không riêng gì Mỹ, nhiều quốc gia khác cũng bị Google Earth làm lộ những hình ảnh liên quan đến bí mật quân sự. Mới đây, một nhóm sinh viên Đại học Georgetown được hướng dẫn bởi Giáo sư Phillip A.Karber, cựu quan chức cấp cao của Lầu Năm Góc, đã công bố nghiên cứu về vũ khí hạt nhân Trung Quốc. Tờ The Washington Post dẫn nguồn từ nhóm nghiên cứu cho biết họ đã sử dụng không ít hình ảnh từ Google Earth trong quá trình thực hiện. Tháng trước, trang tin Earth Week cũng cung cấp các hình ảnh, do Google Earth chụp, về một địa điểm được cho là trung tâm không gian bí mật chuyên điều khiển vệ tinh do thám của Trung Quốc trên sa mạc Gobi.

Năm 2007, tờ Telegraph đưa tin Google đã phải che khuất các hình ảnh liên quan đến những khu vực nhạy cảm của Anh theo yêu cầu của chính phủ nước này như căn cứ quân sự, trung tâm tình báo… Yêu cầu trên được đưa ra sau khi binh sĩ Anh phát hiện trong máy tính của một tay súng ở Iraq chứa hình ảnh từ Google Earth thể hiện rõ căn cứ quân sự Shatt Al Arab của nước này. Theo giới chức London, lực lượng chống đối ở Iraq đã sử dụng những hình ảnh như vậy, với chi tiết tọa độ rõ ràng, để tấn công nhiều căn cứ quân sự Anh. Telegraph dẫn lời một sĩ quan tình báo Anh nói: “Chúng tôi tin rằng quân chống đối dùng Google Earth để xác định các khu vực nhạy cảm và tiến hành tấn công”.

Lo ngại của Anh cũng là mối lưu tâm của nhiều quốc gia. Theo trang Tech Shout, từ năm 2005, chính phủ Ấn Độ liên tục lên tiếng về các hình ảnh độ phân giải cao do Google cung cấp, liên quan đến những khu vực nhạy cảm của nước này. Tương tự, Hàn Quốc cũng than phiền việc ai cũng có thể thấy hình ảnh rõ ràng về Dinh Tổng thống và các căn cứ quân sự trên Google Earth.

Năm 2007, Israel thiệt hại nặng nề khi phong trào Hamas và Lữ đoàn tử vì đạo al-Aqsa tấn công vào cơ sở của nước này ở Dải Gaza sau khi đã rõ đường đi nước bước nhờ dịch vụ của Google.

Những vụ việc trên làm dấy lên tranh luận về tính hợp pháp đối với những hoạt động của Google Earth. Tuy nhiên, các chuyên gia an ninh cho rằng rất khó để kiện tụng hay xử phạt “đại gia” tìm kiếm trên internet của Mỹ. Lý do là các hình ảnh được chụp bằng vệ tinh hoạt động trên quỹ đạo thấp của trái đất, nơi các quy định an ninh hay tự do cá nhân không có hiệu lực. Theo Fox News, Google từ chối bình luận về những vấn đề này.

Ngô Minh Trí

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.