Những nguyên thủ 'soái ca' của mạng xã hội

19/03/2017 21:55 GMT+7

Nếu Obama và Trump là những ông vua không ngai của Twitter thì cũng đừng quên Facebook và Instagram cũng là địa hạt của các nguyên thủ đến từ Ấn Độ và Slovenia.

Cách đây gần 2 tháng, trong quá trình chuyển giao quyền lực làm chủ Nhà Trắng từ Barack Obama sang Donald Trump, có một món “tài sản” mà tân tổng thống Mỹ không phàn nàn hay hăm he dẹp bỏ như Obamacare. Đó chính là tài khoản chính thức trên mạng xã hội Twitter mang tên @POTUS.
Hai cái tên Barack Obama và Donald Trump quả thực là bảo chứng cho sức hút của Twitter trong giới chính khách. Nếu họ là những ông vua không ngai của Twitter thì cũng đừng quên Facebook và Instagram cũng là địa hạt của các nguyên thủ đến từ Ấn Độ và Slovenia.
Tổng thống Instagram
Báo The Guardian đánh giá: “Donald Trump có thể thống trị Twitter nhưng ông ấy không phải là đối thủ của người đồng cấp Slovenia trên Instagram”. Được bầu làm tổng thống Slovenia vào cuối năm 2012, ông Borut Pahor từ đó cũng vụt lên thành một trong những ngôi sao của Instagram bởi một tài khoản đầy màu sắc và rất đời thường.
Ở đất nước chỉ có hơn 2 triệu dân này, ông Pahor đã thu hút được hơn 24.000 người theo dõi với những tấm ảnh, những chia sẻ được dân mạng đánh giá là “đúng chuẩn soái ca”. Đó là hình một người đàn ông trung niên với thân hình săn chắc để lộ hình xăm một chú cá heo trên vai, đó là hình một người đàn ông đang tham gia sửa lại con đường. Rồi hình ông tổng thống 53 tuổi đang ngồi ở sân vận động, đang trượt tuyết hay chuẩn bị xuống biển bơi. Hay ngay sau khi ông Pahor post tấm ảnh đứng tựa vào cầu thang ở Dinh tổng thống Ai Cập năm 2016 với chú thích “Nhớ nhà ở Cairo” thì một làn sóng bắt chước ông lan mạnh với hashtag #boruting trên mạng xã hội.
Những nguyên thủ 'soái ca' của mạng xã hội 1
Sự liên lạc giữa người dân và các chính khách đang thay đổi theo thời gian. Instagram phần lớn được người trẻ sử dụng. Trong một thời đại người ta trở nên ngờ vực chính trị thì đây là cách để chạm đến họ”, ông Pahor từng cho biết. Tuy thế, Tổng thống Slovenia không ảo tưởng bởi “điều quan trọng nhất là tiếp xúc với người dân ngoài đời”. Ông Pahor thừa nhận ông phải chịu rủi ro khi được gọi là “người theo chủ nghĩa dân túy”: “Tôi chấp nhận điều này. Nhưng có sự khác biệt giữa chủ nghĩa dân túy tích cực và tiêu cực”.
Những khảo sát về uy tín cho thấy cuộc sống Instagram không có tác động xấu đến ông Pahor. Theo đó, 52% người dân Slovenia ủng hộ ông Pahor trong khi tỷ lệ không hài lòng về ông chỉ 16%.
Và chuyên gia Marko Rakar của Slovenia gọi đó “chủ nghĩa dân túy nhẹ nhàng”. “Ông Pahor về cơ bản công khai những tấm ảnh thích hợp ở mức độ vui vẻ. Ông ấy đang cố gắng tạo dựng hình ảnh một người dễ thương làm nhiều việc”. Hơn nữa, các hoạt động trên Instagram của ông Pahor cũng khác với cách Tổng thống Mỹ Donald Trump sử dụng Twitter. “Instagram thực sự không phải là diễn đàn để gửi đi những thông điệp chính trị. Twitter thích hợp hơn cho chính trị gia”, ông Rakar nhận xét.
Tổng tư lệnh Twitter
Những nguyên thủ 'soái ca' của mạng xã hội 2
Thật không ngoa khi cả báo chí chính thống và cộng đồng mạng trao cho ông Donald Trump “chức danh Twitter in chief” (cách chơi chữ bởi tổng thống Mỹ đồng thời cũng là tổng tư lệnh quân đội - commander in chief). Bởi ông thực sự là người trị vì của Twitter và thậm chí còn được báo The Guardian “trao cho trọng trách” khi từng đặt ra câu hỏi: “Tổng thống đắc cử Trump hứa sẽ làm cho nước Mỹ hùng mạnh trở lại, nhưng liệu ông có thể làm cho Twitter mạnh như xưa?”. Bởi Twitter từng có 1 năm 2016 lao đao khi nhiều nhà quản lý cao cấp rời bỏ công ty và phải chật vật ngăn đà sụt giảm của doanh thu và của số lượng người sử dụng.
Tài khoản cá nhân của ông Trump trên Twitter @realDonald Trump hiện có 26,4 triệu người theo dõi tính từ thời điểm ông xuất hiện trên mạng xã hội này vào tháng 3.2009. Theo một khảo sát của Washington Times, chỉ trong vòng 50 ngày đầu tiên bước vào Nhà Trắng, tài khoản này đưa lên hơn 260 tweet, tính trung bình hằng tuần là 36 tweet. Và chẳng mấy chốc thì ông sẽ “vượt” qua người tiền nhiệm bởi tính trung bình ông Obama có gần một tweet mỗi ngày trên tài khoản @POTUS lúc còn tại nhiệm.
Và khi chuyển giao quyền lực, tài khoản chính thức của tổng thống Mỹ @POTUS cũng được “sang tên” cho ông Donald Trump. Tại thời điểm đó, @POTUS có khoảng 14 triệu người theo dõi và nay đã tăng lên 16 triệu người. Chính ông Donald Trump, với tài năng được các chuyên gia gọi là “xuất sắc trong việc kiểm soát vòng tin tức” bằng Twitter, đã hút thêm người theo dõi cho tài khoản này bởi khi chuyển giao, tất cả các tweet trước đó của ông Obama được chuyển sang tài khoản lưu trữ @POTUS44.
Đúng như lời của một chuyên gia cho rằng “Trump là điều tốt nhất xảy đến với Twitter”, Jack Dorsey - người đồng sáng lập kiêm CEO của Twitter đã không tiếc lời bày tỏ sự “biết ơn” của Twitter: “Việc ngài tổng thống sử dụng Twitter đã mở rộng nhận thức về cách diễn đàn này có thể được dùng và nó cho thấy quyền lực của Twitter”.
Ông vua Facebook
Những nguyên thủ 'soái ca' của mạng xã hội 3
Những nguyên thủ 'soái ca' của mạng xã hội 4
Chuyện ông Trump sử dụng mạng xã hội luôn là đề tài gây tranh cãi như bản thân tỉ phú này. Trong khi đó, với Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, ông luôn biết cách dung hòa trong việc post lẫn tweet. Có thể nói ông Modi là nhà lãnh đạo online “dẫn đầu” kể từ khi ông trở thành thủ tướng vào tháng 5.2016. Ông Modi có 27,8 triệu người theo dõi trên Twitter và hơn 40 triệu người thích trang Facebook của ông.
Cho đến nay, tweet kỷ lục của ông vẫn là câu “India has won” (Ấn Độ đã chiến thắng) khi đảng Bharatiya Janata của ông giành chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử đưa ông lên làm thủ tướng của đất nước hơn 1,2 tỉ dân. Tweet này đã có hơn 84.000 lượt retweet và 54.000 lượt like. Nhiều người đã “mổ xẻ” bí quyết lấy được lòng người của ông Modi trên mạng xã hội, qua đó mới thấy được sự khéo léo của nhà lãnh đạo này. Ông kéo mọi người đến với ông bằng cách chia sẻ những việc làm đơn giản của mình, chẳng hạn như tham gia chiến dịch Swachh Bharat - nước Ấn sạch đẹp, ủng hộ hết mình cho môn criket mà người Ấn Độ rất thích. Ngoài ra, vị thủ tướng 66 tuổi này cũng không ngần ngại chấp nhận thất bại như trong cuộc bỏ phiếu bang Delhi và chúc mừng chiến thắng của đảng đối lập.
Một con người đáng kính như ông Modi ngày càng được kính trọng và mạng lưới người ủng hộ ông cũng ngày càng rộng mở. Chỉ một tấm hình ông ôm chặt ông Barack Obama trong chuyến công du Ấn Độ trên Facebook đã có 2,4 triệu lượt like và 81.000 lượt chia sẻ. Một minh chứng tuyệt vời cho sự kết hợp của những chính khách “nóng” nhất mạng xã hội.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.