Sóng gió nhà họ Bạc

18/04/2012 03:42 GMT+7

Thời gian qua, không chỉ cựu Bí thư Thành ủy Trùng Khánh Bạc Hy Lai mà cả vợ ông là bà Cốc Khai Lai cũng gây xôn xao dư luận.

So với nhiều cặp vợ chồng nổi tiếng tại Trung Quốc, ông Bạc và bà Cốc Khai Lai khá đẹp đôi từ ngoại hình, học vấn, vị trí trong xã hội đến xuất thân danh môn.

Hai đời vợ

Sinh năm 1949, ông Bạc Hy Lai là con trai thứ hai của ông Bạc Nhất Ba, một trong những người được xem như “nguyên lão công thần” của Trung Quốc và từng đảm nhiệm các chức vụ: Phó thủ tướng Trung Quốc, Chủ tịch Ủy ban Kinh tế Nhà nước, Bộ trưởng Tài chính đầu tiên, theo Tân Hoa xã. Tuy nhiên, cựu Bí thư Bạc Hy Lai đã nếm đủ mùi đau khổ trong giai đoạn Cách mạng văn hóa khi cha ngồi tù, mẹ bị sát hại, anh em ly tán…

Trong khi đó, bà Cốc Khai Lai sinh năm 1960 và là con gái thứ năm của tướng Cốc Cảnh Sinh từng giữ chức Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị quân giải phóng, Bí thư thứ hai Khu ủy Tân Cương. Giống như chồng, bà Cốc Khai Lai cũng đã trải qua thời kỳ Cách mạng văn hóa đầy vất vả khi cha mẹ bị bắt. Mặc dù vậy, với quyết tâm cao, bà tốt nghiệp cử nhân Luật Đại học Bắc Kinh, rồi lấy bằng Tiến sĩ chính trị học quốc tế và hành nghề luật sư. Năm 1984, bà gặp ông Bạc lần đầu tiên tại thành phố Đại Liên. Lúc bấy giờ, ông Bạc đang giữ chức bí thư huyện ủy và hai người kết hôn năm 1986.


Vợ chồng Bạc Hy Lai và Cốc Khai Lai trong một buổi lễ tưởng niệm ông Bạc Nhất Ba vào năm 2007 - Ảnh: Reuters
 

Thực ra, trước khi cưới bà Cốc Khai Lai, ông Bạc từng lập gia đình với bà Lý Đan Vũ, con gái cựu Bí thư Thành ủy Bắc Kinh Lý Tuyết Phong. Tuy nhiên, cuộc hôn nhân đầu tiên gây cho ông Bạc không ít sóng gió. Bà Lý từng viết đơn 50.000 chữ tố cáo ông Bạc lên các cấp. Khi hai người ly hôn, ông Bạc bị bắt phải cắt đứt quan hệ với cậu con trai chung.

Sóng gió

Với bà Cốc Khai Lai, thời gian êm ấm có vẻ kéo dài hơn và ông cũng mãn nguyện với một người vợ được xem là tài hoa, xinh đẹp. Năm 1987, hai người sinh cậu con trai đặt tên là Bạc Qua Qua. Nhiều báo chí đại lục đánh giá bà Cốc Khai Lai như một phụ nữ đa tài, đa nghệ và quá sắc sảo. Bà là nữ luật sư đầu tiên ở Trung Quốc lấy tên mình mở văn phòng luật sư Bắc Kinh Khai Lai, khá thành công với nhiều chi nhánh ở trong lẫn ngoài nước này. Thậm chí, một luật sư Mỹ từng thốt lên rằng bà Cốc là “phu nhân Kennedy ở Trung Quốc”.

Thế nhưng, chuyện đời khó đoán khi sự sắc sảo, tài giỏi của bà Cốc Khai Lai góp phần không nhỏ vào việc ông Bạc Hy Lai ra nông nỗi hiện nay. Về gia đình, theo các nguồn tin chưa được xác nhận, bà ngoại tình cùng doanh nhân người Anh Neil Heywood nên bắt ông này ly dị vợ và thề trung thành nhưng bị từ chối. Ông Bạc đã ra lệnh sát hại doanh nhân Heywood. Về sự nghiệp, báo chí đại lục cho hay ông Bạc và bà Cốc Khai Lai “hoạt động” như một thể thống nhất, quyền lực của chồng giúp vợ hái ra khối tiền. Năm 2000, ông Bạc tuyên bố vợ mình hy sinh sự nghiệp riêng, chuyên tâm ở nhà nội trợ nhưng thực chất bà Cốc Khai Lai bí mật hành nghề ở nước ngoài.

Theo tờ Văn hối (Hồng Kông), bà Cốc Khai Lai thừa nhận chuyển hơn 8 tỉ nhân dân tệ (hơn 25.000 tỉ đồng) sang Singapore từ năm 1998. Tuy nhiên, nhiều nguồn tin cho rằng hai người giàu hơn rất nhiều so với con số trên. Báo chí quốc tế cho hay Bạc Qua Qua học ở nước ngoài từ hồi 11 tuổi đến nay với học phí hàng trăm ngàn USD mỗi năm, ăn chơi thả cửa, lái siêu xe Ferrari, sẵn sàng chi đậm để mời các siêu sao chung vui tiệc tùng. (Còn tiếp)

Ông Bạc Hy Lai đối mặt 7 tội danh

Tờ Asia Week (Hồng Kông) ngày 12.4 nhận định 7 tội danh của ông Bạc là:

1. Tham nhũng và dung túng cho người thân tham ô, nhận hối lộ.

2. Quản lý yếu kém, thiếu đồng bộ, vi phạm nghiêm trọng kỷ luật của đảng và pháp luật. Tự ý cách chức giám đốc sở công an của Vương Lập Quân không thông qua Bộ Công an.

3. Quan hệ mật thiết với các doanh nhân nước ngoài từng làm việc cho những tổ chức tình báo quốc tế, ví dụ doanh nhân người Anh Neil Heywood, vốn bị cho là dính líu với tình báo Anh.

4. Lợi dụng, thao túng giới truyền thông để công kích vai trò lãnh đạo cao nhất của đảng Cộng sản Trung Quốc.

5. Nghe lén các cuộc đối thoại bí mật và riêng tư của lãnh đạo nhà nước, can dự vào công việc của Cục Cảnh vệ Trung ương.

6. Coi thường pháp luật, sách nhiễu người vô tội, gây rối loạn hệ thống chính trị, phá hoại trật tự kinh tế thị trường. Theo đó, 30.000 trong số hơn 50.000 người từng bị ông Bạc bắt trong chiến dịch truy quét tội phạm đã được thả tự do vì thiếu chứng cứ, theo tờ Liên Hợp buổi chiều (Đài Loan). Nhốt những người chống đối, tố cáo quan chức Trùng Khánh vào viện tâm thần.

7. Xây dựng tập đoàn chính trị tại Trùng Khánh, lợi dụng nhân dân để thực hiện những hành động theo kiểu Cách mạng văn hóa, đi ngược lại đường lối của Trung ương. 

Ngoài ra, tờ Apple Daily (Hồng Kông) còn loan tin cựu Bí thư Bạc sau khi bị bắt đã yêu cầu gặp Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào và ông Chu Vĩnh Khang, Ủy viên thường vụ Bộ Chính trị phụ trách an ninh và pháp luật. Không được đáp ứng yêu cầu, ông Bạc tát cán bộ điều tra và tuyên bố: “Các anh không đủ tư cách điều tra tôi! Cút ngay!". Ông Bạc còn mắng ông Chu là “vuốt mặt không nể mũi” vì ra lệnh bắt bà Cốc Khai Lai.

Lucy Nguyễn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.