Người Việt ở Paris

29/11/2015 10:44 GMT+7

Sau thời gian đầu vắng lặng vì vụ tấn công ngày 13.11, quận 13 của Paris, nơi tập trung đông đảo người châu Á đã trở lại với nhịp sống thường ngày.

Sau thời gian đầu vắng lặng vì vụ tấn công ngày 13.11, quận 13 của Paris, nơi tập trung đông đảo người châu Á đã trở lại với nhịp sống thường ngày.

Các "quầy" rau di động trước khu thương mại của người châu Á ở quận 13 - Ảnh: Lan ChiCác "quầy" rau di động trước khu thương mại của người châu Á ở quận 13 - Ảnh: Lan Chi
Rời trạm tàu điện ngầm ở quảng trường Italie, tôi tản bộ về phía siêu thị Tang Frères. Chỉ cần nhìn hàng quán hai bên đường là biết đang ở khu của người châu Á, không lẫn vào đâu được.
Từ phở, bánh cuốn, heo quay, vịt quay đến các cửa hàng bán trái cây bày đầy nhãn, xoài, đu đủ hay những “quầy” rau củ, hành ngò di động buôn bán trên lề đường. Quận 13 của Paris luôn là nơi làm người Việt xa nhà, dù là định cư hay đi du lịch, tìm lại chút cảm giác thân thuộc giữa trời Tây.

Từ sau vụ tấn công, trường này lúc nào cũng có 6 binh sĩ đứng gác, binh sĩ chứ không phải cảnh sát nhé!... Họ cầm súng trong tư thế rất sẵn sàng phản ứng với mọi kẻ muốn manh động. Hình ảnh binh sĩ đứng gác ở trường học thật sự làm tôi bị sốc. Trường học là chỗ của trẻ em, của sự hồn nhiên, vui tươi mà...

Chị Ánh Hương,
tiệm Ao Ta
Cuối tuần là dịp “cao điểm” ở khu vực này, đặc biệt là tại Tang Frères, siêu thị hàng đầu châu Âu về các mặt hàng châu Á. Nhưng tối thứ sáu khi tôi ghé qua, đường phố ở quận 13 không tấp nập như “trước vụ tấn công”.
Trong câu chuyện của người Paris và đặc biệt là thông tin trên các phương tiện truyền thông suốt 2 tuần qua ở Pháp rất hay lấy ngày 13.11 làm cột mốc. Thảm kịch này đã để lại quá nhiều di chứng.
Ngổn ngang tâm trạng
Tất cả nhà hàng hoặc cửa tiệm của người Việt mà tôi đến thăm đều cho biết không đóng cửa ngày nào sau vụ tấn công, dù đều phải chịu cảnh “đìu hiu” trong suốt tuần lễ đầu tiên.
Anh Nick Lê, một Việt kiều Mỹ, sang chơi Paris từ nhiều tháng, sẵn tiện phụ bạn buôn bán ở nhà hàng Ba Miền. Anh cho biết: “Quán của chúng tôi vẫn mở cửa bình thường và như tình hình chung, rất vắng vẻ. Nhưng từ khoảng một tuần nay tình hình đã khá dần và đến giờ thì gần như bình thường. Đương nhiên, ban đầu mọi người cũng lo sợ, khách đến ăn cũng bàn tán nhiều về vụ việc nhưng rồi mọi chuyện cũng qua. Giữ bình tĩnh có lẽ là lời đáp trả hay nhất vì nếu mọi người lo sợ quá thì bọn khủng bố đã đạt được mục đích”.
Theo anh Nick, ngoài lực lượng cảnh sát được chính phủ điều động, các trung tâm thương mại hoặc siêu thị cũng đều tăng cường bảo vệ. Tại Trung tâm thương mại Italie 2 thuộc quận 13 và sát khu phố châu Á, khách ra vào đều phải đưa túi xách để bảo vệ xem. Việc này không làm ai phiền lòng mà ngược lại, mọi người cảm thấy an tâm hơn.
Cách quán Ba Miền không xa là tiệm Comme Au Vietnam. Theo quản lý, quán này giảm khách đến hơn 50% trong giai đoạn từ ngày 14 - 21.11, sau đó khách đã đông hơn nhưng vẫn không bằng trước đó. Chị Vy, nhân viên của Comme Au Vietnam, kể thêm: “Hồi đầu năm Paris đã từng bị tấn công nhưng rõ ràng vụ việc vừa qua khiến chúng tôi lo lắng hơn hẳn. Không khí vắng lặng xung quanh cũng làm cho tâm trạng thêm nặng nề. Lại thêm tin tức cứ được đưa dồn dập, nạn nhân nhiều quá. Họ đều là người dân vô tội. Ngày 14.11, quán vẫn mở cửa, chúng tôi vẫn đi làm, ai nhà ở gần thì đi bộ, ở xa thì đi tàu điện ngầm, xe buýt nhưng dù là đường phố hay phương tiện công cộng cũng vắng teo. Nếu có việc ra ngoài thì đi thật nhanh, thấy đám đông là lảng ra xa”.
Tiệm phở Mùi của ông Nguyễn Văn Thái cũng cùng chung cảnh ngộ bị giảm khách. Ông chia sẻ: “Tôi thấy phẫn nộ cho các nạn nhân. Về phần mình, chúng tôi chỉ là những người dân bình thường nên cố gắng làm ăn buôn bán như trước. Quán của chúng tôi vẫn mở cửa, dù vắng khách. Cuộc sống vẫn phải tiếp diễn mà”.
Không ở đâu xa
Trong vụ tấn công vừa qua, rất nhiều người Paris lần đầu tiên cảm nhận được chiến tranh, thảm sát “ở sát bên nhà”. Cộng đồng người Việt ở quận 13 cũng không phải ngoại lệ. Chị Vy có người quen ở gần Nhà hát Bataclan vào tối 13.11. Bà bị bắn trúng chân, nhưng nén đau, cố nằm im giả chết nên các tay súng không bồi thêm đạn. Bà bị thương nhẹ, may mắn thoát chết, nhưng khi nghe kể, chị Vy thật sự thấy sợ vì không thể nghĩ rằng có ngày người thân quen của mình lại bị bọn khủng bố bắn.
Tiệm trang phục truyền thống Ao Ta ở khu thương mại của cộng đồng châu Á tại quận 13
Tiệm trang phục truyền thống Ao Ta ở khu thương mại của cộng đồng châu Á tại quận 13
Tại khu thương mại ngay kế siêu thị Tang Frères, tôi gặp hai chị Ánh Hương và Cẩm Tú của tiệm Ao Ta - cửa hàng chuyên bán áo dài và trang phục truyền thống của Việt Nam. Ao Ta là địa chỉ quen thuộc của bà con người Việt mỗi dịp cưới hỏi, lễ tết từ hơn 20 năm qua.
Chị Cẩm Tú cho biết sau dịp cuối tuần đầu tiên hầu như không có khách, hiện khu thương mại đã nhộn nhịp hơn nhưng vẫn rất tệ so với những năm trước. Họ hy vọng sắp đến lễ Giáng sinh và năm mới, người Paris sẽ ra đường mua sắm nhiều hơn, giúp tình hình sớm ổn định trở lại, “nhưng chắc cũng phải mất cả tháng mới thật sự bình thường”. Nếu như mọi năm, một buổi tối cuối tuần tháng 12 có lẽ hai chị khó có thời gian để tiếp chuyện tôi như vậy.
Sống ở Paris đã nhiều thập niên, nhưng theo chị Tú, chưa bao giờ chị cảm thấy “không bình thường” rõ rệt như những ngày qua. Chị lái xe đến các ngã tư và thường xuyên gặp cảnh sát đứng gác, điều khiển giao thông. Với khách du lịch, lực lượng an ninh dày đặc ở các điểm công cộng giúp họ an tâm, nhưng với chị Cẩm Tú, việc cảnh sát có mặt ở những góc phố thân quen vốn rất thanh bình khiến chị hoang mang.
Chị Ánh Hương tham gia câu chuyện: “Tôi thường đi xe buýt ngang một trường học của người Do Thái ở Porte d’Italie, cũng thuộc quận 13. Từ sau vụ tấn công, trường này lúc nào cũng có 6 binh sĩ đứng gác, binh sĩ chứ không phải cảnh sát nhé! Do trường này có mặt tiền khá dài nên ngoài cửa trước và cửa sau đều có 2 binh sĩ, khu vực ở giữa cũng có 2 người gác. Họ cầm súng trong tư thế rất sẵn sàng phản ứng với mọi kẻ muốn manh động. Hình ảnh binh sĩ đứng gác ở trường học thật sự làm tôi bị sốc. Trường học là chỗ của trẻ em, của sự hồn nhiên, vui tươi mà…”.
Chị Cẩm Tú lấy điện thoại đưa cho tôi xem hình chụp hiện trường Nhà hát Bataclan sau vụ thảm sát. Chị quệt nước mắt, bảo: “Tôi không kiềm được cảm xúc khi xem những hình ảnh thế này. Khủng khiếp quá! Làm sao có thể tưởng tượng được những chuyện như thế này lại diễn ra ở ngay Paris chứ!”.
Chị Ánh Hương, vốn là một thính giả lâu năm của Đài phát thanh Europe 1, thì nói chị “không chịu nổi” khi nghe tường thuật trực tiếp lễ tưởng niệm nạn nhân vào sáng 27.11: “Tên từng người được xướng lên. Trẻ nhất là Lola, mới 17 tuổi! Phần lớn nạn nhân thiệt mạng đều trong khoảng 30 - 40 tuổi, còn quá trẻ! Khu vực bị tấn công ở Paris là nơi giới trẻ đến rất đông vào cuối tuần để uống ly bia, ăn tối hay cà phê. Họ thường ngồi ở vỉa hè, đây là một nét truyền thống của dân Paris và bọn khủng bố đã nã đạn vào truyền thống tốt đẹp này. Ngay cả những người có mặt ở Bataclan mà không bị thương tích gì về thể chất thì có lẽ cũng bị ảnh hưởng về tinh thần suốt đời. Họ đã phải chạy ngang thi thể người khác, giữa các làn đạn để thoát thân. Hay như một phụ nữ phải nằm giả chết dưới các xác chết trong suốt nhiều giờ…”.
Bạn thân của cháu trai chị Hương có thầy giáo dạy toán thiệt mạng tại Bataclan nên cậu bé bị khủng hoảng tinh thần, phải nghỉ học mấy ngày. Ngay cả cháu trai của chị cũng bị ảnh hưởng, hôm rồi ba mẹ bảo đi ăn đám giỗ của bà nội nhưng em nhất định không đi vì “truyền hình bảo đừng ra ngoài vào lúc này”.
Nhiều người tưởng niệm các nạn nhân vụ khủng bố - Ảnh: Lan Chi
Nhiều người tưởng niệm các nạn nhân vụ khủng bố - Ảnh: Lan Chi
Khi tôi chào từ biệt, chị Ánh Hương vừa tiễn ra cửa, vừa nói thêm: “Vết thương tinh thần của nhiều người quá nặng nề, có lẽ chỉ có thời gian mới giúp họ nguôi ngoai. Nhưng trong tình cảnh đau thương, vẫn có thể thấy tinh thần liên đới của người Pháp thật tuyệt vời. Có những người dân sống ở gần các quán ăn bị xả súng hoặc gần Bataclan đã nhanh chóng xuất hiện để giúp cứu chữa nạn nhân trong lúc cảnh sát và đội cứu hộ chưa đến”.
Tiếp tục tổ chức nhiều sự kiện
Theo anh Nguyễn Văn Tuân, Phó chủ tịch Hội Sinh viên VN tại Pháp (UEVF), các hội đoàn của người Việt vẫn tổ chức nhiều sự kiện trong 2 tuần qua.
Vào ngày 14 và 15.11, giải bóng đá mùa đông của UEVF đã diễn ra tại thành phố Lyon. Ban tổ chức quyết định giữ đúng lịch ban đầu như một thông điệp để nhắn với thân nhân ở VN là các du học sinh ở Pháp vẫn an toàn. Ngày 28.11, Hội Các nhà khoa học và chuyên gia VN (AVSE) đã tổ chức bàn tròn về giáo dục, với sự tham gia của nhiều chuyên gia người Việt và người Pháp đến từ các trường đại học danh tiếng của nước này.
Ngoài ra, ngày 5.12, Hội Thanh niên VN tại Pháp (UJFV) sẽ tổ chức ngày Đa văn hóa để giới thiệu trà và cà phê VN cho các bạn trẻ gốc Việt và bạn bè người Pháp. Chị Vũ Thị Thanh Tú, thành viên ban tổ chức cho biết: “Đương nhiên, hội họp trong những ngày này tâm lý cũng ít nhiều bị ảnh hưởng nhưng chúng tôi tin rằng sự đoàn kết và lòng tin vào con người sẽ giúp vượt qua nỗi lo sợ".
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.