Thấy gì từ cuộc tập trận Nga - Trung ở Biển Đông?

23/08/2016 14:10 GMT+7

Thông điệp từ cuộc tập trận nhạy cảm giữa Nga và Trung Quốc vào tháng 9 phụ thuộc vào vị trí chính xác nơi nó diễn ra.

Nga và Trung Quốc vừa hoàn tất công tác chuẩn bị cho cuộc tập trận Joint Sea-2016 (Hợp tác biển 2016) giữa hai nước ở Biển Đông, theo thông báo của Hải quân Nga được truyền thông nước này đăng tải ngày 22.8.

Cuộc tập trận trên biển sẽ diễn ra từ ngày 12-19.9. Đây là cuộc tập trận chung thường niên lần thứ 5 giữa hai nước. Hai phía cho biết cuộc tập trận nhằm mục đích tăng cường quan hệ đối tác hợp tác chiến lược và không nhằm vào bên thứ ba nào. Tuy nhiên, địa điểm cuộc tập trận không thể không khiến giới quan sát nghi ngờ về ý định của nó.

Trong vài năm gần đây, địa điểm các cuộc tập trận Joint Sea giữa hai nước gần như đều gắn với một vùng biển có tầm quan trọng chiến lược với hai nước. Cuộc tập trận Joint Sea-2015 diễn ra ở hai giai đoạn vào năm ngoái. Một giai đoạn diễn ra ở Địa Trung Hải, nơi Nga đang tăng cường các hoạt động quân sự vào lúc đó, liên quan đến các lợi ích chiến lược của Moscow ở khu vực, đặc biệt là tình hình chiến sự ở Syria. Giai đoạn thứ hai của cuộc tập trận này diễn ra ở vùng biển nằm gần Nhật Bản. Xét đến tranh chấp lãnh thổ giữa Trung Quốc và Nhật Bản ở biển Hoa Đông, địa điểm của giai đoạn hai này rõ ràng đáp ứng mong muốn của Trung Quốc.

Cuộc tập trận năm nay càng nhạy cảm hơn khi diễn ra tại Biển Đông, khu vực hiện có nhiều tranh chấp đan xen giữa các quốc gia trong khu vực, như Đô đốc Scott Swift, Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ đã nói thẳng trong chuyến thăm Trung Quốc vào đầu tháng 8 rằng "còn có nhiều nơi khác để tổ chức cuộc tập trận như thế" và theo quan điểm của ông, nó "chẳng đóng góp gì cho ổn định khu vực".

Một điểm đáng chú ý nữa là cuộc tập trận diễn ra sau khi Toà trọng tài ở The Hague (Hà Lan) ra phán quyết bác bỏ yêu sách "đường lưỡi bò" phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông. Có thể thấy cuộc tập trận ở Biển Đông năm nay đáp ứng mong muốn của Trung Quốc giữa lúc nước này ngày càng bị quốc tế cô lập bởi thái độ bất chấp luật pháp quốc tế cũng như các hành vi đẩy mạnh quân sự hoá, khiêu khích ở Biển Đông, đi ngược lại mong muốn hoà bình, ổn định của cộng đồng khu vực và quốc tế.

Có một điều phải thừa nhận là không phải mọi khu vực ở Biển Đông đều là nơi có tranh chấp. Mặc dù được mô tả là thuộc Biển Đông, vẫn có các phần biển thuộc lãnh hải hoặc vùng đặc quyền kinh tế không chồng lấn của từng quốc gia. Vì thế, một trong những điểm mấu chốt của cuộc tập trận năm nay là địa điểm chính xác của nó. Sẽ không có nhiều điều để suy diễn nếu như cuộc tập trận diễn ra ở vùng biển thuộc lãnh hải Trung Quốc, chẳng hạn như ở Trạm Giang, nơi diễn ra cuộc họp giữa hai phía nhằm hoàn tất quá trình chuẩn bị.

Nhưng nếu địa điểm chính xác được dịch xuống phía nam Biển Đông, nằm gần hơn với quần đảo Hoàng Sa hoặc Trường Sa, thuộc chủ quyền Việt Nam nhưng bị Trung Quốc và một số bên khác chiếm đóng phi pháp, thông điệp của cuộc tập trận này có thể được đọc thấy rõ, rằng Nga ngầm đứng về phía Trung Quốc, cả trong các tranh chấp chủ quyền lãnh thổ và trong vòng xoáy cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ở khu vực.

Càng tệ hơn nữa nếu trong cuộc tập trận có nội dung "bảo vệ tàu bè" và "phối hợp đổ bộ tấn công" này sử dụng các công trình quân sự phi pháp mà Trung Quốc xây dựng ở Hoàng Sa hoặc Trường Sa. Đó là tín hiệu không thể nhầm lẫn về sự liên minh liên kết giữa Nga và Trung Quốc gây thiệt hại cho lợi ích của bên thứ ba.

Đáng tiếc là ngay cả khi hoàn tất công tác chuẩn bị cuộc tập trận bị cho là nhạy cảm này, Nga và Trung Quốc vẫn không công bố địa điểm chính xác của cuộc tập trận. Điều này sẽ có thể xua tan bớt những những nghi kỵ về ý đồ của cuộc tập trận.

Tuy nhiên, tất cả các kịch bản xấu này chỉ mới là giả định. Khả năng lớn nhất vẫn là cuộc tập trận chỉ diễn ra ở lãnh hải Trung Quốc, tại khu vực cách xa các điểm nóng tranh chấp. Và không loại trừ sự mơ hồ về địa điểm này có lẽ là một chiêu bài của Trung Quốc nhằm truyền đi thông điệp bóp méo rằng họ có được sự ủng hộ của Moscow trong cuộc tranh chấp, một thái độ tự huyễn hoặc của những người ở vị thế yếu ớt, vốn luôn tìm kiếm điều mà họ tưởng là sự ủng hộ bằng mọi giá giữa lúc hứng chịu búa rìu của công luận.

Không chỉ vậy, Nga có lẽ không dễ bị Trung Quốc "gài" đến như vậy, xét đến các quan hệ giữa Nga và các quốc gia khác có tranh chấp với Trung Quốc. Moscow hoàn toàn ý thức được các thiệt hại về uy tín và lợi ích chiến lược đối với họ nếu chọn đứng về phía Bắc Kinh (hoặc thực hiện những động thái bị xem là đứng về phía Bắc Kinh) trong vấn đề tranh chấp ở Biển Đông. Bởi nếu họ công khai chọn bên, các đối tác của họ cũng có quyền chọn thế đứng mới trong cuộc cạnh tranh không đơn giản chỉ vì các tranh chấp chủ quyền lãnh thổ. Mà Nga, trong lúc này, cũng chẳng có nhiều bạn bè gì.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.