Nga bắt 39 doanh nhân Thổ Nhĩ Kỳ

28/11/2015 09:24 GMT+7

Quyết định bắt giữ các doanh nhân Thổ Nhĩ Kỳ được cho là nằm trong các biện pháp trả đũa của Nga sau vụ bắn hạ máy bay Su-24.

Quyết định bắt giữ các doanh nhân Thổ Nhĩ Kỳ được cho là nằm trong các biện pháp trả đũa của Nga sau vụ bắn hạ máy bay Su-24.

Hệ thống S-400 của Nga được triển khai tại Syria - Ảnh: RTHệ thống S-400 của Nga được triển khai tại Syria - Ảnh: RT
Theo báo Anh The Telegraph hôm 27.11, giới chức Nga vừa bắt 39 doanh nhân Thổ Nhĩ Kỳ vào chiều 26.11 (giờ địa phương) với cáo buộc vi phạm về thị thực. Những người này đến Nga tham dự một hội thảo về nông nghiệp và thương mại tại TP.Krasnodar mà không có thị thực. Lâu nay, Nga có chế độ miễn thị thực cho công dân Thổ Nhĩ Kỳ, tuy nhiên Phó giám đốc cơ quan di trú Krasnodar là ông VartanTer-Saarkyan giải thích: “Những công dân Thổ Nhĩ Kỳ này nhập cảnh Nga để tham gia các hoạt động kinh doanh và vì lý do thương mại. Vì thế, họ phải có thị thực công tác”.
Doanh nhân Baris Kalkan, một thành viên trong đoàn, nói ông không hề được thông báo trước về việc cần thị thực; còn một người khác tỏ ra bức xúc vì “lúc nhập cảnh thì không thấy ai nói gì”. Hiện nhóm doanh nhân đang đối diện mức phạt tiền nặng và sẽ bị trục xuất, theo The Telegraph. Nhiều ý kiến cho rằng vụ bắt giữ là một sự trả đũa sau khi Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ một máy bay Su-24 của Nga hôm 24.11. Chưa hết, Reuters dẫn lời Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov ngày 27.11 cho biết nước ông cũng đã quyết định đình chỉ chế độ miễn thị thực cho Thổ Nhĩ Kỳ kể từ ngày 1.1.2016.
Bên cạnh đó, giới chức Nga đang cấp tập chuẩn bị các biện pháp trả đũa về kinh tế theo lệnh của Thủ tướng Dmitry Medvedev. Trong đó bao gồm đóng băng một số dự án đầu tư chung và hạn chế nhập khẩu nông phẩm từ Thổ Nhĩ Kỳ. Theo Reuters ngày 27.11, Bộ trưởng Kinh tế Alexei Ulyukaev cho biết thêm Moscow có thể hạn chế các chuyến bay đến và đi từ Thổ Nhĩ Kỳ, đình chỉ các bước chuẩn bị cho việc thành lập khu vực mậu dịch tự do chung. Các dự án đình đám như một nhà máy điện hạt nhân trị giá 20 tỉ USD mà Moscow đang xây cho Ankara và tuyến đường ống khí đốt TurkStream đều bị ảnh hưởng.
Cùng ngày, Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ lên tiếng chỉ trích “tình trạng quyền lợi của Thổ Nhĩ Kỳ tại Nga bị tấn công”, đồng thời cho biết Ankara đã triệu đại diện ngoại giao Nga để bày tỏ lo ngại.
Sau vụ việc ngày 24.11, Nga tức tốc triển khai các hệ thống tên lửa phòng không S-400 với khả năng bắn hạ mục tiêu trong bán kính hơn 200 km đến tỉnh duyên hải Latakia của Syria, chỉ cách biên giới Thổ Nhĩ Kỳ khoảng 50 km. Theo RT, hệ thống S-400 của Nga đã bắt đầu tác chiến hôm qua 27.11. Phản ứng với động thái trên, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ quyết định tạm dừng các chuyến bay không kích tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) ở Syria; còn Tổng thống Recep Tayyip Erdogan tuyên bố Ankara “sẽ có biện pháp” nếu máy bay Thổ bị tên lửa Nga bắn hạ.
Hiện giới lãnh đạo Nga và Thổ Nhĩ Kỳ vẫn tiếp tục có những lời lẽ cứng rắn nhằm vào nhau. CNN dẫn lời Tổng thống Erdogan khẳng định không xin lỗi Nga và tuyên bố: “Chính bên xâm phạm chủ quyền nước khác mới phải xin lỗi”. Ông thậm chí còn cảnh báo Moscow “chớ đùa với lửa”. Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu cho biết “sẽ làm việc với Nga và các đồng minh để xoa dịu căng thẳng” nhưng vẫn nói vụ bắn hạ là “nhằm bảo vệ chủ quyền và không phận”.
Ở phía bên kia, Chủ tịch Duma quốc gia (tức Hạ viện) Nga Sergei Naryshkin nhấn mạnh hành động của Thổ Nhĩ Kỳ “là sát nhân” và Moscow có quyền đáp trả bằng quân sự. Ngoài ra, khi được hỏi về thông tin Tổng thống Erdogan muốn gặp Tổng thống Vladimir Putin nhân Hội nghị Thượng đỉnh về biến đổi khí hậu tại Pháp vào tuần tới, Cố vấn đối ngoại của Điện Kremlin Yuri Ushakov cho biết ông Putin từ chối mọi tiếp xúc với người đồng cấp Thổ.
Pháp, Nga tăng cường hợp tác chống IS
Reuters hôm qua 27.11 đưa tin các lãnh đạo Pháp và Nga nhất trí sẽ trao đổi thông tin tình báo về tổ chức Hồi giáo cực đoan IS và các nhóm nổi dậy khác nhằm cải thiện hiệu quả của chiến dịch không kích tại Syria. Phát biểu sau cuộc thảo luận tại Điện Kremlin cùng Tổng thống Nga Vladimir Putin, Tổng thống Pháp Francois Hollande cho biết 2 bên đã nhất trí sẽ chỉ tấn công IS và các nhóm Hồi giáo cực đoan. Phía Nga cũng đã yêu cầu Pháp vẽ bản đồ vị trí của các nhóm chống IS hoạt động tại Syria để tránh không kích trúng họ. Trước đó, chủ nhân Điện Kremlin khẳng định sẽ tiếp tục hợp tác với chiến dịch không kích IS của liên quân quốc tế tại Syria.
Chuyến thăm Nga của ông Hollande nằm trong chiến dịch ngoại giao con thoi nhằm tìm kiếm sự ủng hộ của quốc tế trong cuộc chiến chống IS sau vụ thảm sát tại Paris cách đây 2 tuần.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.