Rò rỉ bí mật tàu ngầm Pháp đóng cho nhiều nước

24/08/2016 16:46 GMT+7

Hàng loạt tài liệu với bí mật quân sự liên quan đến loại tàu ngầm mà Pháp sẽ đóng cho Ấn Độ, Malaysia và Chile bị rò rỉ ra bên ngoài, gây lo ngại cho những nước này, tờ The Australian cho hay hôm nay 24.8.

Khoảng 22.400 trang tài liệu bị tiết lộ ra bên ngoài mà tờ báo của Úc có trong tay ghi chi tiết các thông số về khả năng chiến đấu của tàu ngầm điện - diesel lớp Scorpene do nhà thầu Pháp DCNS thiết kế cho Hải quân Ấn Độ.
Loại tàu ngầm này cũng được đóng cho Hải quân Malaysia và Chile. Từ năm 2018, Brazil có kế hoạch triển khai tàu ngầm loại này, một phiên bản thu nhỏ của lớp tàu ngầm hạt nhân Barracuda 4.700 tấn của Pháp.
Tài liệu gồm hàng ngàn trang đề cập đến các loại cảm biến trên tàu ngầm và hàng ngàn trang khác về hệ thống thông tin liên lạc, định vị cũng như gần 500 trang nói về hệ thống phóng ngư lôi.
Tờ nhật báo của Úc cho biết các dữ liệu được cho là đã bị xoá ở Pháp hồi năm 2011 bởi một cựu sĩ quan hải quân người Pháp lúc đó là nhà thầu phụ cho DCNS. Tài liệu cũng được tin là đã qua các doanh nghiệp ở Đông Nam Á trước khi được gửi đến một công ty ở Úc.
Tàu ngầm lớp Scorpene đầu tiên của Malaysia, chiếc KD Tunku Abdul Rahman tại cảng Klang tháng 9.2009 Reuters
Vụ rò rỉ không chỉ gây quan ngại cho các nước liên quan mà với cả Úc, vì Canberra hồi tháng 4.2016 quyết định trao hợp đồng thiết kế và đóng đội tàu ngầm thế hệ mới trị giá 50 tỉ đô la Úc (tương đương 38 tỉ USD) cho DCNS. Lo lắng của Canberra có vẻ hơi thái quá khi hệ thống chiến đấu bí mật của 12 chiếc Shortfin Barracuda mà DCNS đang đóng cho Úc là do Mỹ cung cấp.
Trả lời phỏng vấn của AFP, DCNS không giải thích gì về vụ hàng chục ngàn trang tài liệu bị rò rỉ, chỉ nói rằng đó là quan điểm của các bài báo và rằng "các cơ quan an ninh quốc gia" đã mở một cuộc điều tra về vấn đề này.
"Cuộc điều tra sẽ xác định nguồn gốc của các trang tài liệu bị rò rỉ đó và khả năng thiệt hại cho khách hàng của chúng tôi cũng như những người có trách nhiệm", đại diện DCNS nói. Theo The Australian, đưa ra bình luận trên DCNS hàm ý rằng vụ rò rỉ có thể từ phía Ấn Độ, không phải Pháp. Qua vụ rò rỉ, DNCS không loại trừ khả năng chiến tranh kinh tế của đối thủ cạnh tranh ở Úc, theo Reuters.
Bộ Quốc phòng Ấn Độ phủ nhận thông tin trên, nói rằng nguồn gốc của tài liệu dường như là "từ nước ngoài, không phải Ấn Độ", theo Reuters. Bộ trưởng Quốc phòng Manohar Parrikar cho biết ông nghi ngờ có bàn tay của tin tặc tham gia vào vụ này.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.