Luật sư đòi bằng chứng tại phiên xử Đoàn Thị Hương

14/04/2017 09:07 GMT+7

Tòa án quận Sepang thuộc bang Selangor (Malaysia) quyết định dời phiên tiền thẩm đến ngày 30.5 do chưa có đủ hồ sơ vụ án.

Hai nữ nghi phạm là Siti Aisyah (công dân Indonesia) và Đoàn Thị Hương (công dân VN) được cảnh sát dẫn giải đến tòa vào khoảng 8 giờ sáng 13.4 (giờ địa phương) dưới sự bảo vệ an ninh chặt chẽ. Theo AFP, hai nghi phạm mặc áo chống đạn trong suốt thời gian được dẫn giải đến cũng như lúc rời tòa án, nơi có hơn 100 nhân viên an ninh bảo vệ.
Tại phiên tòa, các luật sư nói rằng họ chưa được cung cấp chứng cứ để phục vụ việc bào chữa cho 2 nghi phạm trước cáo buộc sát hại công dân Triều Tiên được cho là ông Kim Jong-nam, anh trai nhà lãnh đạo CHDCND Triều Tiên Kim Jong-un. Theo cáo trạng tại phiên tòa ngày 1.3, hai nghi phạm bị truy tố về tội giết người bằng chất độc VX trong vụ án mạng ở sân bay quốc tế Kuala Lumpur 2 ngày 13.2.
Tờ The Sun dẫn phát biểu tại tòa của ông Hisyam Teh Poh Teik, luật sư của Đoàn Thị Hương cho rằng cảnh sát đã từ chối cung cấp thông tin về vụ việc dù họ đề nghị rất nhiều lần. “Khi thân chủ bị bắt, chúng tôi đã nhiều lần xin gặp cô ấy nhưng đều bị từ chối”, ông nói và cho biết ông chỉ có thể gặp Hương khoảng 45 phút sau phiên tòa lần trước. Ông Hisyam cũng cho biết cảnh sát đã từ chối khi ông yêu cầu cung cấp các đoạn băng ghi hình nhằm mục đích bảo vệ thân chủ. Tại phiên tòa, ông yêu cầu cung cấp bản khai của 3 nghi can Triều Tiên vốn đã được cho phép rời Malaysia về nước cũng như thông tin và hình ảnh từ hai chiếc điện thoại đã bị tịch thu của Hương.
Trả lời Thanh Niên, một luật sư Malaysia không nêu tên giải thích phiên tòa ngày 13.4 là phiên tiền thẩm và là một thủ tục cần thiết khi xét xử các vụ án hình sự. Theo đó, vụ việc xảy ra tại sân bay KLIA 2 thuộc quận Sepang nên được đưa ra tòa án quận này trước. “Sau khi nhận thấy có đủ hồ sơ và chứng cứ liên quan, chủ tọa sẽ quyết định vụ án được xét xử bởi tòa án nào”, nữ luật sư này nói. Theo bà, về nguyên tắc, tòa tiền thẩm cũng có thể đình chỉ vụ án, trực tiếp xét xử đối với các tội trạng có hình phạt dưới 10 năm tù hoặc chuyển lên tòa án cấp cao hơn đối với các vụ trọng án.
Nhân chứng then chốt
Ông Naran Singh, một luật sư khác bào chữa cho Hương, cũng chất vấn về việc cảnh sát không cung cấp thông tin. “Đến nay, chúng tôi chưa nhận được biên bản liên quan đến việc điều tra 4 công dân Triều Tiên đang bị truy nã”, tờ Free Malaysia Today dẫn lời ông Naran cho hay.
Luật sư Gooi Soon Seng bào chữa cho nghi phạm Siti cũng không hài lòng với quá trình điều tra vụ việc vì các công tố viên vẫn chưa cung cấp thông tin điều tra. “Chúng tôi đã nhiều lần yêu cầu cung cấp thông tin và lời khai của các thân chủ”, ông phát biểu tại phiên tòa. Hãng tin Reuters dẫn lời ông Gooi sau phiên tòa nói rằng Ri Ji-u, một trong những nghi can được cho phép rời Malaysia, là nhân chứng then chốt và việc ông này quay lại Bình Nhưỡng đã gây bất lợi cho việc bào chữa.
Trước thắc mắc của các luật sư, công tố viên Muhamad Iskandar Ahmad xác nhận văn phòng công tố không thể đáp ứng một số đề nghị của các luật sư và biên bản điều tra không phải là tài liệu công khai nên không thể cung cấp. Tuy nhiên, ông nói bộ phận công tố không biết các luật sư có gửi đề nghị đến cảnh sát. Ông cũng cho biết thẩm phán tại phiên tiền thẩm không có quyền ra bất cứ quyết định gì về yêu cầu của giới luật sư, và tòa án cấp cao sẽ cân nhắc điều này nếu thụ lý vụ việc.
Phiên tòa diễn ra trong khoảng 20 phút trước khi chủ tọa Harith Sham Mohamed Yasin quyết định hoãn do chưa đủ hồ sơ. Phiên kế tiếp sẽ diễn ra vào ngày 30.5. Trước đó, ông Muhamad Iskandar đề nghị hoãn phiên tòa khoảng một tháng rưỡi để hoàn tất các hồ sơ cần thiết. Như vậy, vụ án vẫn chưa được chuyển đến Tòa án cấp cao Shah Alam như dự kiến.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.