Mỹ, Anh, Pháp chuẩn bị không kích Libya

19/03/2011 00:07 GMT+7

Mỹ, Pháp và Anh đang gấp rút lập kế hoạch không kích Libya sau khi LHQ cho phép lập vùng cấm bay và hành động quân sự chống nước này.

Nghị quyết 1973 của HĐBA LHQ được thông qua hôm 17.3 với tỷ lệ 10 phiếu ủng hộ và 0 phiếu chống. Những nước bỏ phiếu trắng tại phiên họp ở New York là Trung Quốc, Nga, Đức, Ấn Độ và Brazil. Theo AP, Nghị quyết “xác lập lệnh cấm đối với tất cả các chuyến bay trong không phận Libya”. Nó cũng cho phép các nước thành viên LHQ thực hiện “tất cả biện pháp cần thiết” nhằm bảo vệ dân thường và các khu vực dân cư có nguy cơ bị tấn công, nhưng loại trừ việc quân đội nước ngoài chiếm đóng quốc gia Bắc Phi.

Sự can thiệp quân sự của nước ngoài vào Libya có thể bao gồm các khu vực cấm bay và cấm xe cộ, một khu vực cấm tàu bè qua lại, làm nhiễu sóng liên lạc của quân đội Libya và hỗ trợ tình báo. Các cuộc không kích gần như chắc chắn sẽ được thực hiện để triệt hạ các hệ thống phòng không và radar của Libya. Hiện chưa rõ hình thức can thiệp nào được chọn và khi nào chiến dịch bắt đầu dù Pháp hôm qua tuyên bố hành động đó có thể bắt đầu trong ngày 18.3 (giờ địa phương).

Theo BBC, ngay sau khi LHQ thông qua nghị quyết, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã thảo luận qua điện thoại với Thủ tướng Anh David Cameron và Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy. Các nhà lãnh đạo nhất trí rằng Libya phải tuân thủ nghị quyết mới và 3 nước sẽ phối hợp trong các bước tiếp theo cũng như tiếp tục làm việc với các đối tác Ả Rập và quốc tế khác trong vấn đề này.

Tuyên bố do phát ngôn viên Chính phủ Pháp Francois Baroin đưa ra hôm qua rằng các cuộc tấn công “sẽ sớm diễn ra” là dấu hiệu cho thấy các cuộc không kích đã đến rất gần. Tuy nhiên, BBC dẫn lời một số nhà quan sát cho rằng đây là “chiêu” để chính quyền của nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi “đứng ngồi không yên”. Giới chức Mỹ cũng nói rằng nỗ lực triệt hạ không lực của chính quyền Tripoli sẽ bắt đầu vào ngày 20 hoặc 21.3.

Theo AFP, cho đến nay, Anh, Pháp, Mỹ, Canada, Na Uy, Ả Rập Xê Út, UAE và Qatar sẽ tham gia chiến dịch lập vùng cấm bay ở Libya, trong khi Trung Quốc, Nga, Đức và Úc tuyên bố đứng ngoài. Ý sẵn sàng cho mượn các căn cứ quân sự để áp đặt vùng cấm bay, trong khi Ba Lan ủng hộ về hậu cần nhưng không tham gia không kích.

Libya ngưng các chiến dịch quân sự

Trong thông báo trên truyền hình hôm qua, Ngoại trưởng Libya Mussa Kussa tuyên bố nước này “ngay lập tức ngừng các chiến dịch quân sự cũng như sẽ ngừng bắn”. Ông Kussa cũng nói Libya là một thành viên của LHQ và “có trách nhiệm tuân theo các nghị quyết của HĐBA”. Libya cũng bác bỏ thông tin rằng nước này đã đóng cửa không phận nhưng các chính phủ châu u đã quyết định cấm tất cả các chuyến bay dân sự đến quốc gia Bắc Phi.

Đây là một diễn biến tương đối bất ngờ vì trước đó chính quyền Tripoli còn tỏ ra rất cứng rắn đối với nghị quyết thiết lập vùng cấm bay của LHQ. AFP dẫn lời nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi cảnh báo: “Địa ngục sẽ chờ đợi kẻ nào tấn công Libya” và mọi hành động can thiệp quân sự vào nước này sẽ “khiến giao thông đường biển và đường không ở Địa Trung Hải gặp nguy hiểm”.


Mỹ có thể triển khai chiến đấu cơ F-22 đến Libya - Ảnh: Air-attack.com
 


Lực lượng nổi dậy ăn mừng tại Benghazi Ảnh: AFP

Hôm qua, bất chấp tuyên bố ngừng bắn của Chính phủ Libya, lực lượng ủng hộ ông Gaddafi tiếp tục tấn công thành phố miền tây Misrata, Reuters dẫn lời dân chúng địa phương cho hay. Đã có 25 người thiệt mạng trong các cuộc giao tranh giữa quân chính phủ và lực lượng nổi dậy tại đây trong 2 tuần qua. Cùng ngày, phe đối lập Libya chỉ trích thông báo ngừng bắn của chính phủ là “trò bịp”. Trong khi đó, AFP dẫn lời nhân chứng cho biết đã có từ 6-8 vụ nổ lớn ở thủ đô Tripoli nhưng chưa rõ nguyên nhân.

Ngược lại, không khí ăn mừng tràn ngập Benghazi, “đại bản doanh” của phe nổi dậy. Ngay sau khi nghị quyết của LHQ được thông qua, pháo hoa nổ rực trời và những tiếng súng ăn mừng vang khắp thành phố. Người dân đổ ra đường, hò reo, vẫy cờ và hô vang khẩu hiệu chống nhà lãnh đạo Gaddafi.

Tương quan lực lượng

Tờ Le Monde dẫn số liệu chính thức, không quân Libya có 18.000 binh sĩ, 394 máy bay chiến đấu, bao gồm 7 máy bay ném bom

Tu-22; 187 máy bay tiêm kích MiG 23 và 25; 180 máy bay tiêm kích Mig-21 và 23, Mirage F1, Su-17 và 24... Ngoài ra, còn có 85 máy bay vận chuyển quân sự và 136 máy bay trực thăng thuộc nhiều dòng khác nhau. Quân đội Libya cũng được trang bị ít nhất 216 tên lửa đất đối không.

Trong khi đó, Reuters dẫn lời tướng Norton Schwartz cho biết sẽ sử dụng máy bay ném bom và chiến đấu cơ, có thể bao gồm F-16, F-15 và F-22 để tấn công các mục tiêu mặt đất ở Libya. Mỹ cũng sẽ triển khai máy bay do thám, máy bay tiếp liệu trên không, thiết bị liên lạc vệ tinh và máy bay phá sóng thông tin liên lạc của Libya. Nhiều khả năng Mỹ sẽ điều máy bay và hàng không mẫu hạm ở Địa Trung Hải, châu u và Mỹ, thậm chí từ Afghanistan và Iraq, để áp đặt vùng cấm bay ở Libya.

Thủ tướng Anh David Cameron thông báo trước Quốc hội nước này rằng sẽ triển khai chiến đấu cơ Typhoon và Tornado cùng máy bay tuần tra và máy bay tiếp liệu trên không. Chính phủ Đan Mạch thì đang chờ Quốc hội bật đèn xanh để phái máy bay F-16 tham gia chiến dịch, theo AFP.

Lan Chi

Trùng Quang - Lê Loan

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.