Thảm họa kinh hoàng tại Ý, Iran

20/01/2017 07:13 GMT+7

Trong ngày 19.1 đã xảy ra các vụ lở tuyết và sập cao ốc nghiêm trọng với hơn 20 người chết, khoảng 80 người bị chôn vùi.

Chôn vùi trong biển lửa
Tối 19,1, Iran thông báo ít nhất 20 lính cứu hỏa thiệt mạng và còn khoảng 50 người kẹt trong đống đổ nát của tòa cao ốc Plasco Building ở thủ đô Tehran. Trước đó đã có ít nhất 70 người bị thương sau khi tòa nhà 15 tầng bốc cháy dữ dội và bất ngờ đổ sập.
Theo tờ Le Figaro, lửa bùng phát từ tầng 9 của tòa nhà rồi nhanh chóng lan rộng. Từ cách hiện trường nhiều cây số vẫn có thể thấy cột khói lửa bốc lên cuồn cuộn. Những người theo dõi trực tiếp vụ việc qua ti vi càng kinh hoàng khi chứng kiến tòa nhà đổ sập khi khoảng 200 lính cứu hỏa còn bên trong. Từng tảng bê tông bốc cháy rơi xuống đám đông và hàng chục xe cứu hỏa bên dưới, gây ra cảnh tượng cực kỳ hỗn loạn.
“Tôi đang cố gắng dập lửa thì bất ngờ cảm thấy rung lắc mạnh nên vội hô mọi người chạy ra ngoài. Chưa tới một phút sau thì tất cả sập xuống. Còn rất nhiều đồng đội của tôi đang ở bên trong”, người lính cứu hỏa tên Ali vừa khóc vừa kể với AFP.
Plasco Building được xây dựng vào năm 1962 và là cao ốc cũ nhất tại Iran. Trước khi bị sập, trong tòa nhà có một trung tâm thương mại cùng cơ sở chứa hàng của nhiều hãng dệt may và chứa đầy quần áo để chuẩn bị tung ra thị trường nhân dịp lễ đón năm mới Nowruz của Iran.
Phát ngôn viên lực lượng cứu hỏa Tehran, Jalai Maleki cho biết: “Chúng tôi đã hơn 30 lần cảnh báo ban quản lý Plasco Building về các nguy cơ cháy nổ. Quần áo chất đầy tại các cầu thang trong khi tòa nhà không có hệ thống chữa cháy đúng chuẩn”. Hỏa hoạn bùng phát vào trước giờ mở cửa trung tâm thương mại nên bên trong tòa nhà không có người. Tuy nhiên khoảng 400 cơ sở kinh doanh đã bị lửa thiêu rụi cùng tất cả hàng hóa. Tổng thống Hassan Rouhani đã ra lệnh tập trung toàn lực giải cứu các nạn nhân đồng thời tiến hành điều tra nguyên nhân vụ việc.
Hai lính cứu hỏa Iran kịp thoát khỏi tòa nhà Reuters
“Chúng tôi chết dần vì lạnh”
Cùng ngày, trận lở tuyết cực lớn đã chôn vùi khách sạn Rigopiano thuộc khu trượt tuyết ở miền trung Ý, làm ít nhất 2 người thiệt mạng và 30 người mất tích. Rigopiano là khách sạn 4 sao nằm trên dãy núi Gran Sasso, thuộc tỉnh Pescara. Thông tin ban đầu cho thấy khi xảy ra lở tuyết, trong danh sách đăng ký của cơ sở này có hơn 20 khách, 8 nhân viên và đến tối qua mới có 2 người được cứu. Công tác tìm kiếm gặp rất nhiều khó khăn do địa hình đồi núi hiểm trở, các đoạn đường núi dẫn đến khách sạn thì tuyết đóng dày 2 - 3 m.
Các chuyên gia cứu nạn vùng núi của Ý được trực thăng đưa đến điểm gần khách sạn Rigopiano, sau đó phải băng qua một đoạn đường dốc đầy tuyết mới đến được hiện trường. Do xe và các thiết bị chuyên dụng mất hơn nửa ngày mới đến được hiện trường nên ban đầu, lực lượng cứu hộ chỉ có thể đào bới bằng tay, hoặc với các loại dụng cụ thô sơ. Hình ảnh trên truyền hình cho thấy tuyết phủ đến nóc khách sạn Rigopiano. Bên trong, tất cả đều đổ nát, xen lẫn giữa gạch gỗ là đá và tuyết, còn nước trong hồ bơi đã hoàn toàn đóng băng.
Đến tối 19.1, đã có 2 thi thể được tìm thấy và giới chức lo ngại có nhiều người thiệt mạng vì điều kiện giá rét khủng khiếp hiện nay. Theo tờ La Repubblica, một cặp vợ chồng trong khách sạn Rigopiano đã gửi tin nhắn cầu cứu ngay sau lở tuyết: “Cứu với, cứu với. Chúng tôi đang chết dần vì lạnh”. Một nhân viên cứu hộ cho biết khi vào được bên trong, ông đã gọi lớn nhưng không ai trả lời.
Tuyết lấp kín cầu thang trong khách sạn Rigopiano Reuters
Khu vực miền trung Ý vừa xảy ra 3 động đất liên tiếp trên 5 độ Richter vào ngày 18.1 làm ít nhất một người chết và một người mất tích, với tâm chấn cách dãy Gran Sasso khoảng 100 km. Hiện các chuyên gia vẫn chưa rõ đây có phải là nguyên nhân gây lở tuyết hay không. AFP dẫn lời đại diện Cơ quan Điều phối cứu hộ Ý Fabrizio Curcio cho biết: “Chúng tôi đang phải cùng lúc trải qua 2 hiện tượng thiên nhiên nguy hiểm với giải pháp trái ngược nhau: Do nhiệt độ quá thấp, người dân được khuyến cáo ở trong nhà nhưng động đất liên tiếp khiến họ phải bỏ chạy ra ngoài”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.