Quân đội Thái Lan bị tố ném tiền qua cửa sổ

23/09/2017 07:23 GMT+7

Vụ bê bối liên quan đến chiếc khí cầu trinh sát mang tên Sky Dragon như giọt nước tràn ly, khiến quân đội Thái Lan bị chỉ trích nặng nề về lãng phí ngân sách.

Mới đây, giới chức quân đội Thái Lan thừa nhận khí cầu Sky Dragon đã bị loại khỏi biên chế sau 8 năm gần như bỏ không. Chiếc khí cầu trị giá 350 triệu baht (hơn 10 triệu USD) này được nội các của Thủ tướng Abhisit Vejjajiva đồng ý cho quân đội mua từ một tập đoàn hàng không quân sự của Mỹ hồi năm 2009 để làm phương tiện trinh sát các khu vực bất ổn ở miền nam. Tuy nhiên, từ đó đến nay, Sky Dragon thường xuyên trong tình trạng “đắp chiếu” vì hỏng hóc liên tục và không đáp ứng được yêu cầu hoạt động, chưa kể chi phí bảo dưỡng vận hành 50 triệu baht/năm.
Bên cạnh thường xuyên bị rò rỉ khí helium, khí tài đắt đỏ nói trên không thể hoạt động ở độ cao an toàn như quảng cáo mà chỉ đạt tới độ cao nằm trong tầm bắn của các tay súng đòi ly khai ở miền nam. Chiếc khí cầu này cũng không phù hợp với thời tiết tại khu vực thường xuyên mưa bão. Năm 2012, khi được triển khai tháp tùng phái đoàn chính phủ do Thủ tướng Yingluck Shinawatra dẫn đầu đi thị sát miền nam, Sky Dragon mất điều khiển và lao xuống một cánh đồng. Rất may là phi công vô sự. Sau vụ này, Sky Dragon chính thức “nhập kho”. Đến nay, vỏ ngoài của Sky Dragon đã hư hỏng do khí hậu nhiệt đới và quân đội cố xoa dịu dư luận bằng cam kết sẽ tìm cách tận dụng hệ thống máy quay phim của khí cầu.
Chưa hết, cũng trong thời điểm vừa mua Sky Dragon, quân đội Thái còn chi tới 1,2 tỉ baht để sắm gần 1.400 bộ thiết bị rà bom GT200 để triển khai ở miền nam. Tuy nhiên, đã xảy ra 2 vụ nổ liên quan đến GT200 và sau quá trình điều tra, giới chức “tá hỏa” phát hiện đây là đồ giả. Hồi năm 2013, tòa án Anh đã kết án tù 2 công dân nước này vì lừa bán GT200 cho các nước như Thái Lan, Mexico và Iraq.
Sau khi có tin Sky Dragon bị loại ngũ, Tổng thư ký Hiệp hội Các tổ chức bảo vệ hiến pháp Thái Lan Srisuwan Janya chỉ trích quân đội quá tắc trách và tùy tiện trong sử dụng ngân sách quốc gia trong khi chính phủ thiếu minh bạch về các dự án mua sắm quốc phòng. “Không thể chấp nhận được khi tiền thuế của dân bị ném đi không chút thương tiếc. Cần phải có người chịu trách nhiệm về việc này”, ông Srisuwan viết trên Facebook và cho biết đã gửi kiến nghị lên Cơ quan Kiểm toán nhà nước yêu cầu điều tra.
Trả lời Thanh Niên, cựu nghị sĩ Worachai Hema nói: “Tôi đồng tình với việc cho ngưng các thiết bị, phương tiện nguy hại đến tính mạng của người sử dụng. Tuy nhiên, quân đội cần rút kinh nghiệm sâu sắc bởi Thái Lan chuẩn bị mua thêm vũ khí và thiết bị quân sự khác, trong đó có tàu ngầm và xe bọc thép. Thiệt hại sẽ rất lớn nếu tiếp tục lặp lại sai lầm. Đồng thời cần phải xử lý người chịu trách nhiệm”. Ngoài ra, đảng Pheu Thai thông báo gửi kiến nghị lên Ủy ban Phòng chống tham nhũng quốc gia yêu cầu điều tra cựu Thủ tướng Abhisit về cáo buộc lạm quyền trong quyết định mua sắm khí tài, gây tổn thất cho ngân sách.
Trước những diễn biến trên, Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Quốc phòng Prawit Wongsuwan ngày 21.9 nhận định “quân đội đã làm hết sức vì an ninh quốc gia nhưng không lường trước được vấn đề”. Ông từ chối đề cập vấn đề trách nhiệm đối với thiệt hại mà chỉ nói: “Hãy để các cơ quan chức năng làm việc của họ”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.