Những vũ khí ứng phó tên lửa Triều Tiên

10/07/2017 08:20 GMT+7

Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản đang cấp tập nâng cao khả năng phòng thủ nhằm đối phó tên lửa ngày càng đáng gờm của Triều Tiên.

Tuần trước, CHDCND Triều Tiên tuyên bố phóng thử thành công tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) Hwasong-14 có khả năng mang đầu đạn hạt nhân. Giới chuyên gia Mỹ ước tính Hwasong-14 có tầm bắn khoảng 6.700 km, đủ vươn tới bang Alaska và nhận định cuộc thử nghiệm đánh dấu bước tiến lớn trong chương trình hạt nhân - tên lửa của Triều Tiên.
Nước này được cho là đang sở hữu khoảng 700 tên lửa tầm ngắn đủ uy hiếp Hàn Quốc cùng 300 hỏa tiễn tầm trung có thể đe dọa Nhật và vươn tới các căn cứ Mỹ ở Thái Bình Dương. Trong khi đó, khả năng ngăn chặn của 3 nước này chưa tạo được cảm giác an tâm, bất chấp các động thái nâng cấp.
Lá chắn 40 tỉ USD
Phần lớn tàu chiến của Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản hiện đều được trang bị hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo Aegis có khả năng theo dõi 100 tên lửa cùng lúc để đánh chặn. CNN dẫn nguồn tin quân sự cho biết 3 nước đang hướng tới phối hợp Aegis với các hệ thống phòng thủ tên lửa khác như THAAD và Patriot. Tuy nhiên, do tầm hoạt động giới hạn nên khả năng phối hợp hiệu quả phụ thuộc nhiều vào vị trí và thời gian triển khai tàu Aegis. Ngoài ra, Aegis trên tàu chiến của 3 nước vẫn chưa thể kết nối dữ liệu với nhau do thiếu hệ thống mã hóa dữ liệu chung.
Mỹ đang hy vọng vào hệ thống phòng không cố định đánh chặn tên lửa giai đoạn giữa (GMD) để đối phó trường hợp Triều Tiên phóng ICBM nhằm vào lãnh thổ mình. Theo CNN, hệ thống này đã được phát triển trong hơn một thập niên qua với chi phí ít nhất 40 tỉ USD. Hiện có 32 giàn phóng GMD được triển khai ở căn cứ Fort Greely thuộc Alaska cùng 4 giàn tương tự tại căn cứ Vandenberg ở bang California, trên lý thuyết có thể đánh chặn mọi tên lửa trong giai đoạn bay ngoài không gian chuẩn bị quay trở lại bầu khí quyển. Lầu Năm Góc còn đang lên kế hoạch lắp thêm 8 giàn phóng ở Fort Greely trước cuối năm nay. Hôm 30.5, Mỹ tuyên bố thử nghiệm thành công sử dụng GMD đánh chặn tên lửa được mô phỏng theo tốc độ và tầm bắn của ICBM Triều Tiên. Giám đốc Cơ quan Phòng thủ tên lửa Jim Syring khẳng định: “GMD đóng vai trò vô cùng quan trọng trong nỗ lực bảo vệ lãnh thổ Mỹ, và cuộc thử nghiệm mới nhất cho thấy chúng ta đang sở hữu vũ khí đầy năng lực và đáng tin cậy nhằm đối phó mối đe dọa hết sức rõ rệt”. Tuy nhiên, trong cuộc điều trần mới đây trước Ủy ban Quân vụ Hạ viện, ông Syring thừa nhận phải mất thêm thời gian thì GMD mới có thể trở thành hệ thống phòng thủ tên lửa đáng tin cậy. Trước đó, một ban kiểm nghiệm của Lầu Năm Góc thừa nhận hệ thống này có “khả năng giới hạn” trong việc ứng phó ICBM và không chắc chắn sẽ đánh chặn hiệu quả. Một điều đáng chú ý là trong 18 lần thử nghiệm đến nay, đã có 8 lần thất bại.
Nỗ lực của Hàn, Nhật
Trong khi đó, Hàn Quốc và Mỹ hồi tháng 5 đưa vào hoạt động một phần hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) tại huyện Seongju, cách thủ đô Seoul gần 220 km về phía đông nam. Tuy nhiên, điểm yếu lớn của THAAD là tầm hoạt động chỉ khoảng 201 km.
Ngoài ra, việc triển khai hệ thống này vấp phải nhiều vấn đề nhạy cảm về chính trị như sự phản đối dữ dội của Nga và Trung Quốc cũng như lo ngại từ một bộ phận người dân ở Seongju về tác hại đối với môi trường cũng như sức khỏe. Mới đây, Tổng thống Moon Jae-in ra lệnh nghiên cứu tác động môi trường từ việc lắp đặt THAAD, khiến quá trình triển khai hệ thống này bị tạm ngưng.
Do đó, theo Đài KBS, quân đội Hàn Quốc đang nâng cấp hệ thống tên lửa PAC-2 thành PAC-3 để bảo vệ thủ đô Seoul. PAC-3 có thể bắn hạ tên lửa ở khoảng cách 30 - 40 km và có khả năng đánh chặn vượt trội so với PAC-2. Chính phủ Hàn Quốc có kế hoạch thay thế dần tất cả tên lửa PAC-2 trong và xung quanh Seoul bằng PAC-3 trước năm 2022. Ngoài ra, Seoul đang xây dựng hệ thống phòng thủ KAMD có khả năng bắn hạ tên lửa tấn công ở tầm cao 40 - 50 km. Một khi được hoàn thiện vào năm 2020, KAMD có thể phối hợp với THAAD tạo ra lá chắn tên lửa 2 lớp cho Hàn Quốc.
Về phần mình, Nhật Bản hiện sở hữu 6 khẩu đội tên lửa phòng không được trang bị PAC-3 và hợp tác với Mỹ phát triển SM-3 Block IIA, phiên bản mới của tên lửa SM-3 phóng từ khu trục hạm trang bị hệ thống phòng thủ Aegis, theo chuyên san The National Interest. SM-3 Block IIA, với tầm bắn tối đa 2.172 km và vận tốc trên 18.500 km/giờ, được thiết lập đánh chặn tên lửa đạn đạo tầm trung lúc rời bệ phóng và giữa hành trình. Tuy nhiên, đợt thử SM-3 Block IIA lần thứ hai hôm 22.6 gặp thất bại nên Tokyo vẫn còn rất nhiều chuyện phải làm.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Quốc phòng Tomomi Inada cho biết Nhật muốn mua thêm tên lửa SM-3 để trang bị cho hệ thống phòng thủ Aegis trên bờ, được gọi là Aegis Ashore. Chỉ cần 2 đơn vị Aegis Ashore là có thể bao quát hết toàn bộ lãnh thổ Nhật. Tờ The Japan Times dẫn các nguồn tin chính phủ cho hay Tokyo đang đẩy nhanh quá trình triển khai Aegis Ashore trong bối cảnh căng thẳng tiếp tục dâng cao trong khu vực.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.