Mỹ dồn thêm lực lượng về Biển Đông

27/10/2016 10:29 GMT+7

Mỹ bắt đầu huy động Hạm đội 3 hùng mạnh tham gia các chiến dịch tự do hàng hải cùng với Hạm đội 7, nhằm ứng phó các biến động trong khu vực.

Cuối tuần qua, khu trục hạm Mỹ USS Decatur tuần tra gần 2 đảo Tri Tôn và Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa. Đáng chú ý là con tàu được triển khai theo hiệu lệnh từ Hạm đội 3, có căn cứ chính ở TP.San Diego, bang California.
Reuters dẫn các nguồn tin hải quân Mỹ cho biết đây là lần đầu tiên nước này sử dụng Hạm đội 3, thay vì Hạm đội 7 như thường lệ, để tiến hành hoạt động bảo đảm tự do hàng hải (FON) trong khu vực. Vì thế, chuyến tuần tra có thể được xem là bước đầu tiên đánh dấu chiến lược của Mỹ tăng cường thêm lực lượng đến Biển Đông.
Viễn cảnh 2 mặt trận
Hạm đội 3 chuyên phụ trách khu vực đông và bắc Thái Bình Dương tính từ Đường đổi ngày quốc tế (IDL), đường tưởng tượng từ cực bắc đến cực nam chia dọc Thái Bình Dương. Trong khi đó, Hạm đội 7, đặt trụ sở ở TP.Yokosuka của Nhật Bản, có phạm vi hoạt động trải dài từ quần đảo Kuril (Nga) đến Nam cực và căng rộng từ Biển Đông đến IDL. Hiện nay, khu vực này được đánh giá là có vai trò năng động bậc nhất trong kinh tế, giao thương hàng hải và địa chiến lược của thế giới, nhưng lại đang chứng kiến nhiều biến động khó lường về an ninh vì những diễn biến đáng quan ngại ở Biển Đông cũng như tình hình biển Hoa Đông và bán đảo Triều Tiên.
Vì thế, theo Reuters, người đứng đầu Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương Scott Swift lâu nay đã hướng tới mục tiêu tận dụng sức mạnh tổng hợp của 2 hạm đội 3 và 7 để ngăn chặn nguy cơ bất ổn đang gia tăng ở châu Á, với các chiến dịch được tiến hành đồng bộ dựa trên nhiệm vụ cụ thể. “Tôi không hiểu tại sao cứ phải giới hạn hoạt động của các hạm đội bằng IDL”, Đô đốc Swift tuyên bố. Theo ông, sự điều chỉnh này sẽ giúp tăng cường phối hợp giữa 2 hạm đội tại “những khu vực bất ổn nhất”, đồng thời cho phép hải quân Mỹ khai thác đầy đủ hơn năng lực của Hạm đội 3.
Hoạt động của tàu USS Decatur gần Hoàng Sa diễn ra hôm 21.10, ngày cuối trong chuyến thăm Trung Quốc của Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte. Trả lời phỏng vấn Thanh Niên, chuyên gia Koh Swee Lean Collin thuộc Trường Nghiên cứu quốc tế S.Rajaratnam (Singapore) nhận định rằng chuyến tuần tra nói trên có thể cho thấy Mỹ muốn tiếp tục hoạt động ở Biển Đông, bất chấp tình hình quan hệ giữa nước này và Philippines. Ông Collin còn cho rằng với tình hình Biển Đông hiện nay, Mỹ đang tìm cách “nhắc nhở” các bên về phán quyết ngày 12.7 của Tòa trọng tài bác bỏ “đường lưỡi bò” và Washington muốn thực hiện duy trì tự do hàng hải ở khu vực theo tinh thần của phán quyết.
Minh Trung
Các chiến lược gia của hải quân Mỹ đã hình dung ra viễn cảnh 2 hạm đội có thể phân chia trách nhiệm ở khu vực Thái Bình Dương để ứng phó cùng lúc 2 mặt trận, chẳng hạn như đồng thời xảy ra biến cố tại Biển Đông và bán đảo Triều Tiên.
Trang tin Military.com dẫn lời một quan chức cấp cao của Lầu Năm Góc cho biết, Tư lệnh Hạm đội 3 Nora Tyson đang làm việc chặt chẽ với người đồng cấp Hạm đội 7 Joseph Aucoin, nhằm đảm bảo 2 đội tàu “có thể bổ sung cho nhau trong bất cứ kịch bản nào”. Ông này khẳng định Hạm đội 3 sẽ tiếp tục điều thêm tàu đến hoạt động song song với Hạm đội 7, và chuyến tuần tra của USS Decatur “là bước đầu tiên của những hoạt động sẽ diễn ra với nhịp độ thường xuyên hơn”.
Hạm đội 7 là hạm đội hải quân mạnh nhất tại châu Á hiện nay với khoảng 80 tàu, bao gồm đội tàu sân bay USS Ronald Reagan. Trong khi đó, Hạm đội 3 có hơn 100 tàu, bao gồm 4 tàu sân bay.
Trung Quốc tập trận
Chuyến tuần tra của tàu USS Decatur nói riêng và nỗ lực tái cơ cấu lực lượng trong khu vực nói chung được Mỹ tiến hành giữa lúc chiến lược “xoay trục” sang châu Á - Thái Bình Dương có dấu hiệu hụt đà và tình hình Biển Đông diễn biến đáng lo ngại. Mới đây, Tân Hoa xã dẫn lời phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng lớn tiếng tuyên bố nước này “thực hiện các bước cần thiết” nếu những động thái của Mỹ “gây tổn hại cho hòa bình, ổn định và an ninh” ở khu vực.
Đến ngày 26.10, Cục Hải sự Trung Quốc (MSA) ra thông báo lực lượng nước này sẽ tiến hành tập trận trên Biển Đông vào hôm nay 27.10. MSA không cho biết chi tiết cụ thể nhưng ngang nhiên ra lệnh cấm tàu bè qua lại khu vực phía nam đảo Hải Nam và phía tây bắc quần đảo Hoàng Sa của VN. Giới quan sát nhận định thời điểm tập trận cho thấy đây có thể là hành động phản ứng của Trung Quốc nhằm vào chuyến tuần tra vừa qua của Mỹ.
Trước đó, tờ South China Morning Post dẫn lời chuyên gia quân sự Trung Quốc Lý Kiệt dọa rằng nước này sẽ tiếp tục tăng cường hiện diện trên các đảo chiếm đóng ở Biển Đông và “sẽ áp dụng biện pháp mạnh hơn”. Tuyên bố này phù hợp với thông tin từ báo chí Hồng Kông nói quân đội Trung Quốc vừa triển khai nhiều chiến đấu cơ J-11 và máy bay tiêm kích - ném bom JH-7 tới đóng trú phi pháp trên đảo Phú Lâm.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.